Cần nâng cao công nghệ trong phát triển nhiệt điện than nhằm BVMT

04/03/2017 00:00

(TN&MT) -  Đó là ý kiến phát biểu của PGS - TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam tại Hội thảo "Công nghệ nhiệt điện than và...

 

(TN&MT) -  Đó là ý kiến phát biểu của PGS - TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam tại Hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” diễn ra ngày 3/3 tại TPHCM.

Quang cảnh buổi hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường”
Quang cảnh buổi hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường”

Theo thống kê, tại Việt Nam, nguồn năng lượng được sản xuất từ nhiệt điện than tăng trưởng rất cao, tăng cao nhất trong nhóm các loại nguồn truyền thống, khoảng 21,6%/năm. Tuy nhiên, hiện nay, bất lợi của nhiệt điện than là phát thải khí gây ô nhiễm khí nhà kính. Hiện Việt Nam vẫn còn 3 nhà máy là Uông Bí, Ninh Bình và Phả Lại đang sử dụng các tổ máy công nghệ lạc hậu. Dự kiến, mỗi năm phát thải từ các nhà máy này là rất lớn. Xu hướng tìm kiếm nguồn điện năng từ điện tái tạo và điện khí đốt là rất khó khăn.

Với việc lùi tiến độ của điện hạt nhân, trong quy hoạch tới đây, nhiệt điện than vẫn là phương hướng phát triển chủ đạo. Chính vì vậy, việc tìm kiếm công nghệ và các giải pháp môi trường để giải quyết vấn đề phát thải như tro, xỉ của các nhà máy này là vấn đề quan trọng.

Phát biểu tại Hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường”, PGS - TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, nguồn điện của Việt Nam hiện nay rất đa dạng từ nhiệt điện than, thủy điện, nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời. Trong đó, nhiệt điện và thủy điện chạy được 24/24h, không như  vì điện gió chỉ có thể chạy được 5-6 tiếng/ngày, điện mặt trời 4-5 tiếng/ngày. Việt Nam hiện chưa có điện hạt nhân vẫn phải phát triển mạnh nguồn nhiệt điện than để cung cấp nguồn điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

“Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đến năm 2030 khi chưa có điện hạt nhân việc xây dựng một số nhà máy nhiệt điện than là điều không tránh khỏi. Do vậy, công suất lắp đặt của các nhà máy nhiệt điện than sẽ tiếp tục gia tăng, nhưng tỷ trọng sẽ giảm dần và thay vào đó là các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Cần nâng cao công nghệ trong phát triển nhiệt điện than nhằm bảo vệ môi trường”, GS – TS Trương Duy Nghĩa chia sẻ.

Theo đánh giá của GS -TS Trương Duy Nghĩa, nhiệt điện than có giá thành thấp chỉ sau thủy điện, vốn đầu tư huy động không quá cao, khả năng huy động công suất lớn, xây dựng nhà máy không quá phụ thuộc vào địa điểm như thủy điện và thời gian xây dựng không quá lâu. Tuy nhiên, nhiệt điện than cũng còn nhiều nhược điểm như: chỉ dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm gần 60% giá thành sản xuất điện); là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, đặc biệt chất thải rắn và khí; chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém; nhu cầu về nước làm mát lớn khoảng 80 m 3 cho nhà máy điện công suất 1.200 MW, do đó nhà máy cần phải đặt tại gần sông có lưu lượng lớn hoặc ven biển…

Còn ông Nguyễn Tài Anh - Phó TGD Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ đã nêu rõ các giải pháp về giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu sử dụng chất thải tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than cho sản xuất vật liệu xây dựng và các nghành công nghiệp khác nhằm giảm diện tích bãi thải, bảo đảm theo đúng quy định.

Đồng thời, khuyến khích sử dụng các dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm giảm ô nhiễm môi trường như: Buồng đốt than phun thông số hơi siêu tới hạn, trên siêu tới hạn, công nghệ tầng sôi tuần hoàn, chu trình tuabin khí hỗn hợp, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thực hiện đầy đủ công tác theo dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu môi trường; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp ngành điện.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Lê Thị Ngọc Quỳnh, Phó trưởng Ban Khoa học công nghệ và môi trường thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết thêm, hiện nay, các nhà máy nhiệt điện do EVN quản lý đều đạt các chỉ tiêu về môi trường. Để minh bạch các thông tin về môi trường, vấn đề xử lý tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn cũng đang được các nhà máy thực hiện theo hướng kiểm soát chặt chẽ khả năng phát tán bụi từ bãi thải xỉ ra môi trường; lắp đặt các hệ thống camera giám sát bãi xỉ đã hoạt động ổn định; bảo đảm truyền liên tục hình ảnh và dữ liệu hình ảnh về phòng điều khiển trung tâm và Sở TN&MT các tỉnh, thành phố nơi nhà máy hoạt động. Đối với các nhà máy nhiệt điện cũ, hiện nay, EVN đang đẩy mạnh triển khai dự án cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý khí thải.

Theo ông Phương Hoàng Kim - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7,0%/năm, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016 - 2020, 2021-2025 và 2026-2030 lần lượt là 10,6%, 8,5% và 7,5%.

Hiện nay, tiềm năng về năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện được đánh giá, về cơ bản thủy điện vừa và lớn đã khai thác hết, tổng công suất đưa vào cân đối khoảng 20.000 MW, điện sản xuất trên 70 tỷ kwh. Từ sau năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển và khai thác các dự án thủy điện nhỏ ít tác động tới môi trường. Theo quy hoạch ngành than, tổng nguồn than trong nước cho điện có thể đưa vào cân đối trong dài hạn khoảng 45-50 triệu tấn, đủ cấp cho khoảng 15.000 MW với sản lượng điện trên dưới 88 tỷ kwh. Từ năm 2017, dự kiến nhập than, lượng than nhập khoảng 85 triệu tấn vào năm 2030…

Ông Phương cũng cho biết, thời gian tới, Tổng cục Năng lượng cũng sẽ nghiên cứu đề xuất ứng dụng các công nghệ nhiệt điện than tiên tiến, giảm thiểu tối đa các phát thải có hại, tuy nhiên cũng cần phù hợp với tình hình kinh tế của Việt Nam.

Thục Vy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nâng cao công nghệ trong phát triển nhiệt điện than nhằm BVMT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO