Những sai phạm trong quản lý đất đai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân bị có đất bị thu hồi, hiệu quả dự án, chính sách thu hút đầu tư, gây thất thu ngân sách Nhà nước, dẫn tới khiếu nại khiếu kiện kéo dài. Vì vậy, dư luận mong muốn chính quyền các cấp thực hiện nghiêm minh quy định của pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm để tạo sự đồng thuận chính sách vì sự phát triển chung của xã hội.
Tăng cường quản lý đất đai
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
Một trong những nội dung chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ là xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định; buông lỏng quản lý để xảy ra lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép hoặc chậm đưa vào sử dụng mà không xử lý kịp thời...
Các trường hợp phải đấu giá đất, nhất là những khu "đất vàng" sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách, phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Trường hợp có dấu hiệu sai phạm như sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn đất trái phép hoặc quản lý không chặt để bị lấn, bị chiếm đất thì kịp thời, kiên quyết xử lý theo quy định nhằm quản lý chặt chẽ hiệu quả quỹ đất quốc phòng.
Tại phiên họp giải trình về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tổ chức đầu tháng 10/2018 vừa qua, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Thanh tra thành phố phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác quản lý đất đai, tập trung vào vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất; kiên quyết thu hồi đất đã được giao, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định việc khai thác đất đai công phải tuân theo thị trường, tổ chức bán đấu giá, giao đất làm dự án cho chủ đầu tư có năng lực và phù hợp với quy hoạch.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Lý giải về công tác quản lý đất đai trên địa bàn, ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các dự án triển khai ở thành phố đều là dự án lớn, xuất phát từ ý tưởng đổi mới, sáng tạo, không ngại khó của lãnh đạo thành phố vì sự phát triển chung, tạo dựng cuộc sống tốt hơn cho người dân. Nếu không có ý tưởng đó, không có quyết tâm chính trị lớn thì thành phố khó có thể khắc phục các tồn tại để phát triển.
Dĩ nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án luôn có tác động đến người dân ở những khu vực bị quy hoạch. Dự án càng lớn thì mức độ tác động càng nhiều, thời gian thực hiện lâu, thậm chí có dự án để khởi động được cũng phải mất 5 năm sau khi có quyết định chủ trương, nghiên cứu, thiết kế, quy hoạch…
Trong khi pháp luật lại thay đổi nhiều. Đơn cử, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã trải qua 4 nhiệm kỳ lãnh đạo, 3 Luật Đất đai (1993, 2003, 2013) và chắc chắn sẽ có thay đổi tiếp, chưa kể thay đổi nhiều luật liên quan như đầu tư công, kinh doanh bất động sản, luật doanh nghiệp... Trong quá trình này, đại bộ phận người dân ủng hộ, còn một bộ phận ít người dân khiếu nại vì chính sách vận dụng đều có lợi cho người dân.
“Việc quản lý vẫn còn lỏng lẻo, quá trình thực hiện đất đai, triển khai dự án bị xâm lấn, méo mó, không còn đúng khung ban đầu, nhất là việc quản lý quỹ đất trong quy hoạch, dẫn tới sai phạm, khiếu kiện. Lỗi của thành phố là chậm giải quyết khiếu nại nên mức độ và tính chất càng lúc càng tăng. Vì thế trong năm 2018, thành phố cố gắng giải quyết 12 vụ khiếu nại kéo dài, phức tạp để sắp tới thành phố có thể bước tới, bước lên một cách vững chắc,” ông Võ Văn Hoan chia sẻ.
Giải quyết một số vụ việc cụ thể, ông Võ Văn Hoan thông tin, tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn-Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Sagri), Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra sai phạm trong việc cho thuê đất, hợp tác đầu tư nhưng chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, đầu tư kinh doanh ngoài ngành, không thuộc chức năng nhiệm vụ và sai phạm về điều hành hoạt động nội bộ.
Thành phố đã kiểm điểm ông Lê Tấn Hùng - Tổng Giám đốc Sagri theo hình thức khiển trách. Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân thành phố thấy rằng mức xử lý này chưa đúng, chưa chính xác nên đã chỉ đạo Sở Nội vụ thành lập Hội đồng kỷ luật mới để xem xét lại nội dung kết luận trước đây theo hướng tăng nặng.
Đối với Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn-Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Samco), Thanh tra thành phố đã chỉ rõ sai phạm trong việc cho thuê mặt bằng. Sai phạm này cũng diễn ra ở nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp khi “tranh thủ” tại những vị trí đất trong đô thị để cho thuê. Sai phạm thứ 2 là Samco vay tiền công ty con. Mặc dù chưa để lại hậu quả nhưng Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề cho thuê mặt bằng, tổ chức hoạt động lại đúng chức năng các đơn vị và tạm ngưng vay tiền các đơn vị thành viên.
Còn với sai phạm tại dự án 8-12 Lê Duẩn, thành phố đang triển khai kế hoạch tổng thể để xử lý theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố có kế hoạch thu hồi dự án để tổ chức đấu giá, đấu thầu. Sở Nội vụ cũng đã tham mưu kế hoạch tổ chức kiểm điểm các cá nhân có liên quan, kể cả ở nhiệm kỳ trước.
Phải đấu giá công khai
Trước những diễn biến phức tạp trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn, vào đầu tháng 10/2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, chuyển nhượng và đấu giá, đấu thầu dự án bất động sản, từ đó, đề xuất xây dựng chuyên đề về giải pháp kiểm soát việc chuyển nhượng dự án nhằm mục đích trục lợi.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích do có lợi ích quá lớn nên có sự câu kết giữa tư nhân và người có thẩm quyền nhằm hợp thức hóa cho việc biến tài sản công thành tài sản tư hay có sự ưu ái từng vấn đề về định giá, bán đấu giá nhưng hạn chế đối tượng. Đây là những vụ việc được che đậy bởi “chiếc áo đúng quy trình” nhưng ở một số điểm, một số giai đoạn lại cố ý thực hiện sai, thường gắn với cán bộ công chức có thẩm quyền, cá nhân có thế lực chi phối hoạt động của cơ quan Nhà nước.
“Sau khi có một số văn bản chấp thuận chủ trương thì những cá nhân này thường bán hết cổ phần, rút tên khỏi công ty, dự án hoặc chuyển nhượng dự án, hợp tác để giao dự án cho bên khác thực hiện, nhằm hiện thực hoá khoản tiền trục lợi có được,” luật sư Trần Đức Phượng cho hay.
Trong các loại tài sản công bị thất thoát, tập trung chủ yếu vẫn là đất đai. Đây là loại tài sản có giá trị lớn trong khi việc quản lý còn lỏng lẻo, văn bản pháp luật chưa chặt chẽ, chính sách chưa phù hợp. Những sai phạm trong quản lý đất đai vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu cố ý làm trái quy định pháp luật, thậm chí phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự khi được đưa sang Cơ quan điều tra.
Điển hình là việc triển khai dự án theo hợp đồng BT (đầu tư-chuyển giao) được thanh toán bằng quỹ đất, các dự án chỉnh trang đô thị có một phần đất, công trình công cộng và đất thương mại nhà ở mà chủ đầu tư sẽ được thanh toán giao một phần đất trong dự án đó để sử dụng, bán, cho thuê.
Đáng lưu ý, đối với dự án BT, việc xác định thời điểm giao đất (trước, trong hay sau khi dự án hoàn thành) đang chưa thống nhất, còn phụ thuộc nhiều vào việc “ưu tiên” doanh nghiệp. Trong khi đó, giá trị về đất để thanh toán thường chênh lệch lớn so với vốn đầu tư do thời gian công trình thi công dự án BT kéo dài nên giá đất sẽ cập nhật, thảy đổi; thậm chí, sau khi có đất, nhà đầu tư không còn quan tâm đến dự án mà tập trung bán đất được thanh toán để thu lợi nhuận.
Để phòng và chống thất thoát tài sản công, luật sư Trần Đức Phượng cho rằng trước hết cần xử lý nghiêm và xử lý tất cả các vụ việc đã xảy ra. Nếu người có chức vụ sai phạm thì càng phải điều tra làm rõ, xử lý và công bố cho người dân giám sát.
Cùng đó với, cần thay đổi chính sách về sử dụng tài sản công (thể hiện trong Luật Đất đai 2013, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và Luật Đầu tư công) để thanh toán cho nhà đầu tư bằng việc đấu giá công khai. Thực hiện được điều này sẽ giúp dự án tiến hành nhanh hơn, đơn giản hơn, từ đó, Nhà nước chủ động thực hiện các công trình hạ tầng, rút ngắn thời gian thực hiện, giảm vốn đầu tư và mang lại hiệu quả cho xã hội.
Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cần thu hồi và quản lý các diện tích đất có nguồn gốc tài sản công; khi giao phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật trong đó có việc đấu giá, đồng thời công khai minh mạch các dự án đầu tư công, quản lý nguồn đất công để nhân dân giám sát trong quá trình thực hiện./.