Các "tư lệnh ngành" cùng "xắn tay" gỡ vướng cho doanh nghiệp

29/04/2016 00:00

(TN&MT) - Khai mạc Hội nghị doanh  nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh kết quả của hội nghị này phải tạo ra niềm tin mới để mọi người...

 

(TN&MT) - Ngày 29/4, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh kết quả của hội nghị này phải tạo ra niềm tin mới để mọi người dân, để doanh nghiệp hăng hái sản xuất, kinh doanh, phát triển.

Còn Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói: “Điều quan trọng nhất, chúng tôi muốn các Bộ ngành, cấp chính quyền cam kết thực hiện, đề nghị doanh nghiệp đồng hành, không chỉ là ‘đi cùng nhau’ mà phải ‘cùng nhau tháo gỡ’, doanh nghiệp không chỉ ‘kêu’ mà cần kiến nghị giải pháp, nghiên cứu pháp luật, có tình lý. Mong các doanh nghiệp sát cánh với chúng tôi như vậy”. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trước giờ khai mạc Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trước giờ khai mạc Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngay tại Hội nghị, nhiều vị “tư lệnh ngành” đã thể hiện tinh thần khẩn trương, chung tay cùng tháo gỡ các rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã cam kết coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên bằng cách triển khai tích cực các hành động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho DN mọi thành phần kinh tế phát triển.

Trước hết Bộ KH&ĐT tiếp tục rà soát, kiến nghị Chính phủ các giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ trên cơ sở tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường, loạt bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệnh, méo mó thị trường…Tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng.

Thứ hai, Bộ KH&ĐT tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong triển khai thực thi những tư tưởng đổi mới rất mạnh mẽ thể hiện trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; áp dụng triệt để, nhất quán tinh thần của Hiến pháp 2013 về tôn trọng  quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm “người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”.

Thứ ba, có giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.

Bộ KH&ĐT sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Trong đó, ngoài các giải pháp hỗ trợ căn bản về môi trường đầu tư kinh doanh, thông tin, thị trường, mặt bằng sản xuất, tín dụng… dự thảo còn đưa ra các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo mục tiêu như: Hỗ trợ DN thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua mô hình vườn ươm DN, quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành; hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội.

Bộ KH&ĐT sẽ thay đổi quan điểm từ hỗ trợ chung chung, đại trà tất cả các DN sang hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực và mục tiêu dài hạn nhất định. Ưu tiên tập trung vào khu vực DN trong các ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh quốc gia, có ứng dụng đổi mới sáng tạo, định hướng xuất khẩu, DN liên kết trong các chuỗi giá trị, cụm liên kết tạo giá trị gia tăng cao. Qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng theo chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, DN còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề nộp thuế, thông quan hàng hóa và Bộ coi đây là hai lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào một số lĩnh vực với các giải pháp cụ thể. Trong đó, phấn đấu đến hết 2017 sẽ nâng cao hiệu quả tài chính trong các lĩnh vực thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Mức độ sẵn sàng, đầy đủ về dịch vụ tài chính của Việt Nam sẽ nằm trong số 50 nước đứng đầu thế giới. 

Đồng thời, Bộ Tài chính phấn đấu trước năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đạt và ngang bằng 3 nước hàng đầu ASEAN trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế như thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống dưới 150 giờ/năm, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Trong đó tập trung vào công tác hoàn thuế theo hướng điện tử, giải quyết khiếu nại, quản lý rủi ro trong thanh kiểm tra thuế, đẩy mạnh kê khai nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng thể mức nộp thuế của Việt Nam để bảo đảm công bằng, bình đẳng, phù hợp với mặt bằng chung của các nước trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh sẽ đặt trọng tâm vào việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, công vụ.

Điểm qua những thuận lợi và những khó khăn phải đối mặt trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực tín dụng, tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Mới đây, NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại lớn, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí quản lý để giảm lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng lớn đã cam kết giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn trong thời gian tới.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết NHNN cũng sẽ tiếp tục điều hành tỉ giá linh hoạt, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ. Đồng thời NHNN tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu nhấn mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm thông thoáng, quyền tự do cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là sống còn. Bộ sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho DN thực hiện thủ tục hành chính công. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tham mưu với Chính phủ xây dựng các khung khổ chính sách mới đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng trực tiếp giải đáp một số kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến cơ chế thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; chiến lược phát triển công nghiệp bán lẻ trong bối cảnh hội nhập sâu; phát triển công nghiệp ô tô; cụ thể hóa Hiệp định Thương mại Lào-Việt; xây dựng quy hoạch ngành dệt may, da giầy...

Còn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết ông đã nhận được 61 nội dung, kiến nghị, đề xuất của DN liên quan đến sự chồng chéo, chưa nhất quán trong các nghị định, thông tư.  Bộ Xây dựng đã làm rõ 39 kiến nghị, còn lại 22 kiến nghị cần phải được xem xét xử lý một cách hợp lý, tiếp tục rà soát bảo đảm sự thống nhất giữa các quy đinh pháp luật. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ tiếp tục phân cấp ủy quyền mạnh hơn cho cơ quan chuyên môn của địa phương, của các bộ quản lý công trình chuyên ngành trong việc thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép quy hoạch xây dựng… 

Trước ngày 1/7/2016, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng nghị định thay thế thông tư hướng dẫn về điều kiện đầu tư kinh doanh trong việc thành lập tổ chức hoạt động của sàn bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản, cũng như đào tạo, hướng dẫn kiến thức hành nghề môi giới, điều hành sàn bất động sản. Rà soát bổ sung quy định bảo đảm bình đẳng hơn giữa DN trong và ngoài nước trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời bổ sung các chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội, thương mại giá thấp, cả thiện chung cư cũ. Bảo đảm hiệu lực thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng, xử lý vi phạm, tránh phiền hà, không gây khó khăn sách nhiễu cho DN…

PV (tổng hợp)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các "tư lệnh ngành" cùng "xắn tay" gỡ vướng cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO