Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Ai tiếp tay cho “quặng tặc”?

02/02/2015 00:00

(TN&MT) - Hơn một tháng trở lại đây, tại đồi Bua Troong thuộc làng Chạo, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy “quặng tặc” ngang nhiên lộng hành khai thác trái phép...

   
(TN&MT) - Hơn một tháng trở lại đây, tại đồi Bua Troong thuộc làng Chạo, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy “quặng tặc” ngang nhiên lộng hành đưa máy móc, trang thiết bị để khai thác chì kẽm trái phép. Điều ngạc nhiên là chính quyền địa phương lại cho rằng việc làm này là hợp lý với chỉ đạo của tỉnh?
   
Đồi Bua Troong tan hoang vì “quặng tặc”
           
Tan nát một vùng đồi
           
  Để đi đến đồi Bua Troong chúng tôi qua rất nhiều lần tìm đường mới đến được đúng điểm khai thác vì đây là khu vực rừng núi cao, qua nhiều lần vượt đèo dốc cuối cùng khu đồi cũng hiện ra trước mắt. Ngay từ dưới chân đồi, con đường in hằn chằng chịt những vết xe và khá rộng để xe ô tô cỡ lớn thoải mái ra vào. Men theo con đường thì chúng tôi bị chốt chặn bởi một lán trại mà “quặng tặc” dựng lên ngay mé đồi để kiểm soát không cho người lạ ra vào.
   
  Theo sự chỉ dẫn của người dân trong làng leo lên sườn đồi thì PV được mục sở thị cảnh tượng “quặng tặc” lộng hành tại đây. Rất nhiều cây rừng bị nhổ tận gốc, từ đỉnh đến sườn đồi bị đục khoét nham nhở có chỗ sâu 1 – 2 m, cá biệt điểm khai thác chính sâu 15 – 20 m và rộng 20 – 25 m tính từ lớp phủ thực vật phía trên, ước tính cả trăm, nghìn khối quặng, đất, đá đã bị các đối tượng này khai thác. Ngay sát bên là máy bơm, máy khoan cùng máy móc công suất lớn đang thi nhau “móc ruột” đồi Bua Troong.
           
  Một người dân tại làng Chạo ngay dưới khu vực khai thác bức xúc cho biết: Tình trạng máy móc hoạt động suốt ngày ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống yên bình của đồng bào miền núi. Ô nhiễm từ âm thanh chát chúa, đất đá rơi vào các vườn canh tác, bụi bẩn, lầy lội khắp cả con đường rồi len lỏi vào từng hộ dân là những hệ lụy mà người dân làng Chạo đang phải hứng chịu. Những chuyến xe cỡ lớn sẽ đến lấy hàng, khiến con đường dân sinh trở nên xuống cấp, nhiều ổ trâu, ổ gà và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì các đối tượng này vẫn ngang nhiên khai thác, người dân cũng nhiều lần kiến nghị nhưng rồi vẫn đâu vào đấy.
   
 Lán trại của “quặng tặc” được xây dựng để dễ bề khai thác
    
           
Có hay không sự tiếp tay?
   
  Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Bùi Minh Thông – Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý cho rằng: “Việc khai thác mới diễn ra hơn một tuần và đang hoạt động theo quyết định của tỉnh Thanh Hóa”?. Tuy nhiên, quyết định mà ông Thông cung cấp đã hết hạn từ năm 2012. Sau khi PV đưa những tư liệu tác nghiệp về tình trạng khai thác quặng trái phép trên địa bàn vị Chủ tịch xã vẫn khăng khăng cho rằng: “Họ đang bảo vệ”?.  Ông Bùi Minh Thông còn chứng minh về việc giấy phép hết hạn vẫn còn hạn như sau: “Tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty Cổ phần Xuân Minh SĐ Thanh Hoa vào ngày 14/04/2009 với thời hạn 36 tháng kể từ ngày nhà máy luyện kẽm xây dựng xong, thế nên các anh phải xem lại xem nhà máy luyện kẽm đã xây dựng xong chưa, họ chưa xây xong thì vẫn được khai thác”?.
   
  Trao đổi qua điện thoại với ông Hà Văn Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy thì được biết: “Huyện chưa nắm được sự việc này và sẽ cho cán bộ kiểm tra xử lý ngay vì khai thác quặng tại khu vực trên là hoàn toàn trái phép”.
   
Ông Bùi Minh Thông – Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý nói: Họ đang bảo vệ?
    
           
  Trong Quyết định số 1122/QĐ – UBND ngày 14/04/2009 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất cho Công ty Cổ phần Xuân Minh SĐ Thanh Hoa ghi rõ: Thời hạn khai thác 36 tháng kể từ ngày nhà máy luyện kẽm xây dựng xong và UBND tỉnh có văn bản chính thức cho khai thác để phục vụ nguyên liệu cho nhà máy. Việc cấp giấy phép này để cho đơn vị quản lý mỏ và làm các công việc chuẩn bị cho khai thác; có điều kiện đánh giá trữ lượng, lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện kẽm; khi chưa có thông báo của UBND tỉnh cho khai thác, yêu cầu Công ty Cổ phần Xuân Minh SĐ Thanh Hoa không được khai thác. Hiện tại giấy phép này không có giá trị pháp lý để xuất khẩu khoáng sản và các hoạt động kinh doanh chì kẽm trong nước.
   
  Rõ ràng, không chỉ giấy phép hết hạn mà còn chưa hề có thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép đơn vị được phép khai thác… Thiết nghĩ, Sở TN&MT, UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trên.
   
Bài & ảnh: Tuyết Trang - Anh Tú
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Ai tiếp tay cho “quặng tặc”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO