Cân bằng hệ sinh thái biển

11/11/2014 00:00

(TN&MT) - Rùa biển đóng vai trò quan trọng trong cân bằng hệ sinh thái biển với những giá trị bất biến

(TN&MT) - Rùa biển đóng vai trò quan trọng trong cân bằng hệ sinh thái biển với những giá trị bất biến, đồng thời cũng là chỉ số cho thấy sự nguyên vẹn của một khu vực nhất định. Nếu không có các biện pháp bảo vệ kịp thời các loài rùa biển sẽ đứng trước bờ vực tuyệt chủng.
   
Suy giảm hiện hữu
   
  Theo nghiên cứu của các nhà bảo tồn động vật biển, rùa biển có tuổi thọ cao (từ 60 - 100 năm) và vòng đời rất phức tạp, mỗi giai đoạn lại yêu cầu một sinh cảnh sống khác nhau như bãi cát, thảm cỏ biển, rạn san hô, rạn đá, vùng nước sâu. Tuy số lượng ổ trứng và số trứng trong một ổ cao nhưng tỷ lệ tử vong ở giai đoạn con non rất lớn (lên đến 60%), nên ước tính chỉ 1/1000 con non có thể sống sót đến giai đoạn trưởng thành. Do đó, nếu rùa trưởng thành bị tận diệt và trứng của chúng bị lấy hết thì quần thể đó sẽ bị tiêu diệt sau một vài thập kỷ.
   
   
Người dân thả rùa về biển
   
  Tại Việt Nam, rùa biển mới chỉ được đưa vào trong danh mục các loài cấm khai thác từ những năm 90 của thế kỷ trước và hiện tại việc bảo vệ rùa biển ở nhiều địa phương còn nhiều hạn chế. Điều này góp phần làm cho quần thể rùa biển tại Việt Nam bị thu hẹp cả về số loài cũng như số lượng cá thể trong từng loài. 
   
  Theo báo cáo về “Công tác bảo tồn rùa biển tại Việt Nam” của TS Chu Thế Cường (Viện Tài nguyên và Môi trường biển), hiện nay các loài rùa biển đang suy giảm nghiêm trọng. Trong đó, vích suy giảm 75%, đồi mồi và đồi mồi dứa suy giảm 95%, rùa da suy giảm 99%. 4 trong số 5 loài rùa biển ở Việt Nam đã từng sinh sản, 1 loài chỉ kiếm ăn không sinh sản tại vùng biển Việt Nam (quản đồng).
   
  Trước năm 1975, rùa biển sinh sản tại 13 trong số 27 tỉnh ven biển. Đơn cử như loài rùa da đã bị suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 1 - 2 con đẻ trứng mỗi năm tại khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, các khu vực khác hầu như không có. Các địa phương hiện còn ghi nhận loài rùa da sinh sản là Khánh Hòa (tháng 6/2013) và Quảng Trị (tháng 6/2014) .
   
  Nguyên nhân được chỉ ra là do tình trạng đánh bắt trực tiếp bằng các phương tiện đánh bắt như câu kiều, lưới quàng, nghề lặn, bắt rùa mẹ khi lên đẻ, thu nhặt trứng rùa biển. Đáng chú ý là các hoạt động phát triển kinh tế như nuôi tôm trên cát, khai thác cát, phát triển du lịch, rác thải và phát triển cơ sở hạ tầng tại vùng ven biển là những nguyên nhân chính gây nên tác động tiêu cực đến nơi sinh sản của rùa biển.
   
  Ngoài ra, sự gia tăng tiếng ồn và ô nhiễm biển từ dầu thải, chất thải lục địa đã tác động tới các quần thể rùa biển và các loài khác khi chúng ăn, bị vướng phải, bị thương, bị tắc hệ thống tiêu hóa hay làm giảm diện tích nơi kiếm ăn và sinh sản. Những yếu tố này cũng góp phần làm tăng tỷ lệ rùa biển bị tử vong tại Việt Nam.
   
Chồng chéo các quy định
   
  Có thể thấy, những năm gần đây, các cơ quan Chính phủ và tổ chức quốc tế, phi Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn nhằm ngăn chặn việc sử dụng các phương pháp khai thác hải sản mang tính hủy diệt và đã có các phương án bảo vệ, sử dụng hợp lý các hệ sinh thái biển và vùng ven biển.
   
  Hiện Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu về rùa biển; thiết lập bản đồ vùng rùa biển làm tổ đẻ trứng; cứu hộ, chăm sóc rùa con; theo dõi vùng kiếm ăn, sinh cư của rùa biển... Công tác  bảo vệ rùa biển được quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia là CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng), Biên bản thỏa thuận về bảo tồn và bảo vệ rùa biển tại khu vực Đông Nam Á tháng 9/1999, Biên bản thỏa thuận về bảo tồn và quản lý rùa biển và nơi sinh sống của chúng tại khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á tháng 7/2001.
   
  Cùng với đó, Luật BVMT đã quy định nghiêm cấm khai thác, kinh doanh các loài thực, động vật quý, hiếm trong danh mục quy định của Chính phủ, một số điều khoản thuộc Luật Đa dạng sinh học, và Nghị định số 31/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Như vậy tất cả các hành vi khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển đều vi phạm pháp luật, bất kể nó được đánh bắt từ đâu.
   
  Quy định là vậy, nhưng theo các chuyên gia, sự phối hợp liên ngành, phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và một số quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học còn chồng chéo. Đây được xem là nút thắt trong quản lý và bảo tồn loài sinh vật này.
   
   Theo quy định của Luật ĐDSH (2008), Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về ĐDSH (Điều 6 khoản 2). Tuy nhiên, hiện tại, công tác bảo tồn rùa biển tại Việt Nam chủ yếu do các Ban quản lý Vườn quốc gia, Khu bảo tồn biển và các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các địa phương có biển (thuộc Bộ NN&PTNT) thực hiện. Cùng là một đối tượng bảo tồn nhưng các loài rùa biển lại bị chi phối bởi nhiều bộ luật quản lý như Luật Thủy sản, Luật ĐDSH, Luật BVMT... với nhiều cơ quan thực thi khác nhau đã làm cho trong quá trình thực hiện gặp nhiều trở ngại.
   
  Đã đến lúc cần có hành động mạnh mẽ và quyết liệt trong bảo tồn và phát triển loài rùa biển trước những nguy cơ tuyệt chủng đang hiện hữu.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân bằng hệ sinh thái biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO