Cần duy trì và phát triển các nguồn nước dưới đất

22/03/2016 00:00

(TN&MT) - Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống, ổn định về nguồn nước là rất quan trọng trong việc ổn định dân sinh, kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, điều này là đặc biệt cần thiết đối với các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá nhưng không phải là vô tận
Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá nhưng không phải là vô tận

Khan hiếm nước kéo dài, do đâu?

Hiện nay, ở một số tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang hay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình khan hiếm nước đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Trung tâm thị trấn Mèo Vạc và cao nguyên đá Đồng Văn từng được biết đến là miền đất khát của tỉnh Hà Giang.

Được biết, nhiều dự án, nhiệm vụ tìm kiếm nguồn nước của Trung ương và địa phương đã được đầu tư để giúp bà con nơi đây giải cơn khát. Trong đó, có chương trình tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại thị trấn Mèo Vạc do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia – Bộ TN&MT) thực hiện. Theo đó, Liên đoàn đã tìm ra nguồn nước vào năm 2003, 2007 và 2012 với trữ lượng trên 1.000 m3/ngày, đủ để cấp nước cho trên 10.000 hộ dân. Song, từ khi bàn giao cho địa phương quản lý đến tháng 10/2015 mới khai dẫn được một phần để cấp nước cho nhân dân. Ở nhiều địa phương khác, sau khi tìm kiếm ra nguồn nước, kiến nghị về khai dẫn nguồn nước đến người dân sử dụng vẫn chưa được thực hiện.

Rất ít công trình được tiến hành khai dẫn nước nhưng hiện nay không phát huy được hiệu quả như: Trạm cung cấp nước xã An Bá, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang; trạm cấp nước xã Đắc P’lao, huyện Đắc G’long, tỉnh Đắc Nông; trạm cung cấp nước ấp Giồng Thành (Trà Vinh)…

Ông Triệu Quốc Huy trao đổi với phóng viên Báo TN&MT bên lề Hội thảo
Ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia trao đổi với phóng viên Báo TN&MT bên lề Hội thảo khoa học "Nước và Việc làm" diễn ra vào ngày 21/3 tại Thanh Hóa

Trao đổi bên lề Hội thảo khoa học “Nước và Việc làm” được tổ chức vào ngày 21/3 tại Thanh Hóa, ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cho biết: Nguyên nhân chính khiến 1 số công trình cấp nước không phát huy hiệu quả là do địa phương chưa tìm được nguồn vốn để trả tiền điện, tiền vận hành, tiền bảo dưỡng… do đó, không vận hành được để khai thác sử dụng, 1 số bị sự cố hỏng hóc máy bơm cũ không hoạt động được.

Ngoài ra, ông Triệu Đức Huy cho rằng do chưa có sự lồng ghép và kết hợp chặt chẽ với các chương trình mục tiêu khác như 134, 135, Chương trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn. “Một số công trình cấp nước được đầu tư xây dựng từ các Chương trình khác, được đầu tư khá quy mô, công nghệ hiện đại nhưng do không có số liệu điều tra, đánh giá về nguồn, do điều kiện khí hậu thay đổi bất thường nên hiện nay về mùa khô không có nước để vận hành” – ông Triệu Đức Huy cho biết.

Nguyên nhân quan trọng theo ông Triệu Đức Huy là do cơ chế vận hành nguồn nước dưới đất hậu đầu tư, trong đó, xác định rõ chủ thể của công trình, quy chế vận hành, quản lý về giá, ưu đãi của nhà nước và giá thành nước phải được người dân cũng như doanh nghiệp ở nơi được đầu tư có thể chấp nhận.

Cần phát triển các nguồn nước dưới đất

Trong bối cảnh nguồn nước mặt đang ngày càng khan hiếm, việc đầu tư khai thác nguồn nước ngầm dưới đất là giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất bởi trữ lượng và chất lượng nguồn nước ổn định, có thể khai thác lâu dài.

Theo ông Triệu Đức Huy, để tránh lãng phí trong quá trình triển khai, cần đổi mới tư duy, cách làm, làm tới đâu chắc tới đó và triển khai từng bước. “Một nguồn nước muốn phát triển bền vững, phải đạt được 3 yếu tố: Nguồn nước phải được điều tra, đánh giá kỹ lưỡng – Cơ chế quản lý vận hành nguồn nước sau đầu tư – Giá thành nước ở mức người dân chấp nhận được”.

Một giải pháp khác ông Triệu Đức Huy đề xuất là nghiên cứu, đánh giá cụ thể từng nguồn nước để đưa ra công nghệ và giải pháp kỹ thuật khai thác, đặc biệt là nguồn nước dưới đất trong các hang động karst trên các vùng núi đá vôi; kỹ thuật khai thác nước trong các thấu kính nước nhạt vùng ven biển…

Ông Triệu Quốc Huy phát biểu tại Hội thảo khoa học
Ông Triệu Đức Huy phát biểu tại Hội thảo khoa học "Nước và Việc làm"

Theo ông Triệu Đức Huy, giải pháp 3 là lựa chọn triển khai xây dựng công trình cấp nước phải đảm bảo thành công, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Trước khi xây dựng, đảm bảo làm rõ điều kiện nguồn nước, xây dựng cơ chế vận hành nguồn nước hậu đầu tư.

“Từng bước xã hội hóa và nhân rộng các mô hình cung cấp nước sinh hoạt, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn, đầu tư xây dựng công trình cấp nước, cung ứng các dịch vụ về sử dụng nước theo khuôn khổ luật pháp, đảm bảo khai thác và phát triển bền vững tài nguyên nước…” – ông Triệu Đức Huy đề xuất.

Ngoài những giải pháp trên, ông Triệu Đức Huy cho rằng, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả cũng là biện pháp quan trọng. “Cách tiếp cận nước của chúng ta không đúng theo quy luật của thế giới vì ở nhiều nơi, khi nên kinh tế càng phát triển, nhu cầu sử dụng nước càng giảm. Đa số người dân Việt Nam vẫn còn sử dụng nước với suy nghĩ nước là nguồn tài nguyên vô tận nên họ sử dụng nước lãng phí!” – ông Huy nhấn mạnh.


Bài & ảnh: Mai Đan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần duy trì và phát triển các nguồn nước dưới đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO