Phân khúc số 1 thị trường đóng băng
Theo báo cáo thị trường của các đơn vị phân phối, tính đến giữa tháng 9, lượng giao dịch BĐS trên cả nước nhìn chung đều sụt giảm do tác động của dịch Covid-19.
Trong đó, đất nền vốn là sản phẩm được ưa chuộng có mức giảm sâu nhất kể từ tháng 6. Lượng người quan tâm giảm 30%, lượng tin chào bán giảm 50%. Đồng thời, xuất hiện tình trạng cắt lỗ do các nhà đầu tư mất khả năng thanh toán và chịu áp lực phải trả lãi vay.
Công ty BĐS DKRA cho biết, tính thanh khoản của các sản phẩm đất nền sụt giảm mạnh so với đầu năm 2021. Mặc dù, nhiều chủ đầu tư đã đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn nhằm kích cầu thị trường. Tuy nhiên, do các tỉnh thành áp dụng giãn cách toàn xã hội nên giao dịch mua bán bị ngưng trệ.
“Hàng loạt dự án phải dời thời gian mở bán do diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4. Toàn thị trường không có dự án mới mở bán, thanh khoản bằng không. Đợt dịch lần nàyđã thay đổi thị trường theo hướng hạ nhiệt nhu cầu đất nền và nhà phố khiến thanh khoản lao dốc liên tục nhiều tháng nay” - chuyên gia của DKRA chỉ rõ.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hạnh - Giám đốc sàn giao dịch BĐS Phát Đạt chia sẻ: “Cá nhân tôi đánh giá dịch bệnh đang tạo ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư mua được sản phẩm BĐS giá rẻ. Đặc biệt, đối với những nhà đầu tư có lượng tiền mặt lớn thì đây là thời điểm tốt để săn hàng cắt lỗ. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn kiên trì tìm kiếm khách hàng để tư vấn, giới thiệu. Khi nào kết thúc giãn cách sẽ dẫn khách đi xem xét thực tế”.
|
Các sàn giao dịch tái khởi động
Gần 2 tháng TP. Hà Nội thực hiện giãn cách vì dịch bệnh, các phương thức marketing online là cách duy nhất để môi giới tương tác và duy trì mối quan hệ với khách hàng. Ngay khi được nới lỏng, nhiều sàn BĐS đã lên kế hoạch kinh doanh mới.
Ở góc độ kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn cho rằng, các sàn giao dịch và môi giới BĐS trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang cố duy trì hoạt động bình thường, chỉ khác nhau về sức khỏe tài chính, chiến lược và khả năng của người lãnh đạo. Trong khi chờ sự hỗ trợ từ các kênh, các sàn giao dịch và môi giới BĐS đã bắt đầu triển khai các chương trình khuyến mại và giảm giá trực tiếp, bằng quà tặng hoặc giảm tỷ lệ đặt cọc; mở các trang thương mại điện tử bán, đặt cọc, quảng cáo online; khai phá các dữ liệu để tìm hiểu khách hàng, vận hành tối ưu bộ máy... nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh sắp tới.
Trao đổi với PV báo TN&MT, ông Hoàng Dũng - Giám đốc sàn BĐS 24h (Hà Nội) cho biết, sàn BĐS 24h đang lên kế hoạch cho việc tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau giai đoạn giãn cách. Sau 2 tháng ngừng hoạt động vì dịch bệnh, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do nguồn tiền dữ trữ không còn dồi dào, nhiều nhân viên môi giới đã nghỉ việc. Nhưng dù khó khăn, doanh nghiệp ông vẫn phải cố gắng phục hồi kinh doanh. Trước mắt, ưu tiên số 1 vẫn là hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cho nhân viên. Tuyển chọn thêm nhân viên sales và lập kế hoạch tìm kiếm nguồn hàng để phân phối.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CEN Groupcho hay, tác động tiêu cực của Covid-19 khiến cho tiến độ ứng ứng dụng công nghệ vào việc bán hàng được cộng đồng doanh nghiệp đẩy nhanh hơn bình thường. Đâu là giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Ngay kể cả khi dịch bệnh được khống chế thì doanh nghiệp vẫn duy trì phương thức áp dụng công nghệ 4.0 để bán các sản phẩm BĐS. Hiện tại, Cen Group vẫn đang đầu tư rất nhiều cho mảng này để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Đồng thời, lên kế hoạch chọn lựa thị trường và tìm kiếm nguồn hàng trong lần trở lại này.
Không chỉ các sàn giao dịch, nhiều môi giới chuyên bán sản phẩm BĐS cũng khấp khởi mừng khi giãn cách được nới lỏng. Nếu như trong giai đoạn giãn cách, các môi giới hoạt động cầm chừng thì 1 tuần nay, họ bắt đầu đẩy mạnh việc marketing và tương tác với khách hàng tiềm năng. Ông Lê Dương Minh - nhà môi giới BĐS tại Hà Đông cho biết: “Tôi đã lên lịch hẹn với khách hàng tham quan dự án ngay khi thành phố cho phép được hoạt động trở lại. Tôi hy vọng sau một thời gian kiên trì bám khách, chúng tôi sẽ bán được sản phẩm BĐS”.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến hàng nghìn nhà môi giới BĐS thất nghiệp, kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của nhiều cá nhân, đơn vị môi giới BĐS và các sàn giao dịch. Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong đợt dịch thứ 4, có 30% các sàn phải giải thể. Vì vậy, Hiệp Hội đã có kiến nghị gửi các cấp xem xét các giải pháp trợ lực kịp thời cho các doanh nghiệp BĐS vượt qua khó khăn, giúp các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của thị trường BĐS và phát triển kinh tế cả nước.