Cà Mau: Trên 5.000 hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao

22/03/2017 00:00

(TN&MT) -  Theo Chi cục Thủy lợi Cà Mau, đến cuối tháng 3/2017 trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 5.000m đê biển Tây bị sạt lở. Các đai rừng phòng hộ tính từ chân đê hướng ra biển chỉ còn từ 10 – 20m, thậm chí nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ. Một số đoạn đê đang tiếp tục bị khoét sâu và nguy cơ sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào.

Nhiều tuyến đê và rừng phòng hộ đã mất do sạt lở.
Nhiều tuyến đê và rừng phòng hộ đã mất do sạt lở.

Tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 57km đê biển Tây bị sạt lở, trong đó có gần 10 km sạt lở rất nghiêm trọng, các địa điểm bị sạt lở từ 20 đến 25m/năm; riêng bờ biển Đông có khoảng 27km sạt lở nghiêm trọng, bình quân mỗi năm bị sạt lở từ 45 đến 50m. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở là do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong khi đê biển Tây ngày càng xuống cấp, đai rừng phòng hộ liên tục bị nhấn chìm dẫn đến sạt lở nhanh và ngày càng nguy hiểm. Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư các kè chắn sóng, địa phương còn phải khẩn trương đầu tư nâng cấp các đê biển.

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã tác động nhanh và mạnh đến Cà Mau. Ước tính mỗi năm bờ biển Cà Mau bị sạt lở khoảng 450 ha, đe doạ trực tiếp đến đời sống của trên 5.000 hộ dân đang sống trong vùng được cảnh báo có nguy cơ bị sạt lở, sụt lún cao. Để ứng phó trước tình trạng này, UBND tỉnh đang kiến nghị Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí để địa phương khẩn trương bố trí nơi tái định cư cho dân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng chống sạt lở khẩn cấp.  Tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư khắc phục, nhưng do suất đầu tư xây dựng kè sạt lở rất cao, nên việc đầu tư còn hạn chế.

Nhiều khu vực dân cư đã bị sạt lở nghiêm trọng
Nhiều khu vực dân cư đã bị sạt lở nghiêm trọng

Năm 2016, Cà Mau phải gánh chịu hậu quả nặng nề do tác động của thiên tai, với tổng mức thiệt hại 1.427 tỷ đồng, trong đó hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại 1.412 tỷ đồng. Trong đó, nắng hạn kéo dài đã gây xâm nhập mặn, làm thiệt hại 53.000 ha lúa, 158.000 ha đất nuôi trồng thủy sản; sạt lở, sụp, lún đất gây hư hỏng 112 km đường giao thông, sạt lở đất ven sông 4.746 m; hơn 12.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt… 

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam, đến năm 2050 có khoảng 76% và đến năm 2100 có khoảng 95% diện tích tỉnh Cà Mau có nguy cơ bị ngập nếu như không có các giải pháp, biện pháp hữu hiệu để hạn chế, thích ứng.     

Hiện nay,để chống sạt lở do biến đổi khí hậu ,UBND tỉnh Cà Mau đã đề xuất Dự án “Xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển phòng, chống sạt lở do biến đổi khí hậu” đây là Dự án cấp bách, cấp thiết nhất để ưu tiên đầu tư cần ưu tiên đầu tư.Theo dự án, trong giai đoạn 2016 - 2020, Cà Mau sẽ xây dựng tuyến kè phòng hộ ven biển huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, tổng chiều dài 25 km, cao trình đỉnh kè từ 1,2 m đến 1,6 m. Tiếp đó, tỉnh dự kiến sẽ tiến hành phục hồi và quản lý rừng ngập mặn, trồng mới 250 ha rừng phòng hộ phía sau tuyến kè và 250 ha rừng tái sinh tự nhiên. Tổng mức đầu tư Dự án là hơn 657 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu.

Mặc dù trong những năm qua, được sự hỗ trợ của TW cà các tổ chức và từ ngân sách địa phương tỉnh Cà Mau cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư khắc phục, nhưng do suất đầu tư xây dựng kè sạt lở rất cao, nên việc đầu tư còn hạn chế.Nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Lê Văn Sử để giúp Cà Mau trong việc hỗ trợ với ứng phó biến đổi khí hậu bên cạnh việc xây dựng đê biển để ngăn sạt lở, triều cường thì Cà Mau cũng cần được quan tâm nghiên cứu, phát triển nguồn điện gió tại bờ biển bị sạt lở của tỉnh; phối hợp đào tạo nâng cao nguồn nhân lực trình độ cao cho Cà Mau, nhằm giúp tỉnh ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả, lâu dài trong thời gian tới.

Bài & ảnh: Giang Sơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Trên 5.000 hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO