Cải tạo môi trường sau khai thác: Chưa “buộc” được doanh nghiệp

04/03/2014 00:00

(TN&MT) - Ngành công nghiệp khai khoáng ở nước ta chủ yếu là khai thác hầm lò và khai thác lộ thiên.

(TN&MT) - Ngành công nghiệp khai khoáng ở nước ta chủ yếu là khai thác hầm lò và khai thác lộ thiên. Hai phương pháp khai thác này lại nặng về thủ công để lại hậu quả về ô nhiễm môi trường, biến động về địa chất... rất khó khắc phục. Nhà nước đã xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật về phê duyệt và thực hiện dự án cải tạo, phục hồi môi trường (CT PHMT) trong khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, đến nay số doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc ký Quỹ CT PHMT rất ít.
   
  Các mỏ đều ô nhiễm…
   
  Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hậu quả  trong khai thác khoáng sản bằng phương pháp thủ công, công nghệ lạc hậu như hiện nay tại hầu hết cả mỏ ở nước ta sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống nhiều nhiều năm sau. Bởi thực tế, hầu hết những mỏ khoáng sản được khai thác xong đều là những hố sâu thăm thẳm hoặc không thì cũng là những vùng đất khoang sơ không sử dụng được. Nguyên nhân của thực trạng trên là doanh nghiệp khai khoáng không thực hiện nghiêm túc dự án cải tạo, phục hồi môi trường đã ký khi được cấp Giấy phép khai thác. Ví dụ tại tỉnh Đồng Nai, một trong những địa phương có nhiều Giấy phép khai thác khoáng sản cho thấy: Tính đến năm 2013 cả tỉnh có 41 mỏ khai thác xong, trong đó có 14 mỏ được cấp phép khai thác theo quy mô công nghiệp và 27 mỏ được cấp phép khai thác tận thu. Thế nhưng các mỏ khai thác công nghiệp mới chỉ có 3 mỏ đã phục hồi môi trường, được UBND tỉnh phê duyệt, cho phép đóng cửa mỏ. Và điều đáng nói, tại những điểm mỏ đã ngưng khai thác chờ làm thủ tục đóng cửa mỏ, môi trường chỉ được phục hồi qua loa và chưa được rào chắn và quản lý chặt để đảm bảo an toàn.
   
Những hố sâu để lại sau khi DN khai thác hết khoáng sản
    
   
  GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét: “Để đảm bảo an toàn môi trường, việc khai thác khoáng sản luôn đòi hỏi chi phí cao hơn cho môi trường làm cho việc khai thác không có hiệu quả kinh tế, hoặc hiệu quả thấp. Đây chính là lý do chủ yếu để các nhà đầu tư tìm mọi cách lẩn tránh các chi phí bảo vệ môi trường”.
   
  Và có lẽ chi phí cho môi trường quá lớn nên thực tế theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Từ năm 2008 đến nay Bộ và các tỉnh, thành phố đã duyệt trên 1.400 dự án cải tạo, phục hồi môi trường nhưng cũng chỉ có được tổng số tiền ký quỹ trên 1.360 tỉ đồng.
   
Chế tài có những vẫn bị “bó”
   
  Thực tế, việc triển khai thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 18/2013 về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản của gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về cải tạo, phục hồi môi trường cho từng loại hình khai thác khoáng sản.
   
  Mục đích của việc ký Quỹ CT PHMT là yêu cầu các chủ dự án khai thác khoáng sản phải ký một khoản tiền tối thiểu bằng chi phí thực tế để cải tạo, phục hồi môi trường, nhưng lại không có quy định về yếu tố trượt giá trong tổng kinh phí phải thực hiện. Do đó làm phát sinh rủi ro về nguồn tài chính cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác khoáng sản.
   
  Một chuyên gia khoáng sản cho rằng: Nhà nước nên điều chỉnh quy định phí bảo vệ môi trường có tính đến mức độ ô nhiễm môi trường như hệ số bóc đất đá trong khai thác lộ thiên, tỷ lệ thu hồi tinh quặng từ quặng nguyên khai, thành phần chất gây ô nhiễm trong quặng. Bên cạnh đó, việc quy định cũng cần được cụ thể trong cách tính toán khoản tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với các trường hợp thời gian khai thác mỏ.
   
  Chính vì những nguyên nhân nêu trên, nên việc tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động khoáng sản nói riêng là rất cần thiết. Một giải pháp rất cần thiết nữa là tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải trong khai thác khoáng sản...
   
  Bài và ảnh: Minh Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải tạo môi trường sau khai thác: Chưa “buộc” được doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO