BVMT trong các cơ sở nghiên cứu hóa sinh: Vẫn xem nhẹ!

18/04/2017 00:00

(TN&MT) - Qua điều tra, khảo sát và đánh giá hiện trạng tại 60 cơ sở nghiên cứu hóa học và sinh học tại 3 miền Bắc, Trung, Nam (tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), các phòng thí nghiệm được lựa chọn đại diện cho các mức độ hoạt động và cấp quản lý… cho thấy, các đơn vị này chưa thật sự quan tâm tới yếu tố môi trường. Mặt khác, các quy định bảo vệ môi trường tại đây còn thiếu chặt chẽ, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Hầu hết không có biện pháp xử lý ô nhiễm

Tại các phòng thí nghiệm có quy mô lớn như phòng thí nghiệm trọng điểm, Viện Khoa học Hàn lâm Việt Nam (trực thuộc Chính phủ); phòng thí nghiệm có quy mô vừa (phòng thí nghiệm trực thuộc Bộ ngành, trực thuộc các trường đại học), phòng thí nghiệm có quy mô nhỏ (phòng phân tích, xét nghiệm trực thuộc các nhà máy, trung tâm tư nhân…), các phòng thí nghiệm được cấp chứng nhận VILAS/ISO với các phòng thí nghiệm không tham gia hệ thống, các cơ quan kiểm tra phát hiện vấn đề bảo vệ môi trường chưa được đầu tư và quan tâm thích đáng tại hầu hết các cơ sở nghiên cứu trên cả nước.

Vấn đề bảo vệ môi trường chưa được đầu tư và quan tâm thích đáng tại hầu hết tại các cơ sở nghiên cứu trên cả nước
Vấn đề bảo vệ môi trường chưa được đầu tư và quan tâm thích đáng tại hầu hết tại các cơ sở nghiên cứu trên cả nước

Cụ thể là hầu hết các phòng thí nghiệm (PTN) không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, tất cả nước thải hầu như được xả thải vào cống chung. Hệ thống xử lý khí thải có được đầu tư, nhưng không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, nhất là hệ thống lọc hút khí. Rất ít PTN tiến hành thu gom và phân loại các loại chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn nguy hại để có biện pháp xử lý riêng biệt. Các loại hóa chất hết hạn, các mẫu vật không được phân loại, tất cả đều được thu gom chung với chất thải rắn thông thường.

Theo các chuyên gia, sở dĩ vấn đề bảo vệ môi trường không nhận được sự quan tâm của các PTN là do các quy định chưa có và chưa chặt chẽ, không có tính răn đe. Các kết quả khảo sát cho thấy có quá ít các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của PTN, các văn bản có liên quan nằm rải rác trong nhiều văn bản, dẫn đến tham chiếu và áp dụng khó khăn. Các quy định hiện nay của Việt Nam về vấn đề bảo vệ môi trường được xây dựng và thực thi khá tốt.

Tuy vậy, hầu hết các quy định đó chỉ tập trung vào các đối tượng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, bệnh viện chứ chưa đề cập đến hoạt động của các cơ sở nghiên cứu. Lượng thải ra từ các PTN là một yếu tố quan trọng bởi các kết quả cho thấy lượng thải của các PTN thường rất nhỏ, nhưng tính độc hại lại rất cao nên cần phải có quy định để nghiêm cấm xả thải những chất độc hại này ra ngoài môi trường.

Kết quả phân tích nước thải của các PTN cho thấy, có một số PTN có nước thải bị ô nhiễm. Nhưng cũng có thể thấy rằng sự ô nhiễm là không thường xuyên, nước thải có đặc tính biến đổi bất thường, do tính chất công việc của các phòng thí nghiệm. Nhiều thành phần ô nhiễm chủ yếu giống với nước thải sinh hoạt, do bị trộn lẫn với loại nước thải này. Không có thành phần nguy hại trong nước thải của các PTN. Tuy vậy, để có thể ngăn chặn nguy cơ trong tương lai, cần phải có những biện pháp quản lý loại chất thải này.

Các chuyên gia cũng đề xuất, để quản lý và giảm thiểu chất thải tốt nhất là quản lý tại nguồn, tức là yêu cầu các PTN phải có phân loại và thu gom ngay khi xả thải. Việc quản lý chất thải PTN đã được đề xuất và ban hành trong Quy chế quản lý chất thải PTN.

Chúng ta vẫn xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường tại các cơ sở nghiên cứu hóa sinh
Chúng ta vẫn xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường tại các cơ sở nghiên cứu hóa sinh

Cần siết chặt quản lý

Cho đến nay, chưa có một tài liệu, một nghiên cứu nào có thể đánh giá được số lượng các PTN đang hoạt động trên địa bàn cả nước, kể cả PTN Nhà nước và PTN tư nhân. Chính vì vậy, cần phải có sự thống kê đầy đủ về hệ thống PTN tại Việt Nam, từ đó biết được lượng thải của các PTN để có các biện pháp phù hợp quản lý công tác bảo vệ môi trường của các PTN.

Mặt khác, mặc dù trên thế giới đã có một số nghiên cứu khảo sát nhằm xây dựng đánh giá chung về lượng thải, thành phần thải của các PTN, tuy vậy, các PTN mỗi nước có một hoạt động khác nhau, theo lĩnh vực khác nhau và theo các quy định luật pháp riêng. Ở Việt Nam, cũng cần phải xây dựng các nghiên cứu nhằm đánh giá và kiểm toán được lượng thải của các PTN trên địa bàn cả nước. Vì việc sử dụng các chất nguy hại trong thí nghiệm với hàm lượng nhỏ sẽ dễ dàng bị thất thoát gây ô nhiễm môi trường, nếu không kiểm soát tốt.

 Trong nghiên cứu này mới đề xuất được các biện pháp để quản lý PTN tốt hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường. Tuy vậy, cần phải xây dựng các mô hình hợp lý và thử nghiệm các mô hình quản lý đó mới có thể đánh giá được việc áp dụng các biện pháp quản lý bảo vệ môi trường tới các PTN như thế nào. Cần phải có những nghiên cứu kỹ hơn về việc áp dụng các công cụ luật pháp đối với các cơ sở nghiên cứu.

 Để kết quả nghiên cứu được áp dụng có hiệu quả đối với các cơ sở nghiên cứu trong việc thực hiện bảo vệ môi trường và cũng là cơ sở khoa học cho các cơ quan quản lý nhà nước,  cần siết chặt quản lý và phổ biến sổ tay hướng dẫn kỹ thuật quản lý và bảo vệ môi trường tại các cơ sở nghiên cứu hóa học, sinh học.

Minh Thư

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BVMT trong các cơ sở nghiên cứu hóa sinh: Vẫn xem nhẹ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO