Cấm xe máy vào nội đô: Liệu có khả thi?

05/03/2019 11:54

(TN&MT) - Chưa bao giờ vấn đề hạn chế xe cá nhân ở TP.HCM lại được các giới, các ngành quan tâm như lúc này, bởi nạn kẹt xe đô thị đã đến mức báo động. Cấm xe máy, mở cho ô tô con, hay phát triển tổng lực phương tiện vận tải công cộng - đây là bài toán "hóc búa" dành cho ngành GTVT TP.HCM.

KET1
Nhiều người dân đồng tình với đề xuất cấm xe máy vào nội đô TP nhưng các chuyên gia cho rằng việc này khó khả thi

Hệ lụy ô nhiễm không khí, tiếng ồn

Theo thống kê, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 8 triệu xe máy và 520.000 ô tô (trong đó gồm 300.000 xe hơi), chiếm 90% tổng số phương tiện hoạt động tại TP. Trong thực tế, con số này còn cao hơn nhiều bởi nếu tính thêm xe ngoại tỉnh, vãng lai lưu thông tại TP thì ước đạt 330.000 xe hơi cùng khoảng 8,5 triệu xe máy. Theo ước tính của cơ quan chức năng, mỗi năm TP thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỷ USD/năm do ùn tắc giao thông và 2,3 tỷ USD do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới.

Xuất phát từ thực trạng trên, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) đã xây dựng Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM. Đề án đưa ra 3 kịch bản cho các loại hình vận tải đô thị tại TP.HCM, trong đó kịch bản 1 là phát triển theo xu thế - nêu các loại hình vận tải đô thị tiếp tục phát triển, xe cá nhân vẫn chiếm thị phần lớn. Kịch bản 2 là phát triển có kiểm soát - nêu vấn đề VTHKCC phải có vai trò quan trọng trong vận tải đô thị và sự phát triển của xe cá nhân phải được kìm hãm. Kịch bản 3 là sẽ phát triển theo quy hoạch.

Đại diện đơn vị xây dựng Đề án tăng cường VTHKCC kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM, TS. Phạm Hoài Chung, Giám đốc Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, trong số 35.000 phiếu khảo sát, có tới 62,56% người dân đồng ý hạn chế lưu thông phương tiện cơ giới cá nhân. Trong đó, có 40,77% đồng ý hoàn toàn và 21,79% đồng ý, với điều kiện cần hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, có các phương thức di chuyển thay thế. Tỷ lệ người dân không đồng ý chiếm 37,44%. Những thông số này cho thấy sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân về phương tiện cá nhân.

Trong khi đó, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM khẳng định trong tình hình hiện nay, xe máy vẫn là phương tiện được coi là tối ưu nhất cho người dân TP. Ấy vậy, xe máy cũng là nguyên nhân gây rối loạn giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm khí thải, ô nhiễm tiếng ồn, mất an ninh đô thị (cụ thể như cướp giật, tội phạm), gây tác hại đến lối sống, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển của giao thông công cộng, bộ mặt đô thị của đô thị lớn nhất nước.

KET2


Tôn trọng ý kiến đa chiều

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Ủy viên Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM góp ý, bên cạnh những giải pháp mang tính kinh tế và hành chính mà TP đề nghị thì việc quy hoạch không gian đô thị và phân bổ lại dân cư, kéo giãn dân ra bên ngoài trung tâm TP cũng hết sức quan trọng. Theo ông Hòa, TP cần ra tạo ra ít nhất một đến hai khu đô thị vệ tinh, vì hiện nay TP chỉ có một khu trung tâm 930ha nên người dân tập trung vào đây đi làm, đi học gây ùn tắc giao thông.

Là một người tâm huyết với sự phát triển đô thị của TPHCM, TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam phân tích TP.HCM đã mắc phải sai lầm chiến lược cách đây hơn hai thập kỷ, khi không quyết tâm phát triển hệ thống giao thông công cộng và có chính sách mạnh tay với xe máy. Sai lầm này có thể lặp lại với ô tô. Nỗi chán chường của nhiều người với chiếc xe máy hiện nay giống như nỗi chán chường với xe đạp và niềm mơ ước có được chiếc ô tô giống như mơ ước có được chiếc xe máy ở thập niên 1990. Với thực trạng không kiểm soát được phương tiện cá nhân như hiện nay, khoảng hơn một thập niên nữa, nỗi chán chường với ô tô lại xuất hiện.

Nói tóm lại, nếu TP.HCM đưa ra thông điệp cấm xe máy thì khả năng đằng nào cũng thua là rất cao. Nếu chính sách có hiệu lực thực sự, trong khi hệ thống giao thông công cộng không thể đáp ứng nhu cầu thì một phần lớn người đi xe máy hiện tại sẽ chuyển sang ô tô. Lúc đó tình trạng giao thông của TP sẽ tệ đi rất nhiều. Ở chiều ngược lại, nếu chính sách này không có hiệu lực thì gia tăng tâm lý coi thường chính sách của người dân.

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay, Sở sẽ tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, sẽ chỉnh sửa đề án trước khi trình UBND, HĐND TP.HCM thông qua. Theo ông Lâm, hạn chế xe cá nhân sẽ được triển khai theo lộ trình và sẽ chỉ đặt vấn đề cấm khi hệ thống giao thông công cộng đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Những biện pháp mà ngành chức năng đưa ra không ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại của người dân mà trên mục tiêu lớn nhất là kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo cho người dân TP có được cuộc sống an toàn, văn minh hơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấm xe máy vào nội đô: Liệu có khả thi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO