Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2016, cả nước đã đầu tư xây dựng được hơn 6.800 hồ chứa nước, trong đó hơn 6.600 hồ chứa thủy lợi (chiếm trên 96%) và 238 hồ chứa thủy điện (chiếm 3,5%).
Đối với hệ thống hồ chứa thủy lợi, rất nhiều công trình đã được xây dựng từ 30 đến 40 năm thậm chí trên 60 năm trước, nhiều công trình đã xuống cấp. Hệ thống hồ chứa thủy điện so với hồ chứa thủy lợi là nhỏ, nhưng về quy mô (gồm dung tích chứa, chiều cao đập) thì lại lớn hơn rất nhiều, với tổng dung tích chứa 56 tỷ m3, chiếm 86% dung tích chứa của tất cả các hồ chứa Việt Nam. Mặc dù các hồ chứa thủy điện đều đã xây dựng quy trình vận hành đơn hồ, hoặc liên hồ trong một lưu vực sông, nhưng đến mùa lũ, do diễn biến thời tiết và tuân thủ vận hành, nhiều nhà máy thủy điện được xem là tác nhân gây thêm tác động ngập lụt cho hạ du.
Khu vực trung du, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng có số lượng hồ chứa lớn nhất. Đây cũng là vùng có dân số đông và nhiều vùng có mật độ dân cư cao, đặc biệt là vùng đồng bằng. Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức một đoàn đi khảo sát ở một số hồ đập ở Thanh Hóa và Hòa Bình. Quá trình khảo sát cho thấy, các đập hồ lớn nói chung về cơ bản đê đập là tốt, nhưng những hồ nhỏ xây dựng từ rất lâu, nên các con đập hiện có nhiều nguy cơ khác nhau.
Báo cáo cũng chỉ ra những rủi ro mất an toàn hồ đập có thể xảy ra như: nước tràn qua đỉnh đập, sạt trượt, lún sụt thân hoặc nền đập, vỡ đập, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho vùng hạ du của các hồ đập. Các chuyên gia cũng đặc biệt quan tâm đó là tác động việc xả lũ của các hồ thủy lợi, thủy điện đối với vùng hạ du.
“Một là lũ đến bất ngờ, cái đó là thiên tai, nhưng thứ 2 là chính chúng ta dự báo không chính xác. Thứ 3 là , nguồn nước nằm ngoài dòng chính. Khi xả lũ, người ta biết đập ở đâu, nhưng bây giờ tất cả đường xả lũ lại bị hơn 3.000 nhánh sông, suối chằng chịt đan nhau. Tiếp đó là mưa lớn xuất hiện trong diện hẹp. Những yếu tố chủ quan thì tôi cho rằng, thiếu hệ thống quan trắc dùng cho các hồ chứa, trình độ quản lý không tính được việc xả nước khi mùa lũ đến và hư hỏng công trình”- Giáo sư Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết.
Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Đánh giá an toàn hồ đập ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam” diễn ra ngày 12/12, các đại biểu cũng khẳng định, việc bảo đảm an toàn hồ đập cũng chính là bảo đảm an toàn cho các khu vực thượng lưu và hạ lưu các hồ chứa là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho con người, hạ tầng kinh tế, xã hội của đất nước.
Từ những thực tế an toàn hồ đập ở Việt Nam nói chung và ở các tỉnh phía Bắc nói riêng, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp xử lý các đập hiện nay đang có nguy cơ vỡ, hoặc có nguy cơ gây biến trong thời gian tới cả về giải pháp kỹ thuật sửa chữa, thi công đập hồ chữa và quản lý vận hành.
“Chúng ta phải đánh giá tất cả các hồ đập ở Việt Nam nói chung và ở phía Bắc nói riêng ngay trước mùa mưa bão, mà cái đánh giá này phải đánh giá một cách toàn diện, trên cơ sở đấy chúng ta cuốn chiếu lần lượt để sửa chữa, nâng cấp. Tăng cường công tác quản lý vận hành các hồ chứa, phải rất thường trực, phải có một lực lượng khoa học kỹ thuật có trình độ để người ta biết rằng trong trường hợp nào thì có thể xảy ra sự cố để mà cảnh báo. Thứ ba là vấn đề cảnh báo sớm để khi mà giả dụ có sự cố như thế thì chúng ta lường trước được để mà di tán dân”- Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam cho biết./.