Cần bổ sung quyền hưởng dụng của các chủ rừng, hộ gia đình

21/04/2017 00:00

(TN&MT) - Hội Chủ rừng Việt Nam, Trung tâm vì con người và rừng (RECOFTC) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) vừa  phối hợp tổ chức Góp ý cho Dự thảo 5.0 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi tại Hà Nội.

Ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam góp ý kiến tại buổi Góp ý cho Dự thảo 5.0
Ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam góp ý kiến tại buổi Góp ý cho Dự thảo 5.0


Ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam cho rằng, liên quan đến rừng, gắn bó với rừng và có nhiều lợi ích từ rừng, ngoài các chủ rừng được giao đất giao rừng còn là hàng triệu hộ gia đình, nhiều cộng đồng dân cư không được giao đất giao rừng. Vì vậy, trong Dự thảo 5 cần phải làm rõ đối tượng hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để phục hồi rừng, phát triển rừng đã được công nhận là chủ rừng hay không? Và hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư cho thuê lại rừng, cho thuê lại đất rừng khi đó họ có còn là chủ rừng nữa hay không?

Theo Luật bảo vệ và Phát triển rừng (2004) quy định các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức được Nhà nước giao đất giao rừng là chủ rừng. Với những quy định khá rõ ràng về chủ rừng trong luật như vậy, khiến các hộ gia đình, cá nhân làm rừng hiện nay nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các quy định trong luật, như: những người trồng rừng trên đất của chủ rừng khác theo các quy định về khoán lâu dài (50 năm) theo Nghị định 01của Chính phủ (1992); Số các hộ gia đình được giao khoán theo Nghị định 01 nêu trên hay những người nhận khoán làm rừng hay bảo vệ rừng theo nghị định 135 sau này là rất nhiều và nay cả những chủ rừng giao khoán và người nhận khoán đều gặp không ít những khó khăn và bất cập trong quản lý.

Toàn cảnh buổi hội thảo đóng góp ý kiến
Toàn cảnh buổi hội thảo đóng góp ý kiến

Việc giao rừng cho cộng đồng dân cư là việc làm cần thiết và phù hợp với thực tiễn khách quan song đề nghị Dự thảo 5 cần làm rõ chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự đối với cộng đồng dân cư khi được Nhà nước giao rừng là như thế nào. Trong điều kiện năng lực tài chính của cộng đồng có hạn để phát triển rừng cộng đồng rất cần sự hợp tác với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác, muốn vậy tư cách pháp nhân của cộng đồng cần được pháp luật xác lập rõ ràng trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng - ông Hứa Đức Nhị chia sẻ.

Tại buổi đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Quang Tân, Chuyên gia tư vấn của RECOFTC cũng đề xuất sửa đổi trong Điều 46 về Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư được giao rừng do cộng đồng đã thành công trong quản lý rừng cho mục đích sinh thái, văn hóa và kinh tế. Trong khi phần lớn rừng được giao là rừng nghèo, đòi hỏi cộng đồng phải đầu tư cao thì các quyền hạn chế sẽ khiến cộng đồng ít quan tâm tới việc đầu tư vào rừng. Vì vậy, Nhà nước cần bổ sung “quyền khai thác, sử dụng lâm sản cho mục đích thương mại/ tạo thu nhập, cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao, được bồi thường khi Nhà nước thu hồi rừng”.

Hy vọng, sau khi Luật được thông qua, các quy định sẽ cụ thể, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng họ được giao, được thuê.

Vũ Vân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần bổ sung quyền hưởng dụng của các chủ rừng, hộ gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO