Cần xác định nguyên nhân sụt lún đất ở Lạc Sơn, Hòa Bình

17/03/2014 00:00

Hơn 1 tháng nay, tại khu vực xóm Khi, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn liên tục xảy ra hiện tượng sụt lún, sạt lở đất tạo thành những hố lớn ảnh hưởng đến cuộc sống...

   
Hơn một tháng nay, tại khu vực xóm Khi, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình liên tục xảy ra hiện tượng sụt lún, sạt lở đất tạo thành những hố lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Trong đó, có những hộ buộc phải di dời khẩn cấp để lánh nạn, nhiều hộ đang phải sống trong nỗi lo sợ, do tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt mà chưa rõ nguyên nhân.  
   
    
  Ông Bùi Văn Cảnh, trưởng xóm Khi cho biết: Ngày 12/2 xuất hiện hố sụt đầu tiên ở ngoài ruộng, sâu khoảng 8m, đường kính rộng 10m. Hai ngày sau thì tiếp tục sụt thêm hố thứ 2 ngay bên đường giao thông liên xóm, cách nhà dân khoảng 7m nhưng rất may, “hố tử thần” sụt vào rạng sáng, ít người qua lại nên không thiệt hại gì về người. Cho đến thời điểm này, có tất cả 5 hố sụt, trong đó, 2 hố bên đường hiện nay vẫn sụt lún rộng ra xung quanh, ăn sâu vào lòng đường, đường kính miệng hố rộng gần 20m. Đồng thời, xuất hiện những vết nứt chạy dọc theo đường liên xóm, chiều rộng vết nứt khoảng 5cm, diện tích ảnh hưởng của khu vực sụt lún là 4ha (2ha đất ruộng, 2ha đất ở), xóm Khi hiện có gần 70 hộ thì 11 hộ nằm trong khu vực nguy cơ sập đổ và 1 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp.  
    
  Quan sát tại hiện trường, có 2 hố sụt nằm ngay bên đường, làm cho con đường trước đây rộng 6 m, giờ sụt lở hình hàm ếch chỉ còn khoảng 3m, 3 hố giữa ruộng, tường nhà dân có nhiều vết nứt dài, cách khu vực xảy ra sụt lún hơn 200m có dấu hiệu của việc khai thác than trái phép.    
   
  Anh Bùi Văn Lưu, gia đình chịu ảnh hưởng lớn tâm sự: Ngay khi “hố tử thần” ở mép đường giao thông liên xóm xuất hiện thì gia đình cũng phát hiện những vết rạn nứt quanh móng nhà và chạy dọc ra vườn, cuộc sống gia đình cũng bị đảo lộn. Để tránh nguy hiểm cho những thành viên trong gia đình anh Lưu, tỉnh Hòa Bình và chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình dựng tạm lán ra sau vườn và chuyển một số vật dụng thiết yếu ra lán để ở.     
   
  Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Do vết nứt có hiện tượng khác thường, mỗi ngày một rộng và dài thêm lại chưa xác định được nguyên nhân. Trước hết, chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo, yêu cầu bà con cắm biển báo, cấm các phương tiện cơ giới và người dân chăn dắt gia súc qua lại khu vực nguy hiểm, khoanh vùng những điểm sụt và có các phương án xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra…    
   
  Để xác định được nguyên nhân tình trạng sụt lún và có hướng giải quyết cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam khẩn trương triển khai một số khảo sát nghiên cứu. Theo đó, từ ngày 21/2/2014, đoàn công tác của Viện Địa chất đã triển khai công tác đo, vẽ các hố sụt, xem xét phân bố các đới phá hủy kiến tạo, phân bố bề mặt các thành tạo địa chất đã được thực hiện bằng các khảo sát địa chất - kiến tạo; xem xét các đối tượng có khả năng liên quan đến hiện tượng sụt, nứt đất ngầm được tiến hành bằng sử dụng các phương pháp Địa vật lý.     
   
  Ông Bùi Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Hòa Bình cho biết: Cho đến nay, đoàn công tác đã khảo sát chi tiết địa chất - kiến tạo tại nhiều điểm khu vực sụt đất và lân cận. Đồng thời, đo được 7 tuyến đo địa chấn và 4 tuyến thăm dò điện cắt qua thung lũng nơi có hố sụt và lân cận.     
   
  Qua khảo sát bước đầu và số liệu điều tra trong dân cho thấy, khu vực thung lũng xóm Khi, xã Ân Nghĩa có nền đất yếu, độ dày lớn lại có nhiều đới phá hủy đứt gãy chạy qua, phản ánh tính kém bền vững của môi trường địa chất. Bên cạnh đó, hiện tượng sụt đất xảy ra trong thời gian mỏ than khai thác gần đó tiến hành bơm nước ra khỏi hầm lò. Do các đới phá hủy chứa nước bị thay đổi trạng thái áp suất đột ngột nên các vùng đất yếu bị tác động vượt quá ngưỡng chịu đựng xảy ra sụt đất. Hiện tượng nứt đất có khả năng là hậu quả của sụt đất. Nếu không có các đới phá hủy đứt gãy chạy trong vùng thì khả năng sụt cũng khó.     
   
  Tuy nhiên, đây chưa phải là kết luận chính thức của phía cơ quan chuyên môn về nguyên nhân hiện tượng. Vì vậy, các giải pháp phòng tránh cụ thể, trước hết để an toàn cho những hộ dân nằm trong phạm vi nguy hiểm, chính quyền địa phương cần theo dõi thường xuyên diễn biến về hiện tượng, tránh đẻ xảy ra hậu quả đáng tiếc.    
   
Vũ Hà  
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần xác định nguyên nhân sụt lún đất ở Lạc Sơn, Hòa Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO