Xã hội

Cần Thơ: Xây dựng đê bao ứng phó BĐKH, góp phần phát triển bền vững

Lê Hùng 09/08/2023 15:17

Trong thời gian qua, TP. Cần Thơ đã triển khai nhiều công trình, dự án xây dựng đê bao để bảo vệ lúa, hoa màu, cây ăn trái trước tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, góp phần giúp người dân yên tâm trồng trọt, sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

a1-nhon-ai.jpg
Tuyến đê bao kết hợp cống, đường giao thông tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.

Hiệu quả từ dự án đê bao

Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Qúi Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ cho biết: Trong thời gian qua với sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, TP. Cần Thơ đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng các tuyến đê bao Ô Môn - Xà No; đê bao bảo vệ cây ăn trái xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền,… qua đó góp phần bảo vệ an toàn, bền vững cho diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái của người dân trước tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

So về quy mô cũng như tổng mức đầu tư thì dự án xây dựng tuyến đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái cho xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền thấp hơn so với một số dự án đê bao khác đã triển khai trên địa bàn TP. Cần Thơ, song dự án này lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho hơn 3.700 hộ dân của xã Nhơn Ái trong thời gian qua.

Trước đây, vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, vùng đất thuộc xã Nhơn Ái thường xuyên phải chịu ảnh hưởng do lũ lụt và triều cường gây ngập lụt làm chết nhiều diện rau màu, cây ăn trái của người dân. Để giảm thiểu thiệt hại, hàng năm các hộ dân xã Nhơn Ái phải góp tiền cùng chính quyền địa phương làm cống bọng, đắp đập dã chiến ngăn không cho nước ngoài sông lớn tràn vào bảo vệ vườn cây ăn trái; đồng thời mỗi hộ gia đình còn gắng gượng vay mượn tiền mua sắm máy bơm hút nước phòng ngừa sự cố đập bị bể.

Mặc dù mỗi năm chính quyền địa phương và người dân phải tốn rất nhiều công sức, tiền của để ngăn nước bảo vệ vườn cây ăn trái, nhưng tình hình phát triển kinh tế cũng như đời sống của bà con nông dân cũng không cải thiện được là bao, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo luôn ở mức cao hơn so với các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện.

Nhằm giúp người dân yên tâm trồng trọt, sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, năm 2015 từ nhiều nguồn vốn TP. Cần Thơ đã triển khai đầu tư gần 130 tỉ đồng thực hiện dự án xây dựng tuyến đê bao dọc theo sông Phong Điền với chiều dài 6km kết hợp các cống đập, đường giao thông để ứng phó với ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái cho xã Nhơn Ái, đến cuối năm 2016 dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất.

a2-nhon-ai.jpg
Nhờ có tuyến đê bao khép kín, hơn 660 ha trồng sầu riêng của người dân xã Nhơn Ái hiện đang phát triển xanh tốt và cho năng xuất cao

Đời sống người dân càng ấm no

Sau hơn 7 năm đưa vào sử dụng, tuyến đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái tại xã Nhơn Ái đã phát huy hiệu quả trong việc ứng phó với ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, giúp người dân bảo vệ an toàn diện tích cây trồng hiện có và mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, vú sữa,… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hướng đến mục tiêu xóa nghèo bền vững.

Cũng giống như nhiều hộ dân khác, trước đây gia đình ông Đỗ Văn Sinh ( ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái) cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ diện tích cây trồng, đặc biệt là vào thời điểm mùa mưa hàng năm. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay nhờ có tuyến đê bao khép kín đã giúp cho hơn 9 công sầu riêng của gia đình ông phát triển xanh tốt và cho năng xuất cao. “Trong vụ thu hoạch sầu riêng vừa qua, sau khi trừ đi tất cả các chi phí đầu tư, gia đình tôi cũng còn lời khoảng 300 triệu đồng. Với số tiền này gia đình tôi có điều kiện tái đầu tư tạo màu mỡ cho đất, sửa sang lại nhà cửa và còn có tiền cho con cái ăn học đàng hoàng”- ông Đỗ Văn Sinh phấn khởi nói.

Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Ái, cho biết: “Trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm của thành phố trong việc đầu tư xây dựng tuyến đê bao khép kín đã tạo điều kiện cho xã tăng diện tích chuyên canh cây chủ lực như sầu riêng, măng cụt, vú sữa, dâu lên 700 ha, từ đó chất lượng đời sống người dân được nâng lên, số hộ nghèo giảm chỉ còn 5 hộ. Bên cạnh đó, tuyến đê bao này còn giúp xã Nhơn Ái chỉnh trang hệ thống giao thông nông thôn ấp liền ấp; ấp liền xã, góp phần giúp người dân đi lại dễ dàng, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.

"Hiện nay, tình trạng ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn đang ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, do vậy để giúp người dân địa phương bảo vệ hiệu quả diện tích cây ăn trái hiện có và chuyển đổi diện tích đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, trong thời gian tới xã Nhơn Ái mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành thành phố trong việc thường xuyên gia cố tuyến đê bao xã Nhơn Ái; đồng thời đầu tư xây dựng tuyến đê bao tại khu vực giáp ranh với tỉnh Hậu Giang giúp người dân khai thác hiệu quả đất đai, góp phần giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững"- ông Khánh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ: Xây dựng đê bao ứng phó BĐKH, góp phần phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO