Cần làm rõ việc tận thu gỗ tại đường "tuần tra biên giới" Quế Phong

02/10/2015 00:00

(TN&MT) - Theo dư luận người dân phản ánh cũng như thực tế do PV ghi nhận được tại hiện trường thì những dấu hiệu bất thường trong khu vực mà BQL Khu...

 

(TN&MT) - Đường tuần tra biên giới từ xã Hạnh Dịch đi xã Nạm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An được khởi công từ năm 2011. Đây là tuyến đường xẻ ngang vùng lõi thuộc quyền quản lý của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với tổng chiều dài 22km. Và, kể từ khi tuyến đường đi qua khu rừng cấm này thì rừng xanh đã bị đốn hạ...

Những gốc cây cổ thụ đang còn
Những gốc cây cổ thụ đang còn "rỉ máu"

Văn bản "tận thu"

Vừa qua, người dân xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) hết sức bất ngờ khi thấy nhiều xe trọng tải lớn chở những cây gỗ quý khá to từ trong rừng ra. Theo người dân xã Hạnh Dịch phản ánh thì đây là số gỗ mà BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tận thu trong quá trình nhà thầu thi công tuyến đường giao thông từ trạm kiểm soát Đồn Biên phòng Hạnh Dịch lên mốc 14M thuộc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Sau đây gọi tắt là đường tuần tra biên giới) trong vùng lõi của Khu bảo tồn này.

Lần theo phản ánh của người dân, chúng tôi vượt hơn 200km để đến Hạnh Dịch. Đường Hạnh Dịch - Mường Đán quanh co. Con đường nhựa được đầu tư cách đây vài năm từ trung tâm xã vào bản này đến nay đã xuống cấp, mùa mưa lại càng khó đi.

Từ cuối bản Mường Đán, chúng tôi đi theo con đường tuần tra biên giới đang được thi công. Con đường dốc quanh co, ta luy sạt lở dốc đá thăm thẳm. Lâu lâu, từ hai bên đường lại bắt gặp những lán trại vắng bóng người mà đơn vị thi công tuyến đường này dựng lên để làm nơi trú chân, tập kết vật liệu.

Đi được khoảng gần 10km, chúng tôi bắt đầu ghi nhận những hình ảnh đầu tiên về quá trình "tận thu" gỗ trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Những đống gỗ với đủ chủng loại, kích cỡ như Sến, Táu, Dổi... bắt đầu xuất hiện.

Được biết, ngày 24/3/2015, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt có Báo cáo số 15/BC.BQL-KL báo cáo tình hình việc mở đường giao thông từ trạm kiểm soát đồn Biên phòng Hạnh Dịch lên mốc 14M thuộc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Theo đó, Báo cáo này nêu những nội dung liên quan đến dự án nói trên, báo cáo tình hình lâm sản trên tuyến đường, đồng thời có kiến nghị với Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cũng như UBND tỉnh này để tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ, tiến hành tận thu phần thân, gốc, rễ...nằm rải rác tuyến đường và đang bị đất đá lấp và tận dụng một số cây chết dọc hai bên tuyến đường do quá trình thi công tuyến đường theo quy định của Thông tư 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông ngiệp và PTNT.

Sau đó hai ngày, ngày 26/3/2015, Sở NN&PTNT Nghệ An đã có văn bản số 601/SNN-KHTC cho phép chủ rừng là BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt lập hồ sơ thiết kế khai thác, tận thu, tận dụng gỗ gửi UBND tỉnh Nghệ An. Nhận được văn bản trên, ngày 27/3/2015, UBND tỉnh Nghệ An lập tức có văn bản 1723/UBND-NN về việc lập hồ sơ thiết kế khai thác tận thu, tận dụng gỗ gửi Sở NN&PTNT và BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Nội dung là cho phép BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt lập hồ sơ thiết kế, khai thác tận thu, tận dụng gỗ trong quá trình mở đường giao thông từ trạm kiểm soát Biên phòng Hạnh Dịch lên mốc M14.

Rừng già bị đốn hạ
Rừng già bị đốn hạ

Tiếp sau đó, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có Tờ trình số 52/TTr-BQL.KHQT xin phê duyệt hồ sơ thiết kế, khai thác, tận thu, tận dụng gỗ như đã nêu ở trên. Sau đó, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 807/QĐ-NN.LN ngày 06/7/2015 Phê duyệt Hồ sơ, cấp phép khai thác tận thu, tận dụng gỗ thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông từ trạm kiểm soát Biên phòng Hạnh Dịch đi mốc M14.

Theo đó, địa danh khai thác là Tiểu khu 59, gồm các lô a - K10, lô a - K13, lô a - K16, lô a - K17, lô a - K21, lô a - K23, lô a - K24, lô a - K25, lô a - K27. Tiểu khu 72 gồm lô a - K1, lô a - K2 và lô a - K3, thuộc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Với tổng diệc tích khai thác là 22,85ha; số lượng khai thác là 1.273,28m3. Trong đó gỗ lớn là 787,34m3; gỗ tận dụng là 311,54m3; củi là 174,40m3. Đối tượng khai thác là rừng tự nhiên thuộc đất rừng đặc dụng đã được chuyển mục đích sử dụng đất; thời gian khai thác đến ngày 31/12/2015.

Liệu có "lệch pha"?

Trong quá trình thâm nhập thực địa tại khu vực đang tận thu, chúng tôi thực sự sửng sốt khi chứng kiến những cây gỗ quý lớn bị đốn hạ. Đặc biệt, tại Km18, hai bên đường chất đầy gỗ quý, có cây thân to với đường kính khoảng 1m, nhựa cây đang rỉ ra tươi rói. Lần theo vết kéo gỗ từ trong rừng ra chúng tôi bắt gặp 4 gốc cây gỗ lớn mới bị đốn hạ, cách đường khoảng từ 50 đến 100m. Điều lạ là những gốc cây vẫn còn tươi rói, không hề có dấu hiệu bị đất đá vùi lấp trong quá trình thi công đường…

Gỗ không dấu búa kiểm lâm?
Gỗ không dấu búa kiểm lâm?

Dừng lại tại một điểm tập kết khoảng hơn chục cây gỗ lớn vẫn còn đang rỉ nhựa, chúng tôi quan sát rất kỹ nhưng không hề thấy dấu búa kiểm lâm, nhìn phần gốc cũng không thấy dấu bài cây?. Trèo lên taluy dương khu vực này có 4 cây bị đốn hạ, tuy nhiên khoảng cách với taluy khá xa, ít thì 5 mét, xa hơn thì khoảng hơn vài chục mét.

Được biết, theo thiết kế chi tiết mà cơ quan chức năng phê duyệt cho phép BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được khai thác thì những cây bị chết do đất đá lăn, ảnh hưởng của quá trình thi công đường mới được tận thu, khai thác. Khoảng cách tối đa được chặt cây ở taluy dương là 1,5m; đối với taluy âm thì đất đá trôi đến đâu được phép khai thác đến đó. Tuy nhiên, qua thực tế chúng tôi ghi nhận được tại hiện trường thì có dấu hiệu BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã không tuân thủ sự phê duyệt của cơ quan chức năng.

Một người dân xã Hạnh Dịch (xin được giấu tên), bức xúc: "Chúng tôi thấy con đường này làm đã 3-4 năm trời rồi nhưng mãi không xong, giờ thì không thấy họ thi công đường nữa mà chủ yếu là thấy cưa xăng vào đốn gỗ, xe reo, máy cẩu vào chở gỗ tấp nập. Đó là chưa nói đến việc xe tải trọng lớn chở đầy ắp gỗ đang phá nát đường Hạnh Dịch - Mường Đán khiến người dân chúng tôi hết sức bất bình".

Để rộng đường dư luận, chúng tôi có buổi làm việc với BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, ông Lê Thái Diệu - Phó giám đốc BQL, cho biết: "Khi bắt đầu làm đường thì BQL chưa ra đời, khi đó khu vực nói trên thuộc quản lý của chính quyền địa phương. Mãi đến giữa năm 2013 khi BQL vừa được thành lập thì chúng tôi mới được bàn giao quản lý. Khi tiếp nhận quản lý thì đơn vị thấy gỗ bị chôn vùi, bị chết trong quá trình làm đường nhiều quá. Nếu để thế sẽ phí phạm. Vì vậy, chúng tôi đã làm văn bản xin phép tận thu và được đồng ý. Số gỗ ở trong nằm từ nhóm 2 đến nhóm 8 với số lượng được phép khai thác, tận thu là trên 1.000m3. Hiện chúng tôi đã làm thủ tục xuất kho hơn 400m3, còn lại khoảng hơn 200m3 đang ở trong rừng chưa đưa ra được".

Gỗ quý tập kết ngổn ngang
Gỗ quý tập kết ngổn ngang

Cũng theo ông Diệu, theo thiết kế thì chỉ được chặt cây khu vực taluy dương với khoảng cách tối đa là 1,5m; taluy âm thì đất đá trôi ảnh hưởng đến đâu, có nguy cơ  cây gỗ chết thì mới được phép chặt gỗ. Tuy nhiên, khi chúng tôi phản ánh thực chất đơn vị khai thác đã làm sai lệch so với thiết kế, có dấu hiệu cố tình chặt gỗ ngoài phạm vi cho phép; về câu hỏi này, ông Diệu cho rằng: "Chúng tôi luôn có từ 3 người trở lên trong Ban chỉ đạo giám sát". Khi Phóng viên đặt câu hỏi: "Chúng tôi vào có thấy anh kiểm lâm nào đâu?", thì ông Diệu lúng túng trả lời: "Chắc là anh em có sơ hở nên bị "họ" lợi dụng khai thác sai, ngay ngày mai chúng tôi sẽ cho kiểm tra và báo cáo lại với các anh".

Theo dư luận người dân phản ánh cũng như những gì mà PV ghi nhận được tại thực tế hiện trường thì những dấu hiệu bất thường trong khu vực mà BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đang tận thu gỗ, cần phải được cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An sớm kiểm tra, làm rõ...

Phạm Tuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần làm rõ việc tận thu gỗ tại đường "tuần tra biên giới" Quế Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO