Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Sạt lở đất nông nghiệp do khai thác cát, chính quyền nói không việc gì?

31/10/2017 00:00

(TN&MT)– Thời gian qua, Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường liên tục nhận được phản ánh của người dân ở xã Cẩm Vân và Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) về việc sạt lở đất nông nghiệp do khai thác cát của mỏ cát số 45 của DN Thắng Hiền, mỏ số 46 của DN Vân Lộc, mỏ số 47 của Cty Thành Tín gây ra. Nhưng trớ trêu thay, phía chính quyền địa phương lại cho rằng khai thác cát không ảnh hưởng gì đến sạt lở đất nông nghiệp?. 

Trước đó, Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử có phản ánh một loạt bài về tình trạng sạt lở nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân dọc 2 bờ sông Mã ở các thôn Quan Phác, Tiên Lăng, Đồi Vàng, Tường Yên, Đồi Chông, Vân Trai, Quan Bằng, Eo Lê…bị sạt lở ngày một nghiêm trọng do khai thác cát gây ra. Người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ mất đất canh tác.

Ông Phạm Đức Thiện – Trưởng thôn Quan Phác, xã Cẩm Vân chỉ điểm sạt lở cho PV
Ông Phạm Đức Thiện – Trưởng thôn Quan Phác, xã Cẩm Vân chỉ điểm sạt lở cho PV

Phóng viên có mặt tại xã Cẩm Tân, đoạn từ mỏ cát số 47 của Công ty Thành Tín dọc theo sông Mã xuôi về xã Cẩm Vân chỉ chưa đầy 1,5 km mà có đến 3 mỏ cát hoạt động. Tại mỏ cát số 47 của Công ty Thành Tín, doanh nghiệp này còn ngang nhiên đắp thành những con đường ra gần giữa dòng sông Mã gây cản trở dòng chảy, nhưng mặc nhiên không có cơ quan nào nhắc nhở. Dọc theo dòng sông chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục điểm sạt lở, những vách cao dựng đứng, cứ chốc chốc lại có đất sạt xuống dòng sông, người dân cũng chỉ biết than thở đứng nhìn

Bà Trịnh Thị B, ở thôn Quan Phác cho biết: Nhà tôi có 5 sào diện tích đất trồng ngô ở ven sông Mã, nay bị sạt lở, cuốn trôi theo dòng nước gây thiệt hại nặng nề. Do khai thác cát của mỏ cát số 45 và 46, rồi cả mỏ cát số 47 họ làm đường chắn giữa dòng sông gây nên sạt lở bờ sông. Cộng với đợt lũ vừa qua làm chúng tôi bị mất trắng hoàn toàn diện tích đất trồng ngô. Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn mà vẫn cấp phép cho mấy mỏ khai thác cát trên địa bàn thì toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của người dân ven sông sẽ bị sạt lở hết. Đến lúc đó người dân chúng tôi không còn đất canh tác thì chắc phải đi ăn xin để sống qua ngày thôi.

Đất nông nghiệp sạt lở nghiêm trọng như thế này những lãnh đạo huyện Căm Thủy nói không việc gì?
Đất nông nghiệp sạt lở nghiêm trọng như thế này những lãnh đạo huyện Căm Thủy nói không việc gì?

Cùng chung tâm trạng với Bà B, Bà Nguyễn Thị L – thôn Vân Trai, xã Cẩm Vân cho biết: Khu vực thôn Vân Trai bị sạt lở rất nhiều là do khai thác cát rầm rộ, vài tháng trở lại đây thì sạt lở ít bởi họ không còn khai thác cát nữa vì mấy mỏ cát đã hết hạn. Trước đây họ khai thác cát rầm rầm cả ngày lẫn đêm khiến cho bờ sông bị sạt lở cheo leo không ai dám ra gần vì rất nguy hiểm. Chúng tôi chỉ mong nhà nước không cấp phép cho mấy mỏ cát này nữa và kè đoạn sông bị sạt lở để giữ đất cho nhân dân canh tác và yên tâm sinh sống.

Ông Phạm Đức Thiện – Trưởng thôn Quan Phác, xã Cẩm Vân cho biết: Tình trạng sạt lở dọc bờ sông, ăn sâu vào diện tích đất nông nghiệp của người dân từ 60m đến 70m. Khu vực bị sạt lở nằm đối diện với mỏ cát số 47 của Công ty Thành Tín. Họ làm đường giữa dòng sông, chắn nước lại, điều chỉnh làm thay đổi dòng chảy gây nên sạt lở. Nếu nhà nước tiếp tục cấp phép cho mấy mỏ cát để khai thác thì người dân nơi đây lo lắng sẽ sạt lở hết không còn đất mà canh tác.

Đất nông nghiệp sạt lở nghiêm trọng như thế này những lãnh đạo huyện Căm Thủy nói không việc gì?
Đất nông nghiệp sạt lở nghiêm trọng như thế này những lãnh đạo huyện Căm Thủy nói không việc gì?

Ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân cho biết: Trên địa bàn xã Cẩm Vân nhiều điểm dọc bờ sông Mã bị sạt lở, có nhiều nguyên nhân do mưa lũ và khai thác cát. Thôn Quan Phác bị sạt lở rất nhiều, đối diện là mỏ cát số 47 xã Cẩm Tân. Điểm sạt lở ở thôn Vân Trai là khu vực gần mỏ cát số 45 và 46.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Mai Thị Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy lại cho rằng: Tình trạng sạt lở đất nông nghiệp của người dân ở thôn Quan Phác, xã Cẩm Vân chưa nắm được. Người dân phản ánh sạt lở là do khai thác cát thì cũng có lý vì trên địa bàn có mỏ cát. Nhiều điểm không có mỏ cát mà vẫn sạt lở. Trữ lượng của mấy mỏ cát số 45, 46, 47 đang còn, nếu tiếp tục cấp phép cho mấy mỏ khai thác cát cũng không ảnh hưởng gì đến sạt lở (!?).

Ruông ngô, bãi mía này cũng đang chuẩn bị trôi theo dòng nước
Ruông ngô, bãi mía này cũng đang chuẩn bị trôi theo dòng nước

Rõ ràng, dọc theo sông Mã từ xã Cẩm Tân xuôi về xã Cẩm Vân chỉ chưa đầy 1,5 km mà có đến 3 mỏ cát ngày đêm “ moi gan, móc ruột” dòng sông như thế thì việc sạt lở đất đai, hoa màu của người dân là đương nhiên. Nhưng lãnh đạo huyện Cẳm Thủy lại cho rằng không ảnh hưởng hưởng gì đến tình hình sạt lở đất đai?. Câu hỏi được nhiều người dân đặt ra là: Lãnh đạo huyện Cẩm Thủy đã bao giờ kiểm tra tình hình sạt lở đất đai, hoa màu của người dân nơi đây, hay tiếp tay cho khai thác cát?. 

Không những mất đất mà người dân thôn Quan Phác còn bị mất hàng chục héc-ta ngô do bị lũ cuốn
Không những mất đất mà người dân thôn Quan Phác còn bị mất hàng chục héc-ta ngô do bị lũ cuốn

Rất mong UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần xem xét lại việc cấp phép khai thác cho 3 mỏ cát 45, 46 và 47. Đồng thời có kế hoạch kiểm tra, đánh giá tình hình sạt lở dọc sông Mã đoạn xã Cẩm Tân và Cẩm Vân để có phương án khắc phục. Đừng để tình trạng chỉ vì lợi ích riêng mà phó mặc cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây mỗi khi mùa mưa bão đến, ngay náy lo mất đất sản xuất./.

Bài & ảnh: Tùng Minh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Sạt lở đất nông nghiệp do khai thác cát, chính quyền nói không việc gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO