Cần có quy chuẩn thực thi về quấy rối tình dục trong truyền thông

Mai Đan| 29/11/2019 12:39

(TN&MT) - Nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ và phát triển báo chí, sáng 29/11 tại Hà Nội, Trung tâm Lưu chiểu điện tử và hỗ trợ báo chí (Cục Báo chí) tổ chức lễ ra mắt Bản hướng dẫn “Quấy rối tình dục trong truyền thông – nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên”.

Bà Mai Hương Giang – Phó Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu khai mạc buổi lễ

Cẩm nang hữu ích cho cơ quan báo chí và truyền thông

Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Mai Hương Giang – Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết: Cuốn cẩm nang là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan báo chí và truyền thông, góp phần hình thành chính sách, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.

Cụ thể, cuốn sách này là bản hướng dẫn thực hành cho cơ quan báo chí và nhân viên phòng tránh và giải quyết những vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục tại công sở. Nó là những bước đi đầu tiên đầy hy vọng cho chặng đường hướng đến một nền công nghiệp truyền thông không có vấn đề quấy rối tình dục, từ đó đặt ra những quy chuẩn thực thi tốt nhất, có thể lan tỏa khắp các ngành công nghiệp toàn cầu.

“Sau lễ ra mắt hôm nay, Trung tâm sẽ tổ chức 2 khóa tập huấn tại Hà Nội và TP. HCM dành cho lãnh đạo và nhân viên của các cơ quan báo chí trên cả nước. Hy vọng, các cơ quan này sẽ cùng nhau tìm ra được những giải pháp hữu hiệu nhất có thể để bảo vệ được quyền lợi và nâng cao vai trò lãnh đạo và tiếng nói của phụ nữ trong lĩnh vực báo chí – truyền thông” - bà Mai Hương Giang cho biết thêm.

Ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu tại buổi lễ

Ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Vấn đề quấy rối tình dục là một trong những nội dung được nhiều cơ quan báo chí lên tiếng và cơ quan pháp luật xử lý. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề nhiều cơ quan tránh không nói đến vì cho là vấn đề nhạy cảm.

Theo ông Phạm Ngọc Tiến, mặc dù quấy rối tình dục được đề cập trong Bộ Luật Lao động năm 2012, trong đó có 4 điều liên quan đến vấn đề này, nhưng vướng mắc ở chỗ không đưa ra được định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục nơi làm việc.

Ông Phạm Ngọc Tiến chia sẻ: “Đọc cuốn tài liệu, tôi rất say sưa vì nó có nội dung thực sự hay và cuốn hút. Cuốn tài liệu này đã đưa ra được những nội dung, nội hàm tương đối cụ thể với bố cục rất rõ ràng. Tài liệu này rất hữu ích và rất có giá trị, hỗ trợ cho công tác bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực với mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng”.

Đưa hướng dẫn thành quy chế của cơ quan báo chí

Tại buổi lễ, bà Đặng Thị Phương Thảo – Phó Tổng biên tập Báo Thanh niên cho rằng quấy rối tình dục là một vấn đề nhạy cảm, vấn đề này chưa được giải quyết một cách rõ ràng, đích danh và có giải pháp xử lý triệt để trong suốt thời gian qua.

“Ngay cả ở trong các cơ quan báo chí mà các phóng viên có mặt tại đây đã từng đăng tải những vụ việc về quấy rối tình dục đáng để lên án trên mặt báo, nhưng câu chuyện về xử lý riết ráo hay việc bảo vệ nhân phẩm, bảo vệ danh dự cho những người trong cuộc còn rất nhiều lúng túng” - bà Đặng Thị Phương Thảo dẫn chứng.

Theo bà Đặng Thị Phương Thảo, với nhận thức như vậy, rõ ràng bản hướng dẫn ra đời vào thời điểm này là việc làm rất thiết thực và với các cơ quan báo chí, đây là phương tiện rất tốt để cơ quan báo chí điều hành trong lĩnh vực truyền thông, giúp bảo vệ phóng viên nữ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Liên quan đến vấn đề quấy rối tình dục, bà Vũ Thị Hương Giang – Phụ trách truyền thông của Tổ chức Care Quốc tế cho rằng có 3 vấn đề chính: Quấy rối tình dục là vấn đề phổ biến và có thật; ai cũng có thể là nạn nhân, tuy nhiên xác suất xảy ra đối với phụ nữ cao hơn; nếu như người sử dụng lao động cố tình lảng tránh, sẽ có lúc bị kiện.

Quang cảnh buổi lễ

Bà Vũ Thị Hương Giang chia sẻ: Tổ chức Care Quốc tế hiện đang hỗ trợ một doanh nghiệp may mặc xây dựng quy chế về quấy rối tình dục. Ngoài ra, những doanh nghiệp mà Tổ chức Care Quốc tế làm việc đã nhất trí triển khai quyết liệt về vấn đề quấy rối tình dục, không chỉ dừng lại ở việc đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử được xây dựng năm 2015 mà còn đưa ra các chế tài cụ thể, có tính áp dụng thực tiễn cao.

Bà Vũ Thị Hương Giang hy vọng các cơ quan báo chí sẽ đi đầu trong việc đưa bản hướng dẫn trở thành nội quy, quy chế của cơ quan mình.

TS. Phạm Hải Chung – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền mong rằng cuốn sách này không chỉ dành cho các cơ quan báo chí mà các sinh viên năm cuối của trường các trường đại học đào tạo về ngành báo chí bởi các em khi trải qua thời kỳ thực tập có thể gặp phải vấn đề về quấy rối tình dục.

TS. Phạm Hải Chung cũng mong muốn cuốn sách có thể được đặt tại các thư viện của các trường đại học trên để các bạn sinh viên biết cách xử lý khi gặp phải vấn đề về quấy rối tình dục.

Theo nghiên cứu “Phụ nữ và Báo chí ở Việt Nam” năm 2018 do Viện Đào tạo báo chí Thụy Điển (FOJO) thực hiện, tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo nữ ở mức cao, trên 27%. Trong khi đó, chính sách, cơ chế hướng tới mục tiêu xử lý các vấn đề này còn chưa triệt để.

Bản hướng dẫn “Quấy rối tình dục trong truyền thông – nhận biết, ngăn chặn và xử lý dành cho lãnh đạo và nhân viên” gồm 6 nội dung chính: Thực trạng vấn đề quấy rối tình dục trong truyền thông; quấy rối tình dục nơi công sở là gì?; hướng dẫn cho cơ quan báo chí; hưỡng dẫn cho nhân viên; các công cụ; những đường link tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có quy chuẩn thực thi về quấy rối tình dục trong truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO