Cẩm Giàng (Hải Dương): Bức xúc nạn cát tặc

25/09/2017 00:00

(TN&MT) - Đã nhiều năm qua, chính quyền, người dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã phải gian nan, vất vả và nhiều khi nguy hiểm tính mạng cho cuộc chiến giành giật, bảo vệ từng “tấc đất, tấc vàng” trước nạn cát tặc hoành hành. Nhưng đất vẫn trôi dần xuống sông “hiến cho Hà Bá” bởi thủ đoạn của cát tặc ngày một tinh vi, xảo quyệt và manh động…chính quyền cơ sở, người dân luôn đề cao cảnh giác, bám trụ từng ngày, từng giờ giữ đất nhưng vẫn “lực bất tòng tâm”.

Xót xa nhìn đất trôi sông

Đối với người nông dân thì “tất đất” được ví như “tấc vàng” quả chẳng ngoa, vì đất đai là công cụ, phương tiện sản xuất để làm ra của cải vật chất… nuôi sống gia đình. Thế mà, người dân 8/9 thôn của xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) nhiều năm qua đã phải “đau xót” nhìn đất đai mầu mỡ hiến dần cho “Hà Bá”, nhiều hộ gia đình mất trắng đất sản xuất.

 xã Đức Chính xây chòi canh 2 tầng quan sát tàu cát tặc.
Xã Đức Chính xây chòi canh 2 tầng quan sát tàu cát tặc.

Những hộ gia đình có đất bãi bồi đã mang lại nguồn thu không nhỏ, làm thay đổi cuộc sống từ việc trồng các loại hoa màu, rau, củ, quả… Hiện các thôn có đất bãi, người dân đều bị mất đất, thậm chí mất trắng phải đi thuê lại đất ở các xã khác để “kiếm kế sinh nhai”. Các thôn có diện tích đất bị mất nhiều, do nạn cát tặc đứng đầu bảng là: thôn An Phú, Xuân Kiều, Hảo Hội, Lôi Xá…

Vài năm trở lại đây, thôn, xã đã tìm đủ mọi cách ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép, nhưng cát tặc vẫn giở đủ trò “quỷ quyệt” hoành hành, thừa cơ để ăn cắp tài nguyên, khoáng sản và làm thiệt hại đất đai của người dân. Cát tặc ngày thêm manh động, tinh vi… chúng chỉ dừng lại thời gian nghe ngóng, thay đổi thủ đoạn và rồi lại ồ ạt vào khai thác - Ông Phùng Văn Học, Trưởng thôn An Phú, bức xúc nói: Thôn An Phú có khoảng 80 mẫu đất bãi chuyên trồng: cà rốt, dưa, ngô… Bao đời qua, bãi sông màu mỡ trở thành nguồn thu nhập chính nuôi sống người dân trong thôn. Thế nhưng, bãi sông nay trở thành miếng mồi ngon cho nạn “cát tặc” chính vì vậy, 20 mẫu đất của thôn đã “bốc hơi” vĩnh viễn. Từ tháng 8 đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép lại diễn biến phức tạp, hàng đêm đều từ 2 - 4 tàu vào khai thác cát trái phép. Nhiều đêm 6 tàu ngang nhiên vào hút cát ngay sát bãi sông, nên có thêm nhiều hộ gia đình mất vài chục mét, người ít mất vài mét đất bãi. 

Ông Phạm Văn Điền, dẫn chúng tôi đến xem đất bãi của gia đình, vừa chua xót than thở: Trước đây, gia đình ông có thửa đất bãi với chiều dài 62m, sâu 17m chuyên trồng cà rốt, nay chỉ còn 20m chiều dài, sâu vào gần 15m. Với nạn cát tặc hoành hành như hiện nay, không biết số đất còn lại ít ỏi nhà ông còn giữ được thời gian bao lâu, hay chẳng mấy lại biến mất.

Mặc dù các chòi có người canh gác thường xuyên, nhưng cát tặc không từ thủ đoạn đưa tàu hút cát ngay cạnh chòi canh
Mặc dù các chòi có người canh gác thường xuyên, nhưng cát tặc không từ thủ đoạn, các đối tượng đưa tàu hút cát ngay cạnh chòi canh

Cũng là thôn có nhiều diện tích đất bị mất nhiều do nạn “cát tặc” khiến nhiều hộ gia đình phải đi thuê đất xã khác canh tác, ông Hồ Văn Phông, Trưởng thôn Xuân Kiều, chia sẻ: Mỗi sào đất bãi của người dân thu nhập một năm vài chục triệu đồng, nhiều gia đình sống được nhờ đất bãi; nay mất đất, nhiều nhà mất trắng đau xót lắm! Nhưng biết làm sao được, đất mất không thể lấy lại được, nhiều gia đình, như: Ông Trần Đăng Doanh, Trần Văn Thắng, Trần Văn Tình… phải đi thuê đất bãi bồi tận các xã của huyện Nam Sách để trồng trọt. Việc làm của cát tặc, thử hỏi có khác gì gây lên “tội ác” vậy sao vẫn ngang nhiên tồn tại…? Các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương có phải bất lực trước việc làm sai trái, hay đang làm ngơ… Những người dân mất đất của xã Đức Chính đều chung câu hỏi như vậy, khi trả lời chúng tôi.

“Lực bất tòng tâm”

Mất đất, người dân và chính quyền xã Đức Chính đã ra sức giữ đất, tìm đủ mọi giải pháp, nhưng chẳng khác gì trò “mèo vờn chuột”. Bởi cát tặc manh động, tinh vi, tìm mọi thủ đoạn ăn cắp cát… còn người dân, chính quyền thì dù có cố đến mấy cũng “lực bất tòng tâm”. 

Do bị đe dọa, người lái ca nô hiện xin nghỉ, phương tiện “hữu hiệu” nhất của xã Đức Chính để xua đuổi tàu cát tặc nay phải bỏ không.
Do bị đe dọa, người lái ca nô hiện xin nghỉ, phương tiện “hữu hiệu” nhất của xã Đức Chính để xua đuổi tàu cát tặc nay phải bỏ không.

Chỉ tính từ đêm 10/8 đến 19.8, theo số liệu của ông Phùng Văn Học, Trưởng thôn An Phú thì đã có 21 lượt tàu vào hút cát. Các Tàu thường tập trung từ 7 tối đến sáng, nhiều nhất vào khoảng 2 giờ sáng. "Cát tặc" sử dụng tàu từ 200 - 500 m3, lặng lẽ tiếp cận bãi sông, sử dụng máy nổ giảm thanh vừa đi, vừa hút cát rồi nhanh chóng rời khỏi khu vực. Khi bị phát hiện, người dân xua đuổi, các đối tượng trên tàu còn ngang nhiên dùng đèn pha soi lên bãi như thách thức người dân. Càng ngày, cát tặc càng thêm lỳ lợm mặc cho người dân soi đèn pin, ném gạch đá, chửi bới xua đuổi. Do đêm tối, lực lượng canh gác của thôn, xã mỏng nên việc xua đuổi, bắt giữ khó khăn. Người dân đành bất lực nhìn các tàu ngang nhiên đào khoét mảnh ruộng màu mỡ của mình.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Hoàng Văn Chư, Chủ tịch UBND xã Đức Chính, khẳng định: Chính quyền các thôn, xã đã làm hết trách nhiệm để ngăn chặn nạn cát tặc, nhưng quyền hạn, chức năng chỉ ở mức độ và cát tặc ngày càng giở nhiều chiêu trò, đe dọa tài sản, tính mạng… đang gây ra nhiều khó khăn cho người làm nhiệm vụ. Để phục vụ cho bảo vệ đất trước nạn cát tặc, xã đã đầu tư xây dựng chòi canh 2 tầng để theo dõi từ xa và 2 lán được dựng trực tiếp ở bờ sông, hàng đêm đều có người túc trực. Ngoài ra, xã còn trang bị 1 canô và mỗi đêm trực một người được chi trả 50 ngìn đồng.

Nguyên nhân dẫn đến việc, các tàu cát tặc không thuyên giảm, ngày hoạt động chiều hướng gia tăng, theo ông Chư: Vì xã chỉ được thẩm quyền ½ sông, còn phía sông bên là của xã Thái Tân, Minh Tân (huyện Nam Sách) nên khi thấy động là các tàu cát đánh tàu về phía bên kia sông. Dù có chủ động, nhanh đến mấy khó lòng bắt được quả tang các tàu đang khai thác phần sông của xã, ca nô ra chưa kịp quay vào bờ thì tàu cát lại ra hút, như thách thức chính quyền. Nhưng không thể bắt, vì bắt là sai các tàu cãi là đang ở khu vực không phải của xã. Việc bắt giữ các tàu cát của cơ quan chức năng thôn, xã hết sức khó khăn, bởi  bắt tàu phải có đầy đủ bằng chứng và đề nghị cơ quan huyện về xử lý. Chính vì vậy nên cát tặc coi thường “nhờn” đã nhiều lần bất hợp tác, manh động, đe dọa… người làm nhiệm vụ.  

Ông Chư nhắc lại chuyện, trước đây khi Phó Chủ tịch UBND xã cùng 1 tổ viên Tổ Phòng chống khai thác cát, bắt quả tang tau khai thác cát, yêu cầu đưa tàu vào bờ để lập biên bản; nhưng lái tàu đóng chặt cửa “nhốt” Phó Chủ tịch cùng đồng chí tổ viên, chạy tàu ngược về huyện Nam Sách, cách xa trên 10km sau đó thả hai người xuống. Hơn thế, cát tặc biết được hiện xã Đức Chính chỉ có một người có bằng lái và biết điều khiển ca nô, nên để ngăn chặn việc bị đuổi bắt, cát tặc đã bắn tin đe dọa: “nếu người lái ca nô không xin nghỉ, thì tất cả hoa màu hàng năm sẽ bị phá hoại”. Chính vì vậy, người lái ca nô của xã Đức Chính sợ bị phá hoại kinh tế, đã phải xin nghỉ việc, khiến xã đang loay hoay chưa tìm được người thay thế và chưa có ai dám đứng ra đảm nhận công việc nguy hiểm này.

Đất dần trôi sông do khai thác cát trái phép, khiến lòng sông rộng mênh mông.
Đất sạt lở, khoét sâu 2 bên bờ sông do khai thác cát trái phép, khiến lòng sông rộng mênh mông.

Lực lượng liên ngành của huyện thường phản ứng khá chậm khi phát hiện các trường hợp khai thác cát trái phép, nên khi xã báo Công an huyện về đến nơi thì tàu cát đã di chuyển đi nơi khác, việc bắt giữ, xử phạt chưa thực hiện được. Tính riêng trong tháng 8 vừa qua, có gần 30 lượt tàu vào khai thác trái phép nhưng lực lượng liên ngành của huyện không bắt giữ được trường hợp nào. 

Việc nhiều năm qua, cát tặc hoành hành trên địa bàn xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) khiến chính quyền cơ sở, người dân “loay hoay” từng giờ, từng ngày giành giật cuộc chiến giữ đất. Nhưng đất vẫn mất, cát tặc ngày thêm “hung hãn” coi thường pháp luật, vậy ai là người chịu trách nhiệm?  Trong khi thiệt hại không thể đong đếm được, người dân đang bức xúc đặt ra nhiều câu hỏi: Có phải chính quyền tỉnh Hải Dương đang “bất lực” hay làm ngơ cho việc làm phi pháp? Một dẫn dụ người dân đang đưa ra hết sức phi lý là điểm các tàu cát tặc hay vào hút cát, chỉ cách trạm Cảnh sát Giao thông đường thủy chưa đầy 2km, nhưng người dân phải “đơn thương độc mã” chống chọi hiểm nguy.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin bạn đọc.

Bài, ảnh: Phạm Hoàng

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩm Giàng (Hải Dương): Bức xúc nạn cát tặc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO