Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Văn Đản. Ảnh: Hoàng Minh |
PV: Thưa PGS.TS, với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước, ông nhận định như thế nào về vấn đề an ninh nguồn nước hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Văn Đản:
Lượng mưa bình quân ở nước ta xấp xỉ 2.000 mm/năm, tương đương 640 tỷ m3/năm, được xếp vào loại Quốc gia có lượng nước phong phú, do đó từ xưa đến nay, nước ta chưa hề có ý nghĩ về việc mất an ninh nguồn nước, nhưng nay đã khác. Ngày xưa chỉ cần 1 giếng khơi đủ cung cấp nước cho cả làng, ngày nay mỗi hộ gia đình đều có 1 giếng khoan. Ngày xưa chỉ cần 1 giếng khơi đủ cung cấp cho cả Hoàng cung nhà Trần, ngày nay, vùng nội thành Hà Nội có khoảng 600 giếng khoan công nghiệp khai thác vào khoảng 800.000 m3 nước mỗi ngày.
Ngày xưa, chỉ cần đào giếng sâu trên dưới chục mét, ngày nay phải khoan sâu đến 100 m hoặc 400 - 500 m như ở Đồng bằng sông Cửu Long để khai thác nước dưới đất. Nước mưa được coi là tinh khiết, các cụ thường hứng nước mưa ở giữa trời để đun sôi pha trà, có cụ thu gom các hạt sương đọng trên cánh lá sen. Ngày nay, ở thành phố chắc không còn ai nghĩ đến chuyện này. Bản tin của Tổng cục Môi trường liên tục cảnh báo về chất lượng không khí ở mức xấu.
Vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước hiện nay rất cấp thiết. Nhà nước đã cho triển khai hàng loạt chương trình, dự án nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với tầm nhìn xa, năm nay đã kiểm tra nhiều công trình phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước. Vừa qua, Ủy ban đã tổ chức hội nghị để các đại biểu, các nhà khoa học chất vấn 2 đồng chí Bộ trưởng về vấn đề an ninh nguồn nước, truyền thông đến tất cả cử tri trong nước. Kiến nghị để vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước được ghi trong Nghị quyết Đại hội XIII sắp tới.
Vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước hiện nay rất cấp thiết. |
PV: Vậy các thách thức về tài nguyên nước hiện nay ở nước ta là gì, thưa PGS?
PGS.TS Nguyễn Văn Đản:
Các thách thức về tài nguyên nước đã được đề cập đến trong khá nhiều văn bản của Bộ TN&MT, có thể tóm tắt như sau: Một là, nguồn nước của nước ta phụ thuộc nhiều vào bên ngoài; Hai là, nguồn nước phân bố rất không đều theo không gian và thời gian; Ba là, việc phát triển kinh tế - xã hội đã tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước và Bốn là, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh đến tài nguyên nước ở nước ta.
Nước dưới đất so với nước trên mặt có những ưu việt như: có tính ổn định và tính điều hòa cao hơn, có khả năng tự bảo vệ khỏi bị nhiễm bẩn cao hơn... do đó thường được ưu tiên cho các mục đích ăn uống, sinh hoạt của con người. Việc khai dẫn một số nguồn để “cứu khát” là việc làm hợp lý. Tuy nhiên, khi khai thác không hợp lý hoặc khai thác quá mức thì thường dẫn đến tình trạng cạn kiệt, nhiễm bẩn, nhiễm mặn, lún nền đất, mà việc cứu chữa được phải trả một giá rất đắt.
PGS.TS Nguyễn Văn Đản trong lần đi thực địa tại Bắc Ninh. |
PV: Vậy giải pháp nào là đảm bảo khai thác bền vững, hiệu quả và lấy nguồn nước ở đâu để bổ sung thưa PGS?
PGS.TS Nguyễn Văn Đản:
Để khai thác nước dưới đất một cách hợp lý phải tăng cường điều tra, đánh giá chính xác trữ lượng, xây dựng phương án khai thác tối ưu. Còn để cho việc khai thác bền vững thì có nhiều giải pháp. Tôi chỉ xin đề cập đến việc tích chứa vào các “kho” trong lòng đất. Trong một số điều kiện, trong lòng đất hình thành các kho lớn có thể tích chứa nước. Ở Hà Nội tồn tại 1 kho khổng lồ, mà giới chuyên môn gọi là phễu hạ thấp mực nước dưới đất, với diện tích khoảng 400 km2 bao trùm hết vùng nội thành có thể tích chứa được gần 6 triệu m3 nước. Đồng bằng sông Cửu Long cũng vậy, ở các nơi khai thác mạnh nước dưới đất đều hình thành các kho chứa. Nếu bổ sung lấp đầy sẽ nâng cao trữ lượng khai thác, giảm thiểu xâm nhập mặn, giảm thiểu cả lún nền đất.
Chúng ta sẽ lấy nước mặt và nước mưa, ở các vùng có các “kho chứa” dưới đất thường là các khu dân cư, khu công nghiệp, việc thu gom nước mưa rất thuận tiện. Mùa mưa lũ, nước dư thừa gây nên úng ngập. Ở Hà Nội cứ có trận mưa lớn là đường phố biến thành sông có thể bơi thuyền, bắt cá. Nếu thu gom và đưa được xuống các kho ở dưới đất về mùa mưa và khai thác sử dụng về mùa khô thì sẽ có tác dụng “kép”, góp phần giảm thiểu tình trạng úng ngập, gia tăng trữ lượng khai thác, đẩy lùi xâm nhập mặn, giảm thiểu lún mặt đất.
PV: Với tư cách là chuyên gia về tài nguyên nước, PGS thấy có những bất cập gì trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh lực này?
PGS.TS Nguyễn Văn Đản:
Theo Luật Thủy lợi năm 2017, việc quản lý tài nguyên nước trong các công trình thủy lợi được lấy từ Bộ TN&MT giao cho Bộ NN&PTNT. Về việc này, trong báo cáo tại Hội nghị an ninh nguồn nước vừa rồi có 2/4 Bộ cho là bất cập. Tôi cũng cho là bất cập, nếu theo lệ này thì việc quản lý Nhà nước về tài nguyên nước ở các hồ thủy điện cũng phải giao cho Bộ Công Thương, ở các công trình khai thác nước sinh hoạt giao cho Bộ Xây dựng hay sao?
PV: Trân trọng cảm ơn ông!