Cần quy định chặt chẽ các ngành nghề kinh doanh

18/06/2014 00:00

(TN&MT) - Ngày 17/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận hội trường về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

   
(TN&MT) - Ngày 17/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận hội trường về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
   
Đại biểu Đõ Văn Vẻ (Thái Bình) phát biểu
   
  Về quy định ngành nghề và điều kiện kinh doanh nhằm cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh của mỗi cá nhân, tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng danh mục về cấm kinh doanh như trong dự thảo luật là còn chung chung, nội hàm quá rộng và còn chưa có nguyên tắc, tiêu chí để khoanh định rõ ràng như đảm bảo tính xác định cần có của loại hình vi phạm cấm. Vì vậy, đề nghị trong dự thảo cần làm rõ hơn vấn đề này và sửa một số thuật ngữ cho phù hợp với quy định tại điều 33 của Hiến pháp.
   
  Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ), quy định về nghề ngành và điều kiện kinh doanh gắn trực tiếp và nhằm cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh của mỗi cá nhân, tổ chức đã được hiến định, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như cả xã hội rất quan tâm. Dự thảo luật quy định vấn đề này theo hướng khẳng định quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp ở những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đồng thời nêu khái quát một số nội dung cấm kinh doanh, ràng buộc điều kiện kinh doanh và giao quyền cho Chính phủ quy định danh mục cụ thể ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
   
  Đại biểu Hương cho rằng, các nội dung về cấm kinh doanh như quy định của dự thảo còn chung chung. Phạm vi nội hàm quá  rộng và chưa có nguyên tắc, tiêu chí để khoanh định rõ ràng nên chưa đảm bảo tính xác định cần có của loại hình quy phạm cấm. Mặt khác, việc giao quyền cho văn bản ở cấp nghị định quy định danh mục cụ thể có ưu điểm đảm bảo được tính linh hoạt, đáp ứng kịp thời những yêu cầu đa dạng và luôn biến động không ngừng của sản xuất và đời sống.
   
  Để giải quyết những vướng mắc, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc, tiêu chí để khoanh định rõ hơn những ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh và nên ban hành kèm theo luật một danh mục cụ thể về các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Đồng thời giao quyền cho Chính phủ định kỳ rà soát, đánh giá thực tế, kịp thời trình Quốc hội điều chỉnh danh mục này nhằm tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, giúp doanh nghiệp yên tâm hơn khi tham gia thị trường.
   
  “Tôi đề nghị nên bổ sung nguyên tắc làm lợi cho doanh nghiệp khi Nhà nước rà soát, điều chỉnh danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện theo quy định về nới lỏng điều kiện kinh doanh hoặc quy định loại bỏ bớt ngành nghề bị cấm kinh doanh có thể có hiệu lực ngay” – đại biểu Dương Hoàng Hương nói.
   
  Bên cạnh các quy định về điều kiện kinh doanh, theo đại biểu Dương Hoàng Hương nên bổ sung một điều luật về các quy định mang tính nguyên tắc về những ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích kinh doanh, bao gồm các ngành nghề sản xuất, kinh doanh có tác động trực tiếp then chốt đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và bảo vệ môi trường.
   
  Về việc doanh nghiệp xã hội được quy định trong dự thảo luật, các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần làm rõ mô hình cấu trúc của loại hình doanh nghiệp này sao cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
   
  Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu vấn đề, về tiêu chí, chúng ta quy định tôn chỉ mục tiêu của doanh nghiệp xã hội nhằm giải quyết một số vấn đề xã hội, môi trường còn rất mơ hồ và dễ bị lợi dụng. Đại biểu nêu ví dụ chế biến rác và chất thải có thể trở thành tỷ phú ở trên thế giới, kinh doanh nghĩa trang có thể rất có lời nhưng áp vào đây có thể giải quyết vấn đề xã hội và môi trường. Do đó, đại biểu đề nghị tiêu chí: Các doanh nghiệp xã hội nhằm phục vụ lợi ích xã hội, lợi ích công cộng.
   
  Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề xuất, cần có quy định thêm trong luật hoặc Nghị định của Chính phủ, nhằm ngăn chặn tình trạng sẽ có nhiều doanh nghiệp lách luật, khoác áo doanh nghiệp xã hội để hưởng ưu đãi, tương tự như nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn khoác áo hợp tác xã trước đây, bởi lẽ nếu doanh nghiệp xã hội được hưởng các ưu đãi và khuyến khích nhưng chỉ chi phí hoạt động lớn dẫn đến bị lỗ hoặc không có lợi nhuận. “Khi đó điều kiện 51% lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư, nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, đã đăng ký sẽ không còn ý nghĩa” – đại biểu phân tích.
   
  Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu đã cho ý kiến về thời hạn góp vốn, quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp hay quy định về tư cách pháp nhân của người đại diện trong các công ty trách nhiệm hữu hạn.
   
Minh Trang
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quy định chặt chẽ các ngành nghề kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO