Các tỉnh ven biển tây ĐBSCL đối phó với hạn mặn

12/12/2015 00:00

  Việc mùa mưa kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm gần một tháng đã làm cho tỉnh Cà Mau không đủ nước ngọt để rửa mặn

 

Hiện tượng Elnino, biến đổi khí hậu đã làm cho ở khu vực ĐBSCL, mùa mưa kết thúc sớm hơn 1 tháng với lượng mưa thiếu hụt từ 20-50% so với trung bình nhiều năm. Điều này đã dẫn đến tình trạng khô hạn, nắng nóng gay gắt và xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, đời sống của người dân.

Việc mùa mưa kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm gần một tháng đã làm cho tỉnh Cà Mau không đủ nước ngọt để rửa mặn nhằm phục vụ gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm. Theo thống kê, đến nay, địa phương này chỉ mới gieo cấy được hơn 31 nghìn ha trong gần 43 nghìn ha diện tích lúa trên đất nuôi tôm. Hiện các trà lúa đã gieo cấy xong cũng đang trong tình trạng phát triển kém, dự báo sẽ giảm năng suất nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều diện tích cũng đã bị chết vì nắng nóng và thiếu nước tưới.

Ông Trần Văn Nhuận, ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, hộ dân có 4 ha đất sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm, trong đó 2 ha bị thiệt hại  và  2 ha không thể gieo cấy than thở: “Cấy lúa xong hai ba ngày thì chết luôn, lần đầu chết thì gia đình cũng không nản lòng và quyết định làm lại lần 2, mướn nhân công nhổ cấy xong thì lúa cũng chết. Thấy mạ còn, gia đình tiếc thì nhổ cấy lần 3, làm công nhà, mà cấy xuống cũng chết luôn”. 

Lượng mưa dứt sớm cũng làm cho nước mặn  xâm nhập nhanh hơn so các năm trước. Hiện nay, mức độ ảnh hưởng mặc dù chưa rõ ràng nhưng dự đoán thời gian tới sẽ rất gay gắt.

Theo quy hoạch thủy lợi tỉnh Cà Mau chia làm 2 vùng Nam Cà Mau và Bắc Cà Mau. Theo đó, chỉ có vùng Bắc Cà Mau thuộc phần lớn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời có diện tích tự nhiên gần 90 nghìn ha và khoảng 20 nghìn ha rừng tràm là có hệ thống thủy lợi khép kín để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, chủ yếu là nước mưa. Song, do mùa mưa năm nay kết thúc sớm, nên sẽ rất khó có đủ nước ngọt bổ sung cho các hệ thống kênh, rạch, cộng với tình trạng nước mặn sẽ thẩm thấu vào bên trong khi nắng nóng, hạn hán kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các trà lúa Đông Xuân của vùng này. Đáng chú ý hơn cả là phần diện tích còn lại khoảng 420 nghìn ha với hệ thống sông rạch kênh mương chằng chịt, thủy lợi chưa đầu tư hoàn chỉnh, vì vậy nguy cơ thiệt hại diện tích sản xuất nông lâm thủy sản là rất lớn.

 Để ứng phó, tỉnh Cà Mau đã tiến hành rà soát lại hệ thống cống, đập, tập trung duy tu, sửa chữa nhằm đảm bảo vận hành, điều tiết ngăn mặn giữ ngọt đạt hiệu quả. Đối với các vùng hở, hiện nay tỉnh đang khởi động các hệ thống công trình làm chậm mặn. Riêng các vùng đã được khép kín thì đã được đóng cống ngăn mặn để trữ ngọt; đồng thời tích cực giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý các công trình đảm bảo tiêu thoát, ngăn mặn lấy nước trong điều kiện cho phép làm sao bảo vệ các trà lúa Đông Xuân đã xuống giống và thủy sản của bà con. Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Tổ chức kiểm tra thường xuyên các công trình chống tràn, ngăn mặn để bảo vệ sản xuất kể cả cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đối với ngành thì cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, về Chi cục Thủy lợi thì kiểm tra, quản lý,vận hành các công trình hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo điều tiết được nguồn nước kể cả nước ngọt và nước mặn để phục vụ sản xuất”.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, nắng nóng và xâm nhập mặn hiện nay cũng đã gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của địa phương. Ngành chức năng địa phương này cũng đang triển khai nhiều biện pháp chống hạn, mặn xâm nhập. Mới đây, tỉnh đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống xâm nhập mặn trên địa bàn có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng như Trần Đề, Long Phú, Ngã Năm. Ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, các giải pháp chủ yếu hiện nay vẫn là thích ứng. Theo đó, tỉnh sẽ khuyến cáo trong chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và khoanh từng vùng sản xuất: “Chúng ta thấy rất rõ ràng, những khu vực xa nguồn nước thì rủi ro trong vụ sản xuất này rất là cao, còn khu vực đầu nguồn thì tương đối đảm bảo. Bởi vì  khi khô hạn kéo dài như vậy thì ai cũng bơm sẽ làm khu vực cuối nguồn không đảm bảo nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, từ đó chúng ta phải khuyến cáo bà con, đặc biệt là lịch mở cống chúng ta phải thông báo công khai cho bà con biết để bà con thay phiên lấy nước để đảm bảo”.

Hiện tỉnh Sóc Trăng cũng đang tiến hành xác định vùng bị hạn mặn thời kỳ. Đây là các vùng có nguy cơ nhiễm mặn năm nay tăng và sâu hơn. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương, sẽ có từ 15 nghìn – 20 nghìn ha lúa Đông Xuân chịu ảnh hưởng hạn, mặn xâm nhập trong thời gian tới và có thể sẽ cao hơn số này, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Long Phú và Trần Đề. Theo đó, Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân tránh sản xuất vụ 3 ở những vùng có nguy cơ cao; đồng thời cần xuống giống vụ Đông Xuân sớm hơn các năm, theo dõi lịch mở và đóng cống để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp./. 

Theo VOV.VN

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh ven biển tây ĐBSCL đối phó với hạn mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO