Cảnh báo 'tương lai xám' môi trường Hồ Tây

19/10/2016 00:00

(TN&MT) - Ô nhiễm nước Hồ Tây làm giảm giá trị về cảnh quan và đa dạng sinh học. Hiện tượng cá chết hàng loạt mới đây, cảnh báo một ‘tương lai xám’ môi trường Hồ Tây nói riêng và các hồ của Thủ đô nói chung.

Hiện tượng cá chết chết hàng loạt, cảnh báo một ‘tương lai xám môi trường Hồ Tây
Hiện tượng cá chết chết hàng loạt, cảnh báo một ‘tương lai xám môi trường Hồ Tây

Quên lãng giá trị ĐDSH  

Hiện, Hà Nội bảo vệ Hồ Tây theo hướng bảo vệ cảnh quan, khai thác hồ chống úng, phát triển du lịch, nuôi cá. Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên dường như bị lãng quên.

Trong khi đó, báo cáo “Sơ bộ phân tích biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái Hồ Tây” của Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ rõ, Hồ Tây là đại diện điển hình cho ĐDSH học nước ngọt, kiểu nước đứng của Đồng bằng Bắc Bộ, bao gồm: tảo phù du 117 loài, thực vật thủy sinh 18 loài, động vật không xương sống 54 loài, cá có 40 loài, chim nước 11 loài. Hồ Tây có 9 loài tảo phù du chưa định danh được.

Giá trị đã rõ, song, ĐDSH nơi đây, suy giảm hiện hữu từng ngày. Điều này càng được minh chứng khi các loài thực vật giảm sút lớn nhất từ 115 loài (1996), đến nay, chỉ còn khoảng 60 - 70 loài. Như vậy, số loài đã giảm gần một nửa. Trong đó, giảm số lượng nhiều nhất là ngành tảo Lục từ trên 70 loài xuống còn hơn 20 loài.

Số loài động vật của hồ chẳng mấy khả quan, những năm gần đây, khu hệ cá Hồ Tây, hiện có 48 loài thuộc 13 họ, các thành phần loài cá ở Hồ Tây có sự tăng lên, nhưng chủ yếu là do các loài cá nhập nội được nuôi thả, hoặc các loài cá được di nhập từ vùng khác đến và cũng có một số loài mới. Đáng nói , phải kể đến 3 loài cá được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam là cá vền, cá trắm đen và cá lóc, đến nay, 2 loài cá trắm đen và cá lóc đã không còn được ghi trong sách Đỏ, chỉ còn loài cá vền cũng đứng trước nguy cơ khai tử.

Nguyên nhân được các nhà khoa học chỉ ra là do môi trường nước ở Hồ Tây ngày càng ô nhiễm, đặc biệt, vào mùa khô. Hệ lụy đi kèm số lượng cá chết ngày càng nhiều và càng tăng vào mùa nước cạn. Loài cá chết nhiều nhất là cá mè trắng, cá trôi rô hu, cá rô phi...

Mặc dù, giải pháp kỹ thuật bờ kè ngăn chặn được tình trạng xâm lấn diện tích mặt nước, tuy vậy, mặt trái của giải pháp này có nhiều tác động tiêu cực, bất lợi đối với môi trường nước mặt Hà Nội như: giảm đáng kể thể tích chứa nước mưa từ 15 – 35% thể tích, làm giảm khoảng 20 - 30% tiết diện dòng chảy thoát nước mưa của sông, làm giảm khả năng thẩm thấu và diện tích mặt bùn đất đáy sông hồ thu hẹp đáng kể có thể giảm tới 50%. Tất cả hậu quả này sẽ làm tình trạng úng ngập của nội thành Hà Nội càng căng thẳng thêm.

Các chuyên gia sinh vật học cảnh báo, giải pháp này còn làm giảm điều kiện môi sinh vì diện tích bề mặt đá hộc trong sông hồ chiếm tỷ lệ rất lớn, đối với các loài thủy sinh vật, các loài sinh vật đáy và các loài vi khuẩn có khả năng tiêu hủy các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước so với phương án xây kè bờ theo phương án thẳng đứng, như vậy, kè bờ đá thoải 45 độ này sẽ làm cho môi trường nước sông, hồ ô nhiễm hơn.

Cần hoàn thiện hệ thống cống vòng để thu gom và ngăn ngừa 100% nước thải không cho chảy vào Hồ Tây
Cần hoàn thiện hệ thống cống vòng để thu gom và ngăn ngừa 100% nước thải không cho chảy vào Hồ Tây

Nguy cơ thành “ao tù”

Theo GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, những năm 60 của thế kỷ trước chất lượng nước Hồ Tây còn rất tốt, hàm lượng BOD5 của nước Hồ Tây nhỏ hơn 6mg/l, thuộc chất lượng nước loại A, nhân dân quanh khu vực thường ra Hồ Tây lấy nước về phục vụ ăn uống. Tuy vậy, ngày nay, nước Hồ Tây đã ô nhiễm tới mức trở thành nước loại B1, B2, hàm lượng BOD5 của nước Hồ Tây ở giữa hồ cao nhất đạt tới 23mg/l, ở điểm gần bờ phía đường Thanh Niên cao nhất đạt tới 35mg/l (vượt cả mức lớn nhất của nước loại B2 - phục vụ cho tưới tiêu (25mg/l).

Thực tế hai thập kỷ qua, TP. Hà Nội đã có nhiều biện pháp bảo vệ hồ. Đơn cử, biện pháp xây cống vòng quanh hồ để ngăn chặn và thu gom không cho các nguồn nước thải đổ thẳng vào hồ là biện pháp kỹ thuật có hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hồ. Tuy vậy, đối với Hồ Tây, hiện, còn tồn tại nhiều nguồn thải nước ô nhiễm từ các cửa hàng ăn uống, các khách sạn và các công trình dịch vụ nằm ở khu vực sát bờ hồ, ở khu bán đảo Tây Hồ và ở ngay trên mặt nước hồ, chưa được xử lý triệt để, nên môi trường nước gần bờ Hồ Tây vẫn ô nhiễm nặng, hàm lượng các chất ô nhiễm nước gần bờ gấp khoảng 2 lần so với nước ở giữa hồ.

Theo Ban Quản lý Hồ Tây, hiện, có khoảng 30 cống vẫn hàng ngày xả thải trực tiếp xuống hồ và nhiều năm hồ chưa được nạo vét. Trong khi đó, hiện mỗi ngày, Hồ Tây nhận khoảng 10.000 m3 nước thải sinh hoạt; chất lượng nước hồ có chỗ đen quánh gây mùi hôi khó chịu về mùa hè; nguồn nước thải trước khi đổ vào hồ đều ô nhiễm nặng, thể hiện ở các giá trị COD, BOD, Phenol…, vượt giới hạn cho phép.

Lớp bùn đáy Hồ Tây có độ dày dao động từ 0,2 đến 1,5m, nhiều điểm độ dày bùn đáy hơn 1m như: khu vực gần hồ Vả, câu lạc bộ Hà Nội, cống Đõ, sau Ttrường Chu Văn An, dốc Yên Phụ, Âu Cơ và cống Tàu Bay. Chất lượng bùn đáy tại các khu vực xung quanh cống thải nhiễm bẩn dầu mỡ và kim loại nặng (Pb, Cu, Hg) vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần, ảnh hướng lớn đến hệ sinh thái hồ.

Do vậy, đối với Hồ Tây cũng như các hồ khác của nội thành Hà Nội cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống cống vòng xung quanh hồ để thu gom và ngăn ngừa 100% nước thải không cho chảy vào hồ, nước các hồ mới nhanh chóng phục hồi thành môi trường nước trong sạch như những năm 60 của thế kỷ trước.

Hồ Tây là một thế giới kiến trúc trước kia và hiện nay có nhiều thay đổi về đa dạng sinh học, nếu không có các biện pháp để bảo tồn, sẽ vô tình làm mất đi những giá trị khoa học có giá trị ý nghĩa cốt lõi đối với hồ.

Phương Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo 'tương lai xám' môi trường Hồ Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO