Các đô thị vùng ĐBSCL chịu nhiều áp lực trong xử lý nước thải

19/02/2016 00:00

  (TN&MT) - Trước xu hướng đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải vệ sinh môi trường càng trở nên quan trọng khi các...

 

(TN&MT) - Trước xu hướng đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải vệ sinh môi trường càng trở nên quan trọng khi các đô thị đang hàng ngày phải đối mặt với tình trạng quá tải về hạ tầng, môi trường bị ô nhiễm, ngập lụt… Cùng với đó, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã và đang trở thành những thách thức rất lớn đối với việc quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường trong lành cho các đô thị.

Tại Hội thảo “Hỗ trợ các cơ quan quản lý trung ương và địa phương thực hiện cải tạo môi trường đô thị” do Ngân hàng Châu Á ( ADB) hỗ trợ diễn ra tại Cần Thơ vào cuối năm 2015, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, trong 10 năm trở lại đây, hệ thống thoát nước tại các đô thị Việt Nam đã có những đầu tư lớn nhằm cải tạo, mở rộng hệ thống thoát nước, giảm ngập úng cục bộ, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, đến nay trong cả nước chỉ có khoảng 48/778 đô thị, chiếm khoảng 6% đã được đầu tư xây dựng  mới hệ thống thoát nước, trong đó mới chỉ có 30 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các đô thị đi vào vận hành với tổng công xuất khoảng 800.000m3/ngày đêm (xử lý được khoảng 10% tổng lượng nước thải phát sinh), 40 nhà máy đang trong quá trình thiết kế hoặc đầu tư xây dựng với tổng công xuất thiết kế khoảng 1,6 triệu m3/ngày đêm, hầu hết các đô thị còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều đô thị loại 5 gần như chưa có hệ thống thoát nước, nước thải sinh hoạt thường được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại, sau đó thoát theo các tuyến cống và xả trực tiếp ra môi trường.

Vì không có hệ thống thu gom, xử lý, nên toàn bộ lượng nước thải của phường An Thới, Quận Bình Thủy được đổ ra rạch Phụng, rạch Sao, vì thế nguồn nước mặt luôn có màu đen khịt, bốc mùi hôi thối
Vì không có hệ thống thu gom, xử lý, nên toàn bộ lượng nước thải của phường An Thới, Quận Bình Thủy được đổ ra rạch Phụng, rạch Sao, vì thế nguồn nước mặt luôn có màu đen khịt, bốc mùi hôi thối

Tại khu vực ĐBSCL, hiện tại chỉ có một vài đô thị là đã xây dựng được hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, còn phần lớn nước thải phát sinh ở các đô thị chỉ được xử lý sơ xài trước khi chảy ra các kênh rạch, từ đó đã và đang góp phần làm cho nguồn nước mặt ở các tuyến sông, rạch ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ cho biết, mặc dù là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, nhưng đến nay ở khu vực đô thị trung tâm của Cần Thơ mới có một vài tuyến đường được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải, phần lớn còn lại chưa được đầu tư, nên nước thải đô thị được xả trực tiếp ra kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều khu vực. Đơn cử tại khu vực cầu Ván thuộc phường An Thới, Quận Bình Thủy, do không có hệ thống thu gom, xử lý nên đã hơn 10 năm nay nguồn nước thải sinh hoạt, các điểm chợ, những hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ… đều xả trực tiếp ra rạch Phụng, rạch Sao… rồi len lỏi chảy ra sông Bình Thủy, khiến cho nguồn nước mặt ở bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Tương tự, cũng vì không có hệ thống thoát nước đồng bộ và biện pháp xử lý nước thải đô thị, nên nguồn nước mặt tại tuyến rạch Từ Hổ, phường An Khánh, quận Ninh Kiều hầu như quanh năm lúc nào cũng có màu đen khịt, phát sinh mùi hôi thối…

TP. Vị Thanh là trung tâm tỉnh Hậu Giang với đặc thù nằm cặp tuyến kênh Xáng Xà No- nơi cung cấp nguồn nước ngọt chính trong sinh hoạt, sản xuất cho phần lớn người dân tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, đã nhiều năm nay hệ thống hạ tầng xuống cấp, chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, “vì vậy nguồn nước thải của đô thị Vị Thanh được thải trực tiếp ra các kênh rạch gây ô nhiễm nguồn nước”- Phó Chủ tịch UBND TP. Vị Thanh Nguyễn Huy Cường cho biết.

Trong thời gian sắp tới, đô thị Vị Thanh sẽ được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ sẽ góp phần bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt trên các kênh, rạch
Trong thời gian sắp tới, đô thị Vị Thanh sẽ được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ sẽ góp phần bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt trên các kênh, rạch

Vừa qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND một số tỉnh khu vực ĐBSCL tiến hành rà soát lĩnh vực thoát nước và quản lý nước thải ở TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), TP. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) và TP. Sa Đéc ( tỉnh Đồng Tháp). Theo đó, trong thời gian sắp tới,  ADB sẽ xem xét đầu tư khoảng 97 triệu USD để đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, cải tạo môi trường, phát triển đô thị Vị Thanh, Vĩnh Long, Sa Đéc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Nguyễn Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Vị Thanh cho biết, trong thời gian sắp tới từ nguồn vốn của Ngân hàng ADB, xã Vị Tân, phường 4 và phường 7, TP. Vị Thanh sẽ được đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, khắc phục tình trạng nước thải đô thị không được xử lý chảy ra các kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường; đối với các phường 1, phường 3 và phường 5, TP. Vị Thanh trong năm 2016 cũng sẽ triển khai xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải bằng nguồn vốn của chính phủ Đan Mạch.

Còn tại TP. Cần Thơ, theo ông Nguyễn Minh Thế thì, hiện nay thành phố cũng đang tiếp cận với các nguồn vốn để sớm đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, đồng thời hoàn thiện hệ thống thoát nước thải, đặc biệt là đô thị trung tâm của thành phố.

Bài & ảnh: Lê Hùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các đô thị vùng ĐBSCL chịu nhiều áp lực trong xử lý nước thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO