"Cá đưa ông Táo về trời..."

20/01/2017 00:00

(TN&MT) - Thả cá thế nào để vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa với mục đích tái tạo nguồn lợi và vừa bảo vệ môi trường là điều mà không phải ai cũng có ý thức đầy đủ.

Theo tập tục, cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời. Một trong những tục không thể thiếu trong lễ cúng ông Công ông Táo là thả cá chép. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, sau mỗi dịp 23 tháng Chạp, trên nhiều mặt hồ lại nổi lềnh phềnh những túi nilon, thậm chí cá chết nổi trong túi do người dân quẳng cả túi cá xuống hồ mà không thả đúng cách.

Thả cá
Thả cá là một trong những tục không thể thiếu trong lễ cúng ông Công ông Táo. Ảnh Kenh14/Phapluatplus

Bỏ qua vấn đề về tín ngưỡng, tâm linh của người dân từ bao đời nay. Theo như góc nhìn của phật giáo, việc thả cá ý nghĩa ban đầu của nó là phóng sinh, mang điều lợi lạc may mắn. Người dân thông qua ngày ông Công ông Táo, mượn việc thả cá để tạo phúc theo đúng tinh thần làm phúc để đức cho con, cho cháu.

Theo những nhà chuyên môn, xã hội học, mục đích tối thượng nhất của tục thả cá là để bảo vệ nguồn sống, góp phần tái tạo nguồn lợi ngoài tự nhiên, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Điều này càng thực tế khi cá chép là loài dễ sống, dễ sinh sản và sinh trưởng trong nhiều thủy vực nước ngọt khác nhau.

Tục xưa, quy trình thả cá có rất nhiều công đoạn, từ việc lựa chọn vật để chứa cá mang đi thả, đến việc lựa chọn nơi thả xem nơi đó có thích hợp để cá chép sinh tồn hay không? Chất lượng nước thế nào? Có ô nhiễm không, nước nông hay sâu?

Ngày nay, ở những nơi sông, hồ có thể thả cá được liên tục có những tấm biển báo: “Thả cá – đừng thả túi nilon”?

Những tấm biển báo như này đáng buồn hơn là vui
Những tấm biển báo như này đáng buồn hơn là vui. Ảnh Kenh14/Phapluatplus

Trong thời buổi thị trường, con người tuy vẫn giữ được nét tín ngưỡng thả cá chép tiễn ông Táo về trời nhưng lại bị nhịp sống hối hả thời hiện đại bỏ qua hết những nét văn hóa đáng quý đi theo phong tục lâu đời kia.

Túi nilon - Đó là phương tiện hữu dụng nhất của những người dân mang theo khi thả cá, tuy nhiên, điều đáng đau lòng là thay vì thả cá nhẹ nhàng, tránh va chạm để cá chết thì có một bộ phận không nhỏ người dân cứ thản nhiên "hất cá" xuống những vùng nước chỗ thì đen kịt, chỗ thì nổi lềnh phềnh những túi nilon mà những người đi trước thả cá xong tiện tay ném luôn xuống dòng nước. Thậm chí, có những người thả luôn cả túi nilon bên trong vẫn còn mấy chú cá vàng đang quẫy đuôi nhưng không làm sao thoát ra được và rồi chết đúng trong túi nilon đó?

Những hình ảnh thả cá rất phản cảm được chia sẻ trên truyền thông và mạng xã hội. Ảnh Kenh14/Phapluatplus
Những hình ảnh thả cá rất phản cảm được chia sẻ trên truyền thông và mạng xã hội. Ảnh Kenh14/Phapluatplus

Những vùng nước trong khoảng thời gian này, ngập ngụa rác thải, túi nilnon thậm chí vương vãi rất nhiều tro-hương của nhiều nhà hóa vàng khi đi thả cá cũng cầm theo một túi nilon đựng tro-hương để "hóa" cùng.

Thả cá theo quan niệm sẽ là "phóng sinh". Tuy nhiên, chả ai khẳng định được chú cá ấy khi thả xong có sinh-sống được không? Cá thả xuống, con nào khỏe mạnh bơi theo dòng nước thì sẽ lại vướng vào những chiếc lưới, vợt đang giăng sẵn ở cuôi dùng. Những con cá may mắn thoát được lưới thì mấy hôm sau cũng phải phơi bụng mà chết bởi không sống nổi trong môi trường nước ô nhiễm như vậy. Thử hỏi, như vậy có còn là "phóng sinh"?

Những tay vợt sẵn sàng vợt hết cá mà người dân vừa thả xong. Ảnh Kenh14/Phapluatplus
Những tay vợt sẵn sàng vợt hết cá mà người dân vừa thả xong. Ảnh Kenh14/Phapluatplus

Thả cá thế nào để vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa với mục đích tái tạo nguồn lợi và vừa bảo vệ môi trường là điều mà không phải ai cũng có ý thức đầy đủ. Rất nhiều năm qua, việc thả cá chép còn kéo theo những hệ lụy gây bức xúc cho xã hội. Không phải thả cá mà là đổ, ném, quăng cá và cả những túi nilon và dụng cụ chứa cá xuống sông, hồ và năm nào cũng có những tấm biển "Thả cá - đừng thả túi nilon". Đừng để về sau lại có câu vè: "Cá đưa ông táo về trời./Nilon ở lại chịu lời đắng cay."

Hiện nay, nguồn nước ở ao, hồ, rạch nước ở Việt Nam hầu như chỗ nào cũng ô nhiễm, môi trường sống của ta đã đến ngưỡng không chịu đựng thêm được nữa. Thế nên ý nghĩa của tục thả cá là chúng ta phải biết làm việc gì đó, dù nhỏ bé để trả lại môi trường sống trong lành. Chính vì vậy, mỗi người trong chúng ta hãy thật sự có ý thức khi thực hiện những phong tục cổ truyền để những phong tục này thực sự đẹp, ý nghĩa và mãi lưu truyền.

Khương Trung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cá đưa ông Táo về trời..."
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO