Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, Thành phố luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo. Trong các Nghị quyết của Thành uỷ, HĐND, UBND TP.Cần Thơ đều có chỉ tiêu về việc huy động học sinh vào các cấp học; tích cực quan tâm tới việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các trường, lớp đạt chuẩn, gắn với vấn đề chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và xem đây là nhiệm vụ đổi mới của ngành Giáo dục và là nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến nay, Cần Thơ có 85/85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, so với năm 2013, tỉ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 35 biết chữ đạt 99,70%, tăng 0,63%; tỉ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 biết chữ đạt 98,95%, tăng 3,09%; số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ trở lại là 822/946 người, đạt 86,89%; có 85/85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, tăng 72 đơn vị so với 2013; 9/9 quận, huyện củng cố vững chắc kết quả phổ cập THCS; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1...
Sau khi nghe TP.Cần Thơ báo cáo kết quả 5 năm về tình hình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: TP.Cần Thơ đã triển khai, quán triệt học tập tổ chức thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW rất nghiêm túc, tạo chuyển biến rất rõ về mặt nhận thức, tư tưởng cũng như quyết tâm trong việc thực hiện Nghị quyết. Một số điểm nổi bật của TP.Cần Thơ sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW như: quy mô mạng lưới trường lớp toàn Thành phố cơ bản đã hoàn chỉnh phủ kín trên các địa bàn dân cư, cơ sở vật chất của trường học ngày càng được củng cố nâng cao chất lượng, đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân; số trường học đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các bậc học đều tăng theo từng năm. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia trên 60%, đây là con số đáng mừng; thực hiện khá tốt chủ trương đổi mới chương trình, phương pháp dạy học 2 buổi/ngày; xây dựng xã hội học tập đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu; phổ cập xoá mù chữ được củng cố và phát triển, phổ cập cho giáo dục mầm non, cho trẻ 5 tuổi, tiểu học mức độ 2, 3 ở các xã phường thị trấn, ngày càng tăng.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý rằng: Cần Thơ cần nghiên cứu thực hiện công tác đánh giá, kiểm tra chất lượng giáo dục đào tạo ở các cấp độ của địa phương, các cơ sở sao cho tốt; xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ đội ngũ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu, đổi mới giáo dục và đào tạo. Cần Thơ cũng phải xem lại vấn đề chuẩn và vượt chuẩn chất lượng giáo dục và đào tạo. Vì khi đã khẳng định, đủ chuẩn và vượt chuẩn, nhưng chất lượng giáo dục lại chưa được nâng lên tương xứng thì cái chuẩn có vấn đề, hoặc chuẩn của chúng ta quy định thấp. "Trong thời gian tới, Cần Thơ cũng cần xem lại việc quy hoạch, khuyến khích đào tạo và sử dụng lao động, sự tham gia của các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động đối với các cơ sở đào tạo lao động để sao cho giáo dục của Thành phố luôn luôn là điểm sáng, điểm dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng là một trong những địa phương có chất lượng giáo dục đào tạo tốt trên phạm vi cả nước" - ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.