Các tỉnh Nam Trung bộ chủ động chống hạn

13/03/2016 00:00

(TN&MT) - Do tác động của hiện tượng El Nino, từ năm 2015 đến nay tại các tỉnh Nam Trung bộ nắng nóng kéo dài và gay gắt đã làm cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Xác định vào mùa khô năm nay, hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục gây ra hạn hán trên diện rộng tại các tỉnh Nam Trung bộ, do đó ngay từ đầu năm 2016, UBND các tỉnh trong khu vực đã tập trung chuẩn bị các phương án phòng chống hạn.

Đến thời điểm này, Hồ Đồng Cam (tỉnh Phú Yên) vẫn đầy nước, đảm bảo phục vụ cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt
Đến thời điểm này, Hồ Đồng Cam (tỉnh Phú Yên) vẫn đầy nước, đảm bảo phục vụ cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt

Mức độ hạn hán ngày càng nghiêm trọng

Mặc dù đến nay, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện vẫn đủ nước tưới, song theo dự báo của UBND tỉnh này, trong thời gian sắp tới, nạn hạn hán sẽ diễn ra gây gắt và trầm trọng hơn. Điều ngày đồng nghĩa với việc khoảng 23.850ha lúa/24.800ha lúa vụ Hè thu 2016 sẽ bị nắng hạn đe dọa. Cùng với đó, nắng nóng kéo dài và mưa Tiểu mãn ít sẽ làm nguồn nước trên địa bàn bị cạn kiệt, mực nước ngầm bị sụt giảm dẫn đến một số giếng sinh hoạt của nhân dân tỉnh Phú Yên bị khô dần, ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 10.000 đến 12.000 hộ dân trong tỉnh, nhất là ở các địa bàn huyện miền núi.

Theo thống kê của UBND tỉnh Ninh Thuận, hạn hán thời gian qua đã làm cho nhiều diện tích cây trồng của tỉnh bị thiệt hại, một số diện tích phải dừng sản xuất. Do lượng nước của các hồ chứa bị thiếu hụt, đã ảnh hưởng trực tiếp đến vụ Đông xuân 2015-2016. Đến nay, có 5.770 ha đất lúa ở Ninh Thuận phải dừng sản xuất. Dự kiến, nếu hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài đến vụ Hè thu 2016, có 10.000 ha đất lúa ở Ninh Thuận phải dừng sản xuất. Về gia súc, dự kiến đến cuối tháng 3 này, toàn tỉnh sẽ có nhiều khu vực gia súc thiếu thức ăn, nước uống do hạn. Chính hạn hán sẽ làm cho nhân dân tại nhiều huyện trong tỉnh Ninh Thuận không đảm bảo lương thực.

Còn ông Nguyễn Thái Như Trị- Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa) cho biết, hiện mực nước trên các sông trong tỉnh thấp hơn trung bình nhiều năm, một số sông, suối nhỏ tiếp tục xảy ra tình trạng cạn kiệt. Đến nay, tỉnh Khánh Hòa có 1.800 ha đất lúa phải dừng sản xuất, trong đó tập trung chủ yếu ở thị xã Ninh Hòa. Dự kiến, nếu hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài đến vụ Hè thu 2016, tỉnh Khánh Hòa sẽ có 10.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất.

Đồng ruộng đi qua thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) xác xơ không thể sản xuất được do thiếu nước
Đồng ruộng đi qua thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) xác xơ không thể sản xuất được do thiếu nước

Nhiều giải pháp tập trung chống hạn

Theo ông Lê Văn Trúc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, để chống hạn, xâm nhập mặn, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn, chống nhiễm mặn thích hợp, giảm thiệt hại cho sản xuất do hạn hán gây ra; tính toán cân đối lượng nước ở các hồ, đập, sông, suối… để bố trí diện tích sản xuất phù hợp, cắt giảm diện tích sản xuất ở những nơi nguồn nước tưới được dự báo sẽ bị cạn kiệt sớm. Yêu cầu các địa phương thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền tiết kiệm theo phương pháp “ướt, khô xen kẽ”, tưới luân phiên; vận động người dân nạo vét kênh, mương nội đồng, đắp bờ vùng, bờ thửa; chủ động lắp đặt hệ thống trạm bơm, máy bơm để tận dụng các nguồn nước từ sông, suối, ao, hồ… để đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ lịch thủy triều, quan trắc thường xuyên độ mặn, tuyệt đối không được vận hành bơm nước nhiễm mặn vào đồng ruộng.

Song song với các phương án trên, xác định thủy điện có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước cho khu vực hạ du nên UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các nhà máy thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ phải vận hành phát điện hoặc xả nước với lưu lượng 30-40 m3/giây, đưa nước về đầu mối đập Đồng Cam, bổ sung dòng chảy trên sông Ba nhằm bảo đảm nguồn nước cho các trạm bơm điện, hệ thống thủy nông đập Đồng Cam hoạt động, phục vụ cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt vùng hạ du.

Với các giải pháp chống hạn cụ thể trên, đến nay tại Phú Yên lượng nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vẫn được đảm bảo. Trong đó, hơn 26.000 ha diện tích sản xuất các giống cây trồng của tỉnh mặc dù chịu ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài song vẫn đảm bảo nguồn nước để sinh trưởng.

Vì vậy, để giải quyết tình hình khô hạn trong thời gian đến, nhiều phương án chống hạn đã được UBND tỉnh Phú Yên đặt ra. Trong đó, trên cả 2 hệ thống kênh Nam (cung cấp nước cho 10.000ha) và kênh Bắc (cung cấp nước cho 8.000ha) của công trình đập thủy nông Đồng Cam (công trình đập chứa nước lớn nhất tại Phú Yên), quy trình vận hành để bơm nước tại đây được UBND tỉnh và Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam triển khai chặt chẽ và chi tiết.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo chính quyền và ngành chức năng tại các địa bàn có hệ thống thủy nông khác không thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam tiến hành tu bổ, sửa chữa thiết bị, nguồn điện và huy động các trạm bơm tại các ao, hồ, sông, suối… Các địa phương cũng chỉ đạo chuyển đổi các chân ruộng cao xa, cuối kênh có khả năng thiếu nước sang gieo trồng cây trồng cạn; triển khai các mô hình sản xuất tiết kiệm nước để giảm lượng nước tưới, kết hợp với đào thêm giếng bổ sung nước cho các diện tích này để đảm bảo hiệu quả sản xuất và sinh hoạt.

Để đảm bảo nguồn lực và kinh phí cho công tác chống hạn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc cho biết: Tỉnh vừa ký quyết định phê duyệt phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn năm 2016 trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 37 tỉ đồng. Trong đó, vụ Đông xuân 2015-2016 sẽ cần khoảng 14 tỉ đồng để chống hạn cho khoảng 6.000-8.000ha lúa vào cuối vụ. Vụ Hè thu cần khoảng 23 tỉ đồng để chống hạn cho khoảng 10.000ha lúa, từ 8.000-10.000ha cây trồng cạn và cấp nước sinh hoạt cho 10.000-12.000 hộ dân, tập trung ở khu vực miền núi.

Tỉnh Khánh Hòa đã huy động hơn 51 tỷ đồng từ các nguồn để chống hạn. Riêng vụ Đông xuân 2015-2016, tỉnh cấp 8,8 tỷ đồng, và hỗ trợ 300 tấn lúa giống, 10 tấn bắp giống, 1,68 tấn hạt giống rau cho người dân các địa phương. UBND tỉnh cũng vừa quyết định hỗ trợ 100% giống sản xuất vụ sau với mức 160 kg lúa giống/ha và 20 kg ngô giống/ha đối với diện tích nằm trong vùng tưới của công trình thủy lợi nhưng không còn nước để sản xuất phải bỏ vụ; hỗ trợ 20 kg ngô giống/ha, 240 kg lạc vỏ giống/ha, 30 kg các loại đậu giống/ha đối với diện tích lúa nước chuyển sang trồng cây ngắn ngày, sử dụng ít nước. Tỉnh còn hỗ trợ kinh phí đào ao, trữ nước với mức không quá 10 triệu đồng/ao, hoặc không quá 50 nghìn đồng/m3 đất cho chính quyền các địa phương, công ty và tổ chức làm dịch vụ cung cấp nước đáp ứng cho cộng đồng; hỗ trợ chi phí điện, xăng dầu bơm nước chống hạn; hỗ trợ 100% chi phí nạo vét kênh mương, đắp đập tạm... Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 15 kg gạo/người trong vòng 3 tháng đối với các hộ gia đình thiếu đói do phải ngừng sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết, sau vụ Đông xuân 2015-2016, tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa và các hệ thống thủy lợi để tính toán cân đối; thực hiện cấp nước theo thứ tự ưu tiên mục đích sử dụng: Sinh hoạt chăn nuôi gia súc - sản xuất công nghiệp, dịch vụ - tưới cây công nghiệp lâu năm. Đồng thời, triển khai một số biện pháp trọng tâm chống hạn, như tiếp tục khoanh vùng sản xuất; chuyển đổi cây trồng, mùa vụ hợp lý; tăng cường quản lý, phân phối, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tuyên truyền người dân sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất tiết kiệm; xử lý nghiêm những trường hợp tự ý ngăn chặn, đào, xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới.

Năm 2016, theo dự báo của UBND tỉnh Ninh Thuận, tình hình thiếu nước và hạn hán trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của El Nino sẽ tiếp tục diễn biến kéo dài đến khoảng tháng 9 ở mức độ càng khốc liệt hơn năm 2015.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đang tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan và nhân dân trong tỉnh ưu tiên tiết kiệm nước, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp. Trong đó, riêng vụ Đông xuân này, toàn tỉnh chuyển đổi trên 1.000 hecta khu vực có ít nước; tiếp tục nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm trên các loại cây trồng cạn tại một số vùng có điều kiện về nguồn nước, tạo điều kiện chia sẻ nước, tiết kiệm phục vụ mục đích sinh hoạt, nước uống cho gia súc.

Cùng với giải pháp trên, tỉnh Ninh Thuận cũng tập trung hỗ trợ nước sinh hoạt cho vùng thiếu nước sinh hoạt cấp bách theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là không để dân đói, không để dân khát, không để gia súc chết, không để phát sinh dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Về các giải pháp chống hạn trong thời gian tới, theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc chỉ đạo rà soát lại các khu vực trọng điểm hạn hán, thiếu nước uống và sinh hoạt để có phương án hỗ trợ nước cho người dân. Mặc khác, Ninh Thuận là địa phương có đàn gia súc khá lớn và đây chính là nguồn thu nhập chính của người dân nếu không sản xuất nông nghiệp được. Vì thế, đối với khu vực có đàn gia súc lớn, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện và giải pháp để giúp dân di chuyển đàn gia súc đến nơi có nước. Đây cũng kế hoạch được UBND tỉnh Ninh Thuận tính đến trước mắt cũng như lâu dài tại địa phương nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra. Cùng với đó, Ninh Thuận cũng sẽ tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi do Trung ương hỗ trợ xây dựng như hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, các kênh mương nội đồng để đưa nước đến các cánh đồng khô hạn.

Hồ Ông Kinh (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) đã cạn kiệt nguồn nước từ nhiều tháng nay, làm cho khu vực này thiếu nước trầm trọng
Hồ Ông Kinh (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) đã cạn kiệt nguồn nước từ nhiều tháng nay, làm cho khu vực này thiếu nước trầm trọng

 

 

Quân đội chở nước sinh hoạt cho dân vùng hạn ở Ninh Thuận

Từ đầu tháng 3/2016, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận và chính quyền địa phương tổ chức chở nước sạch đến phục vụ nhân dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải). Theo đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận, Nhơn Hải là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng khô hạn sớm nhất trong năm 2016 của tỉnh Ninh Thuận. Mặc dù trên địa bàn xã này có Hồ Ông Kinh là nơi cung cấp nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân nhưng lòng hồ đã trơ đáy từ đầu năm 2016, đã làm cho mực nước ngầm tại xã Nhơn Hải bị sụt giảm theo. Nếu như những năm trước đây, nhân dân khoan giếng chỉ từ 4-5 mét là có nước thì hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn xã đã phải khoan đến 40-50 mét vẫn không có nước.

Trước khó khăn trên của người dân Nhơn Hải, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận và chính quyền địa phương triển khai hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng 3 xe bồn chở nước thực hiện vận chuyển, bảo đảm nguồn nước ngọt hằng ngày cung cấp miễn phí cho các hộ dân tại xã Nhơn Hải và một số vùng hạn hán trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận.

Đặc biệt thôn Tam Lang (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) có 48 hộ với 195 khẩu và thôn Khánh Tân (xã Ninh Hải, huyện Ninh Hải) có 224 hộ với 880 khẩu đang thiếu nước trầm trọng, ngoài việc được các đơn vị quân đội điều xe bồn hằng ngày chở nước sinh hoạt cho người dân, còn được địa phương hỗ trợ 75.000 đồng/khẩu/tháng để tự mua thêm nước sinh hoạt.

Trong 2 ngày 11/3 và 12/3, đoàn công tác của Cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) do Cục trưởng, Đại tá Trương Đức Nghĩa dẫn đầu đã đi khảo sát tại các vùng khô hạn ở Ninh Thuận, nhằm tăng cường công tác cứu hộ, phòng chống thiên tai tại địa phương này.

 

             Anh Dũng                

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh Nam Trung bộ chủ động chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO