Cần đồng bộ, quyết liệt hơn

12/12/2018 15:00

Thời gian qua, bên cạnh những mặt tích cực như tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, công tác quản lý môi trường, đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp của Hà Nội bộc lộ nhiều bất cập. Hệ lụy là nhiều khu dân cư bị ô nhiễm trầm trọng và cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các dòng sông Nhuệ, sông Đáy...

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP Hà Nội mới có 21/43 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải, 4 cụm đang đầu tư xây dựng và 18 cụm chưa được đầu tư. Đặc biệt, trong số 21 cụm đã có trạm xử lý nước thải, chỉ có 13 trạm hoạt động. Chưa kể một số nhà máy xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng không hiệu quả... Rõ ràng, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải chưa tương xứng với nhu cầu bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp cũng như mong mỏi của người dân.

Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là việc quy hoạch xử lý nước thải ở các cụm công nghiệp còn hạn chế. Khi xây dựng các cụm công nghiệp, đa số đều thiếu quỹ đất dành cho việc xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung; thậm chí, nhiều dự án còn “quên” cả hạng mục này. Ngoài ra, việc thu hút các nguồn lực đầu tư gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, không ít chủ đầu tư các cụm công nghiệp thờ ơ, né tránh trách nhiệm; cơ quan quản lý nhà nước lại mờ nhạt vai trò trong kiểm tra, xử lý...

xử lý nước thải CCN
Ảnh minh họa

Để khắc phục tình trạng trên, thành phố đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% nước thải tại cụm công nghiệp đều phải qua xử lý. Điều đó cho thấy việc xây dựng hệ thống nhà máy xử lý nước thải bao phủ toàn bộ các cụm công nghiệp trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của thành phố.

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải khi các cụm công nghiệp ở Hà Nội đi vào hoạt động là điều kiện quan trọng để bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Bởi vậy, trước hết, các sở, ngành của thành phố đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ bố trí kinh phí đầu tư, đến xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hiệu quả để kêu gọi sự hợp tác của doanh nghiệp, đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải.... Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, ngăn chặn nguy cơ xả thải vượt tiêu chuẩn, xả thải trái phép…

Bên cạnh những cố gắng của chính quyền, các doanh nghiệp cũng cần có ý thức bảo vệ môi trường và thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố trong việc xử lý nước thải từ các nhà máy. Để nâng cao ý thức chấp hành, bên cạnh việc tuyên truyền, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng phải siết chặt kỷ cương; doanh nghiệp nào không chấp hành phải yêu cầu ngừng sản xuất, hoặc đóng cửa. Chính quyền các địa phương cũng cần chủ động, tích cực hơn trong phối hợp với các sở, ngành thành phố trong bố trí mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi công trạm xử lý nước thải...

Mục tiêu đến năm 2020, 100% nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đều phải được xử lý đã rõ. Vấn đề còn lại là phải thực hiện đồng bộ hơn, quyết liệt hơn nữa để sớm hoàn thành mục tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đồng bộ, quyết liệt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO