Cải tạo Đồng Tháp Mười thành kho dự trữ nước cho Nam Bộ

19/12/2016 00:00

(TN&MT) - Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn, mặn, lũ nhỏ... đang là thách thức vô cùng lớn đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước, lương thực, sinh kế của trên dưới 6 triệu dân và kinh tế - xã hội của ba tỉnh vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An). Cần cải tạo Đồng Tháp Mười thành một kho dự trữ nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long để đối phó với nguy cơ thiếu nước trong tương lai.

Hiện nay, các nước trong lưu vực sông Mekong đã quy hoạch xây dựng hàng trăm đập trên các dòng nhánh và hàng chục đập trên dòng chính của sông Mekong. Những con đập ở đầu dòng giữ nước lại vào mùa khô đã đẩy nhanh tiến trình ngập mặn ở các cửa sông Cửu Long. Hạn hán và thiếu nước sẽ trở thành là mối đe doạ hàng năm, nhất là khi Nam Bộ không hề có kho dự trữ nước. 

Đồng Tháp Mười với 700 ngàn ha rừng tràm và mặt nước có khả năng trữ trên 100 tỷ m3 nước (gần 1/8 lượng nước có được hàng năm của cả nước ta), thuộc các tỉnh Long An và Đồng Tháp. Đây là vùng sụt hạ địa chất hiện đại và rất có khả năng sẽ trở thành một kiểu Biển Hồ trong tương lai như Biển Hồ của Campuchia theo tài liệu địa chất.

Đồng Tháp Mười
Đồng Tháp Mười

Vấn đề đặt ra cho hôm nay là cần cải tạo Đồng Tháp Mười thành một kho dự trữ nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long để đối phó với nguy cơ thiếu nước trong tương lai. Có lẽ hướng đi mới này của Đồng Tháp Mười sẽ làm thay đổi cơ bản quy hoạch hiện có của vùng đất ngập nước này nhưng là hướng đi đúng nhằm ứng phó với một vấn đề bức xúc nhất trong phát triển bền vững Nam Bộ: đó là vấn đề thiếu nước do biến đổi khí hậu và do tranh chấp nguồn nước của hệ thống sông Mekong, đồng thời cũng là hướng phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên của Đồng Tháp Mười.

Trước yêu cầu cấp thiết đó, Bộ TN&MT đã phê duyệt đề tài Nghiên cứu giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng dự trữ nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH nằm trong Chương trình Khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020.

Trên cơ sở nghiên cứu đó, xác lập cơ sở khoa học về đặc điểm và quy luật tự  nhiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đồng Tháp Mười; từ đó đánh giá tác động của con người và ảnh  hưởng của BĐKH đến cân bằng tài nguyên nước, hệ sinh thái khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đồng Tháp Mười.

Đồng thời, đánh giá đảm bảo an ninh nguồn nước cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất mô mình, giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.

Ngoài ra, vì vùng Đồng Tháp Mười gồm có 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An nên tình trạng cục bộ địa phương, mạnh ai nấy làm và chậm thay đổi nhận thức về quản lý nhà nước cũng là một nguy cơ rất đáng lo. Cả 3 tỉnh đều dùng chung nguồn nước sản xuất nông nghiệp. Thời tiết cực đoan, thủy điện trên sông Mekong làm cho nước ngọt ngày càng khan hiếm, trong khi nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội đồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, nếu cả 3 tỉnh cùng làm dự án trữ ngọt, cùng có giải pháp tiết kiệm nước tưới và cùng chia sẻ nguồn nước với nhau thì thiệt hại sẽ giảm nhẹ. Liên kết là chuyện tất yếu phải làm, không chỉ để thu hút tài trợ mà còn vì sự phát triển bền vững cho tương lai.

Việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi đầu tư, xin ngân sách Trung ương hay huy động các nguồn tài trợ quốc tế cũng đều nhằm phục vụ lợi ích của người dân vùng Đồng Tháp Mười, không riêng tỉnh nào. Các địa phương vùng Đồng Tháp Mười cần đánh giá hiện trạng, lập quy hoạch đầu tư các công trình trữ nước và phương án vận hành hệ thống thủy lợi để ngăn mặn, chia sẻ nguồn nước ngọt hiệu quả.

Thu Giang - Minh Khải

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải tạo Đồng Tháp Mười thành kho dự trữ nước cho Nam Bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO