Các chỉ tiêu về môi trường: Không tăng tốc - khó hoàn thành

09/02/2017 00:00

(TN&MT) - Với mục tiêu chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua các chỉ tiêu về môi trường. Tuy vậy, các chỉ tiêu này đang được dự đoán là khó cán đích nếu các cấp ngành không có những động thái quyết liệt ngay từ bây giờ.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ảnh: Hoàng Minh
Hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ảnh: Hoàng Minh

Nhiều chỉ tiêu khó đạt

Trong Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Quốc hội khóa XIII đã thống nhất thông qua các chỉ tiêu về môi trường: Đến năm 2020 tỷ lệ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải đạt 100%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 95%; tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt 70%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 95%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý, tiêu hủy, chôn lấp an toàn sau xử lý, tiêu hủy đạt 85%...

Tuy vậy, theo các chuyên gia, nếu nhìn vào thực tại cũng như nhìn lại chặng đường đã qua (giai đoạn 2011 - 2015) thì việc xử lý chất thải rắn (CTR), chất thải thông thường, chất thải nguy hại (CTNH) và chất thải y tế khó đạt mục tiêu đề ra. Đến nay, chưa có số liệu báo cáo tổng hợp về tỷ lệ xử lý CTR, mới chỉ có số liệu về tỷ lệ thu gom CTR thông thường, CTR y tế và ước thực hiện tỷ lệ xử lý CTNH. Tính đến năm 2014, tỷ lệ thu gom CTR thông thường là khoảng 84% với tốc độ tăng trung bình hàng năm khoảng 0,5%. Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ xử lý CTR thông thường cũng không đạt được 100% lượng CTR được thu gom. Tỷ lệ xử lý CTNH ước đạt khoảng 40% tổng lượng CTNH phát sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải y tế cũng còn khá thấp. Hiện mới chỉ có 50% các bệnh viện thực hiện phân loại, thu gom chất thải y tế đạt yêu cầu theo Quy chế quản lý chất thải y tế.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường như chỉ tiêu về tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch/ hợp vệ sinh có sự tăng trưởng khá chậm. Đến năm 2014, tỷ lệ này mới đạt 84,5% đối với chỉ tiêu tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó chỉ có khoảng 42% người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02-BYT); và cũng mới chỉ có 80% dân số đô thị được sử dụng nước sạch. Theo tính toán, tốc độ tăng của chỉ tiêu này mỗi năm đối với khu vực nông thôn và thành thị đạt trung bình 1% hàng năm. Như vậy, mục tiêu đặt ra đến năm 2020, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%; tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch đạt 95% rất khó thành hiện thực.

Một trong những chỉ tiêu khó hoàn thành nhất là tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung: Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2014 đã đặt mục tiêu 80% KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng trong năm 2014, tỷ lệ này mới chỉ đạt khoảng 60% và năm 2015, ước đạt khoảng 74,9%. Chưa kể đến, ngay cả những KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thì hiệu quả xử lý cũng không cao, đặc biệt là đối với những KCN có thời gian hoạt động lâu năm do hệ thống xử lý nước thải của các khu này đã ít nhiều xuống cấp. Nhiều KCN khác tuy xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng thực chất lại không hoạt động hoặc hoạt động chỉ mang tính đối phó khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Bộ TN&MT đang dốc sức

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện các chỉ tiêu này sẽ khó cán đích nếu chúng ta không xử lý dứt điểm những tồn tại trong cơ chế chính sách. Hiện chúng ta vẫn chưa xác định rõ trách nhiệm thực hiện các chỉ tiêu môi trường đối với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan; chưa có đủ chế tài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên chưa đồng bộ và chưa hoàn thiện.

Đặc biệt, phải đầu tư cho phát triển công nghệ xử lý môi trường (hầu hết các nguồn vốn đầu tư hiện nay chỉ mang tính chất hỗ trợ cho các đơn vị công hoặc có cổ phần Nhà nước).

Vì vậy, trong chương trình hành động giai đoạn 2016 – 2020 đối với lĩnh vực môi trường, Bộ TN&MT đã xác định tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung, bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, diễn biến nhanh và mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật BVMT trong Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh. Phát triển ngành kinh tế môi trường để hỗ trợ các ngành kinh tế khác giải quyết các vấn đề môi trường.

Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát quy hoạch, xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại đáp ứng nhu cầu theo quy mô phát sinh các loại chất thải này tại các địa phương, các khu vực kinh tế trọng điểm, nơi có các dự án lớn. Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý, thải bỏ, chôn lấp các loại chất thải, nhất là chất thải nguy hại; tăng cường tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải theo quy định Luật BVMT năm 2014. Đầu tư và có các chính sách thu hút đầu tư của khối tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải, cung cấp các dịch vụ BVMT; phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ BVMT…; đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.

Tuy vậy, để đạt được các chỉ tiêu về môi trường, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của Bộ TN&MT vẫn cần sự chung tay góp sức của các Bộ, ngành, địa phương

Mai Chi

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các chỉ tiêu về môi trường: Không tăng tốc - khó hoàn thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO