Cải thiện sức chống chịu các vùng đất ngập nước ở Hạ Mê Công

03/02/2017 00:00

(TN&MT) – Nhân dịp ngày Đất ngập nước Thế giới (2/2), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vừa ra mắt dự án “Mê Công WET: Xây dựng Sức chống chịu của các vùng Đất ngập nước tại Khu vực Hạ Mê Công”nhằm cải thiện sức chống chịu của các vùng đất ngập nước tại các quốc gia Hạ Mê Công.

Tại khu vực Hạ Mê Công, hàng triệu cư dân sống phụ thuộc vào các vùng đất ngập nước như: các đầm lầy, sông suối, rừng ngập mặn, các rạn san hô, các kiểu sinh cảnh ven biển và nội đồng khác có rất nhiều chức năng quan trọng trong đó có điều hòa dòng chảy, cung cấp nước sạch và dự trữ các-bon.

Trong vài thập kỷ gần đây, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng phá rừng, mở rộng các vùng đất nông nghiệp có tưới tưới tiêu chủ động và mở rộng đô thị hóa đã làm mất đi các bãi sinh sản và kiếm ăn của các loài cá, thu hẹp các sinh cảnh đất ngập nước, và giảm chất lượng nước. Nông dân ngày càng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi xâm nhập mặn, xói lở đất và lũ quét, và thực tế này càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Hàng triệu cư dân tại khu vực Hạ Mê Công sống phụ thuộc vào các vùng đất ngập nước
Hàng triệu cư dân tại khu vực Hạ Mê Công sống phụ thuộc vào các vùng đất ngập nước. Ảnh: IUCN

Dự án Mê Công WET nhấn mạnh vai trò quan trọng của các hệ sinh thái đất ngập nước khỏe mạnh trong việc giúp làm giảm nguy cơ từ thiên tai. Các vùng đất ngập nước hoạt động như những tấm đệm tự nhiên làm giảm thiểu xói mòn đất, làm nhẹ đi tác động của lũ, sóng thần và sạt lở đất, nhờ giữ lượng nước lớn qua đó giảm đỉnh lũ trong mùa mưa đồng thời tối đa hóa lượng nước tích trữ trong mùa khô. Mục tiêu của dự án là xây dựng sức chống chịu trước biến đổi khí hậu thông qua kết nối các lợi ích của các vùng đất ngập nước tại Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Theo đó, Mê Công WET sẽ hỗ trợ bốn quốc gia trong việc thực hiện các cam kết với Công ước Ramsar - một hiệp ước quốc tế nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; đồng thời thực hiện các Mục tiêu Đa dạng Sinh học Aichi. Thông qua sử dụng các vùng đất ngập nước làm hệ sinh thái trọng tâm, dự án sẽ hỗ trợ các chính phủ thực hiện Chiến lược và Kế hoạch Hành động Đa dạng Sinh học Quốc gia (NBSAP) theo yêu cầu của Công ước Đa dạng Sinh học và theo đuổi các cam kết của các quốc gia về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu đối với Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu.

Theo ông Jake Brunner, Trưởng nhóm Indo-Burma của IUCN, Mê Công WET giúp nâng cao nhận thức về việc các vùng đất ngập nước có thể mang lại đa lợi ích cho xã hội
Theo ông Jake Brunner, Trưởng nhóm Indo-Burma của IUCN, Mê Công WET giúp nâng cao nhận thức về việc các vùng đất ngập nước có thể mang lại đa lợi ích cho xã hội. Ảnh: IUCN

IUCN cũng công bố có tổng số 28 Khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) tại bốn quốc gia Mê Công WET. Dự án sẽ xây dựng các kế hoạch quản lý, với trọng tâm đặt vào việc thích ứng với và xây dựng sức chống chịu đối với biến đổi khí hậu tại 10 Khu Ramsar được lựa chọn và cải thiện hợp tác khu vực về quản lý các vùng đất ngập nước xuyên biên giới.

Công việc này sẽ được thực hiện qua trao đổi các thực hành tốt cũng như xây dựng dựng năng lực cho ít nhất 150 cán bộ quản lý đất ngập nước và 300 đại diện cộng đồng sống trong và gần các vùng đất ngập nước. Nhờ đó, dự án cũng hướng tới việc chia sẻ các bài học và tiếp cận với 18 Khu Ramsar còn lại, cũng như với rất nhiều khu đang được đề xuất hoặc có tiềm năng trở thành Khu Ramsar tại bốn quốc gia Mê Công WET.

Dự án sẽ hỗ trợ các chính phủ thực hiện Chiến lược và Kế hoạch Hành động Đa dạng Sinh học Quốc gia (NBSAP). Ảnh: IUCN
Dự án sẽ hỗ trợ các chính phủ thực hiện Chiến lược và Kế hoạch Hành động Đa dạng Sinh học Quốc gia (NBSAP). Ảnh: IUCN

Ông Jake Brunner, Trưởng nhóm Indo-Burma của IUCN cho biết, Mê Công WET cùng với Sáng kiến Ramsar Khu vực Indo-Burma (IBRRI) không chỉ giúp cải thiện hợp tác quốc tế trong quản lý các vùng đất ngập nước xuyên biên giới mà còn giúp nâng cao nhận thức về việc các vùng đất ngập nước có thể mang lại đa lợi ích cho xã hội.

Dự án do Sáng kiến Khí hậu Thế giới (IKI) của Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Xây dựng và Hạt nhân (BMUB) của chính phủ CHLB Đức tài trợ và sẽ được thực hiện đến năm 2020.

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện sức chống chịu các vùng đất ngập nước ở Hạ Mê Công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO