Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản trả lời ý kiến cử tri, trong đó tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến việc thu hồi trụ sở một số cơ quan để xây trường học.
Câu chuyện những khu đất vàng, những căn biệt thự để hoang tại các đô thị lớn thực ra không mới. Lần theo những mối liên hệ, những “qui trình bỏ ngỏ” khiến đất vàng bỏ hoang, không khó nhận ra, còn không ít kẽ hở để “con voi chui lọt lỗ kim” trong lĩnh vực này.
Thực tiễn cho thấy, đang có nhiều kẽ hở lớn trong quản lý, sử dụng đất đai. Và lật lại những vụ án tham nhũng đất đai từ trước đến nay, sẽ thấy các sai phạm có đủ cung bậc, tính chất - từ không nắm vững luật pháp, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, đến cố ý làm sai, tham nhũng... .
Có một thời kỳ, chế độ phân phối đã khiến công sản trở lên kém giá trị và khi đó việc chiếm dụng những khoanh đất, những căn biệt thự “xinh xinh” người ta cứ vô tư làm; để rồi nay, chúng biến thành một khối tài sản kếch xù để không ít người vớ bẫm. Chính trong điều kiện đó, sự không minh bạch đã nảy sinh, mà được hưởng là những nơi nắm trong tay quyền ban phát, hoạch định chính sách.
Nhưng nay, trong sự vận hành của một hệ thống pháp lý đòi hỏi phải ngày càng minh bạch, những điều đó không thể có lý do tồn tại. Hàng trăm ngàn mét vuông đất bị lãng phí, sử dụng sai mục đích cần phải chỉ đúng trách nhiệm của từng cấp quản lý cụ thể. Cũng như vậy, một phần không nhỏ tài sản công bị chuyển thành của tư cần phải trở về đúng vị trí của nó. Mọi ưu đãi, đặc quyền phải được đặt dưới một cơ chế kiểm soát khách quan nghiêm ngặt, nhằm ngăn chặn tình trạng biến của công thành của tư.
Thực tế cho thấy, trong quản lý đất đai, các định chế về “giao đất”, “thu hồi đất” đang còn những khoảng trống rất dễ đẩy những người được trao quyền ở lĩnh vực này “lầm lối”. Đất đai được coi là sở hữu toàn dân. Có “giao đất”, tài nguyên đất mới được đưa vào sử dụng ở diện công và tư. Diện công, vào các đề án công trình công cộng được quy hoạch; diện tư, cho dân cư, để ở, được phép chuyển nhượng - thực tế là mua bán - có sự công nhận của pháp luật. Từ đó, hình thành hai tình huống: Một là, nếu được nghiêm chỉnh đưa vào các đề án thực - đáp ứng đúng các yêu cầu quốc kế dân sinh - tài nguyên được khai thác, đưa lại sự phồn vinh cho đất nước, phúc lợi cho nhân dân; nhưng cũng đất đai đó nếu bị những người có trách nhiệm xử lý, đưa vào những đề án “ảo” để rồi thành những nền nhà được phân lô rao bán, hay những phần đất “cống” cho các vị quan quyền nào đó, hoặc xén cho bản thân thì chúng gia nhập vào thị trường bất động sản và làm giàu cho một số quan chức. Vì được một số người hiểu đất đai là sở hữu toàn dân ở một nghĩa rất… vụ lợi, nên đất đai đang như những ‘‘chùm khế ngọt’’ ở khắp nơi (đô thị, miền núi, cả hải đảo…). Cũng vì thế, ngày càng đông đội ngũ những người trong chính quyền - và cả trong cơ quan công quyền có trách nhiệm liên đới trong việc hình thành đề án, quy hoạch - thường xuyên phải đối diện với cám dỗ của những “chùm khế ngọt” đang mời gọi trong tầm tay ấy. Và cứ thế, những người “táy máy”, “bứt hái khế”… ngày càng đông.
Căn biệt thự để hoang giữa lòng Hà Nội mà cử tri quận Hoàn Kiếm vừa kiến nghị chắc chắn không phải là duy nhất trong số nhiều công sản còn để lãng phí.
Rõ ràng ở đây, trong quản lý đất đai, nhất là việc trao quyền tự quyết định cho các cấp quận, huyện và phường, xã quá lớn, không có giám sát chặt chẽ, đang đưa công thổ quốc gia trở thành miếng bánh ngon cho những kẻ đặc quyền. Quyền lực khi được trao cho một ai đó (hoặc một nhóm đối tượng nào đó), nếu không được kiểm soát bằng một công cụ pháp lý hữu hiệu, đủ mạnh rất dễ nảy sinh những tiêu cực.
Phân cấp quản lý là việc cần làm, nhưng nó chỉ thực sự đem lại hiệu quả nếu trong một xã hội kỷ cương - khi đội ngũ đảng viên và cán bộ trong sáng và liêm chính; còn khi kỷ cương xã hội có lắm vấn đề bất ổn, điều đó có khả năng mang lại nhiều tác hại khó lường.