Cần thiết phải thu hồi đất vì quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng

22/10/2013 00:00

(TN&MT) - Uỷ ban DTSĐHP khẳng định cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng...

   
(TN&MT) - Tại Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, trình bày trước Quốc hội sáng 22/10 cho thấy, về cơ bản các ý kiến đề nghị giữ nguyên tên nước và khẳng định cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội…
   
Tán thành việc giữ nguyên tên nước
   
  Qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
   
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, trình bày
Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
   
  Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn nữa, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
   
  Có ý kiến cho rằng, không nên ghi từ “dân chủ” tại Điều 1 vì nội dung Điều này thể hiện tính độc lập, có chủ quyền của quốc gia mà nên ghi từ “dân chủ” trong Điều 2 để thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta.
   
  Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này, giữ quy định tại Điều 1 như Hiến pháp năm 1992 và bổ sung vào khoản 2 Điều 2 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ”. 
   
Khẳng định cần thiết phải thu hồi đất vì quốc phòng, an ninh…
   
  Về thu hồi đất (khoản 3 Điều 54), theo ông Phan Trung Lý, qua tổng hợp ý kiến nhân dân và đại biểu có các loại ý kiến sau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định về thu hồi đất tại khoản 3 Điều 54 của Dự thảo trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội; 
   
Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ thu hồi đất đối với 3 trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp để thực hiện “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Bởi vì, bản thân các dự án phát triển kinh tế – xã hội trong nhiều trường hợp cũng đã được thể  hiện khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Quy định như vậy cũng tránh được việc lạm dụng trong thu hồi đất; 
   
Loại ý kiến thứ ba đề nghị không quy định về thu hồi đất trong Hiến pháp mà để Luật đất đai quy định thì bảo đảm tính linh hoạt hơn trong quản lý đất đai.
   
  Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
   
  Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.
   
  Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý khoản 3 Điều 54 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
   
Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo
   
  Theo Ủy ban DTSĐHP, trong nền kinh tế thị trường ở nước ta thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước.
   
  Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội quy định về nội dung này tại khoản 1 Điều 51 như sau: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
   
  Liên quan ý kiến đề nghị quy định vai trò của kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể cho phù hợp với Cương lĩnh, đường lối của Đảng, ban soạn thảo cho hay quan điểm, nếu quy định thành phần kinh tế tập thể thì cần liệt kê cả các thành phần kinh tế khác và phải xác định cụ thể vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế như đã thể hiện trong Cương lĩnh.
   
  Theo đó, kinh tế nhà nước là chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
   
   
Thúy Hằng
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết phải thu hồi đất vì quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO