Cần ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số

19/06/2017 00:00

(TN&MT) - “Do quỹ rừng hạn chế nên cần ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để có cuộc sống gắn bó với rừng, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh như vậy tại phiên Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) ngày 19/6.

Tại phiên họp thảo luận, đã có 26 đại biểu phát biểu ý kiến và có 2 đại biểu tranh luận. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - người điểu khiển phiên thảo luận, nhìn chung ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật để đáp ứng yêu cầu về quản lý sử dụng hiệu quả rừng và đất rừng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh như vậy tại phiên Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) ngày 19/6. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại phiên Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) ngày 19/6. Ảnh: quochoi.vn

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu làm rõ nhiều nội dung liên quan đến dự án luật này mà các vị Đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật. Có một số ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm và thuật ngữ kinh doanh lâm nghiệp, chúng tôi xin tiếp thu để hoàn thiện.

Về phân loại rừng, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đa số các ý kiến đều nhất trí phân loại rừng thành 3 loại như dự thảo rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

“Một số ý kiến khác đề nghị phân loại thành 2 loại rừng là rừng kinh tế bao gồm rừng sản xuất và rừng bảo vệ gồm rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Chúng tôi xin được báo cáo thêm: Mục đích yêu cầu phân loại rừng tại dự án luật là tạo khung pháp lý cho công tác quy hoạch, hoạch định chính sách quản lý rừng có hiệu quả phù hợp với chức năng cơ bản của các khu rừng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong các quy định của hệ thống pháp luật, nhất là các chế định về phân loại đất tại Luật Đất đai…” - Bộ trưởng NN&PTNT nói.

Bên cạnh đó, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về 3 loại rừng đã hình thành trong nhiều thập kỷ qua ăn sâu vào tiềm thức của nhiều tầng lớp xã hội, hệ thống cơ chế chính sách của nhà nước hiện hành đều được quy định chi tiết cho 3 loại rừng đã trở thành thói quen ứng xử trong đời sống xã hội. Việc thay đổi về phân loại rừng chắc chắn sẽ gây xáo trộn về cơ chế quản lý, đòi hỏi sửa đổi nhiều văn bản pháp luật liên quan và phải mất nhiều năm tới mới có thể ổn định.

ĐBQH Dương Tấn Quân - Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 19/5. Ảnh: quochoi.vn
ĐBQH Dương Tấn Quân - Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 19/5. Ảnh: quochoi.vn

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, một số khu rừng  phòng hộ chuyển thành rừng bảo vệ sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân vì lý do bảo vệ, bảo tồn rừng. Nghiên cứu pháp luật quốc tế cho thấy việc phân loại rừng rất khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa của quốc gia đó, các tổ chức quốc tế cũng không khuyến nghị quy định cách phân loại rừng chung đối với các quốc gia. “Ngoài những giải thích trên, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về thể chế hóa quy định rừng biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư để bổ sung hoàn thiện luật trong thời gian tới” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Về giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng... Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Hầu hết Đại biểu Quốc hội đều nhất trí với quan điểm quy định cơ bản về giao rừng, cho thuê rừng tại dự thảo luật và đề nghị bổ sung quy định về ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình khó khăn, hạn mức giao rừng, phân cấp rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với rừng chưa được giao.

Bên cạnh đó, việc giao rừng có gắn với giao đất, giao rừng tâm linh, tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng các dân tộc thiểu số… Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ban soạn thảo tiếp thu và sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để việc giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Giao rừng, cho thuê rừng để rừng có chủ thực sự là chủ trương nhất quán trong quá trình dự thảo lần này.

“Tuy nhiên, do quỹ rừng hạn chế nên cần ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để có cuộc sống gắn bó với rừng, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Về việc quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là rừng tự nhiên, Bộ trưởng cho biết ban soạn thảo sẽ tôi tiếp thu nghiên cứu để bổ sung quy định về đóng cửa rừng tự nhiên, tăng khả năng hấp thụ các bon, đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng, khuyến khích sản xuất nông lâm kết hợp và phát triển lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là cây dược liệu để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, tiếp tục được nghiên cứu, chỉnh sửa theo nguyên tắc quản lý chặt chẽ, chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, tăng quyền tự chủ của chủ rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, giảm phát sinh thêm các thủ tục hành chính phù hợp với Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013.

Về chủ rừng, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng. Phần lớn các ý kiến đều nhất trí với quy định cơ bản tại dự án luật về chủ rừng, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng. Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn quy định về cộng đồng dân cư, quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã về kiểm lâm… Bộ trưởng NN&PTNT cho biết: Cộng đồng dân cư đã và đang tổ chức quản lý rừng có hiệu quả, gắn với tập quán sản xuất truyền thống của đồng bào.

Trong thời gian gần đây đã có một số văn bản pháp luật đề cập đến vai trò của cộng đồng dân cư thôn như Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, Luật Đất đai năm 2013. Cộng đồng đã được nhà nước giao khoảng 1,1 triệu ha rừng, chiếm 80% diện tích rừng toàn quốc đang quản lý có hiệu quả.

Hiện nay UBND xã không phải là chủ rừng, nhưng đang quản lý 3,1 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp chưa được giao, cho thuê để quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích trên. Ủy ban nhân dân xã xây dựng đề án để trình cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê theo quy định của pháp luật.

“Kiểm lâm là tổ chức có chức năng bảo đảm, chấp pháp pháp luật về lâm nghiệp nhưng tại một số địa phương, tạm thời quản lý bảo vệ những diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê để quản lý sử dụng hiểu quả diện tích trên, kiểm lâm tham mưu cho UBND xã xây dựng phương án để trình cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê theo đúng quy định của pháp luật” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Hải Ngọc - Châu Tuấn(lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO