Cải tạo nước Hồ Gươm cần thận trọng

23/02/2017 00:00

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về cải tạo môi trường nước Hồ Gươm tổ chức tại Hà Nội.

Hồ Gươm không còn khả năng tự làm sạch

Hồ Gươm rộng 12 ha, không chỉ có chức năng trữ nước mưa, điều hòa khí hậu cho khu vực, mà còn là một thắng cảnh, gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của người dân Thủ đô. Đây cũng là một điểm du lịch hấp dẫn mỗi năm đón 1,3 triệu lượt khách. Tuy vậy, hiện nay, qua khảo sát của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho thấy, Hồ Gươm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm, cá và động thực vật chưa được bảo vệ đúng mức, chất hữu cơ vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm.

Theo ông Võ Tiến Hùng  - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, chất lượng nước Hồ Gươm suy giảm, độ pH cao ở mức 9,05 - 9,46. Ngoài ra, cặn lơ lửng trong hồ cao với TSS cao hơn tiêu chuẩn cho phép ở cả 5 vị trí quan trắc. Hồ đang trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ với BOD, COD gấp gần 2 lần so với quy chuẩn cho phép. Màu xanh đặc trưng của hồ Gươm là màu xanh lục nhiều chỗ đã biến thành màu đỏ. Hàm lượng dinh dưỡng dư thừa, hiện tượng tảo nở hoa dẫn đến mất oxy nghiêm trọng. Lớp bùn lắng đọng ngày một dày (0,47 - 1,06 m) nên trong hồ không có quan hệ thủy lực với các tầng chứa nước ngầm và sông Hồng. Trong lớp bùn chứa nhiều kim loại nặng và khí độc, ảnh hưởng đến sinh vật sống trong hồ…

Kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ môi trường cũng cho thấy, mật độ sinh vật đáy Hồ Gươm thấp và có xu hướng giảm.

Giáo sư Hà Đình Đức - người có nhiều năm nghiên cứu về Hồ Hoàn Kiếm cho rằng, trước đây, nước hồ sạch và sâu nhưng những năm gần đây, hồ giống như đầm lầy, nước ở chỗ sâu nhất cũng chỉ hơn 1m. Chính vì vậy, việc cải tạo môi trường hồ là rất cấp thiết.

Phương án “giải cứu” đã có

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nước ở Hồ Gươm, TP. Hà Nội đã giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội lập kế hoạch “giải cứu”. Công ty này đề xuất 4 phương án cải tạo, trong đó nhấn mạnh 2 giải pháp chính là nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ và xử lý, duy trì chất lượng nước.

Theo kế hoạch, tổng khối lượng nạo vét ở hồ Gươm là 57.400m3, diện tích khu vực nạo vét bùn là 9,7 ha. Việc thi công nạo vét sẽ được thực hiện 8 giờ/ngày, bắt đầu từ 21 giờ 30 phút và kết thúc 5 giờ 30 phút sáng. Để bảo đảm an toàn cho các công trình kiến trúc quanh hồ như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, các đơn vị sẽ thu dọn phế thải trong phạm vi 7m từ mép kè ra; nạo vét bùn toàn bộ lòng hồ (cách chân kè chung quanh hồ và cách mép kè Tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn 7m). Các đơn vị sau khi dùng lưới quây dồn thủy sinh vào vị trí cách xa khu vực thi công sẽ sử dụng máy xúc đứng trên phao, hút bùn vào xe bơm dẫn vào bờ để bơm lên xe téc vận chuyển đi. Tổng thời gian thi công nạo vét và vận chuyển chất thải là 69 ngày chưa gồm thời gian chuẩn bị máy móc và kiểm tra nghiệm thu.

Sau khi nạo vét, sẽ xây dựng 1 giếng khoan cấp nước tại chỗ cho hồ, công suất 150m3/ giờ, chiều sâu giếng khoan 70m. Đại diện Công ty nước sạch Hà Nội cho rằng, nguồn nước ngầm quanh hồ rất tốt, hàm lượng sắt thấp nên có thể bổ cập nước hồ; không đưa nước sông Hồng vào vì không giữ được màu xanh truyền thống và không đảm bảo môi trường sinh thái, sinh vật trong hồ.

Về phương án xử lý, duy trì chất lượng nước, Công ty TNHH MTV thoát nước HN đề xuất sử dụng chế phẩm Redoxy-3C trong công tác xử lý, duy trì chất lượng nước hồ.

Cần thận trọng

Phương án cải tạo nước Hồ Gươm là vậy nhưng nhiều nhà khoa học khuyến cáo, cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm cần tiến hành thận trọng để bảo đảm khắc phục tình trạng ô nhiễm hồ nhưng không phá vỡ hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học tại hồ, nhất là phải giữ được màu xanh lục đặc trưng của nước hồ.

Tại hội thảo cải tạo môi trường nước Hồ Hoàn Kiếm, PGS. TS Trần Đức Hạ cho rằng, nên nghiên cứu kỹ trước khi nạo vét vì năm 1992, Hà Nội đã nạo vét nhưng hiện tượng tảo nở hoa và các chỉ số thay đổi theo chiều hướng không thuận lợi cho các loài thuỷ sinh phát triển. Đồng quan điểm đó, TS. Hà Đình Đức góp ý: Cải tạo Hồ Gươm cần chia làm hai giai đoạn, sau giai đoạn 1, sẽ đánh giá tác động của việc cải tạo tới cảnh quan, thủy sinh vật sống ở hồ. Từ kết quả này mới tiêp tục triển khai giai đoạn tiếp theo. Mặt khác, việc dùng chế phẩm Redoxy-3C của Đức để làm sạch nước hồ cũng cần thận trọng. Chế phẩm này đã áp dụng để cải tạo một số hồ ở Hà Nội và cho kết quả tốt, giúp làm sạch hồ và trong nước. Tuy vậy, Hồ Hoàn Kiếm có hệ vi tảo đặc hữu, vì vậy phải làm thí điểm để theo dõi biến động của hệ vi tảo. “Nếu không thận trọng trong cải tạo, sẽ làm chết hết những loại tảo, vi sinh vật có lợi tạo ra màu nước xanh đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm” - ông Đức nhấn mạnh.

Thiết nghĩ để có phương án tốt nhất trong việc cải tạo nước Hồ Gươm, đơn vị thi công cần cần lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, bổ sung vào phương án triển khai. Việc nạo vét phải thận trọng và tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, bổ sung vào phương án triển khai.

Linh Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải tạo nước Hồ Gươm cần thận trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO