Buông lỏng quản lý, công ty lâm nghiệp làm mất hơn 4.500ha rừng

06/09/2014 00:00

(TN&MT) – Chỉ trong vòng 5 năm, hơn 4.500ha đất rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân quản lý, bảo vệ đã bị chặt phá, lấn...

(TN&MT) – Do buông lỏng quản lý, chỉ trong vòng 5 năm (từ 2008 – 2013), hơn 4.500ha đất rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) quản lý, bảo vệ đã bị chặt phá, lấn chiếm. Mặc dù vậy, Giám đốc công ty này vẫn không bị khởi tố hình sự vì “cơ chế”.
   
Chỉ báo cáo được 5,1%
   
  Lâm trường Trường Xuân được thành lập từ năm 1993 và được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân (gọi tắt là Công ty Trường Xuân) vào năm 2007, do ông Trần Quyết Tâm làm Giám đốc với vốn điều lệ gần 3,5 tỷ đồng. Ngày 19/8/2008, Công ty được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho quản lý sử dụng 8.246,76ha đất rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp nhưng đến cuối năm 2013, tỉnh đã ban hành 9 quyết định, thu hồi hơn 1.800ha giao cho địa phương và các đơn vị khác quản lý nên công ty chỉ còn quản lý 6.436,27ha (trong đó có 5.238,94ha rừng tự nhiên).
   
  Những năm gần đây, tình trạng người dân chặt phá, xâm chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp do Công ty Trường Xuân quản lý liên tục tăng nhanh. Hiện tại, một số tiểu khu như 1676, 1677, 1678, 1687… trên bản đồ của công ty thể hiện các trạng thái rừng IIIA1 và IIIA2 nhưng thực tế đã bị người dân chặt phá, lấn chiếm. Cụ thể, tại nhiều diện tích tại các tiểu khu này, người dân đang trồng các loại cây nông nghiệp (sắn, khoai lang…), cây công nghiệp (cà phê, tiêu…) và đã xây dựng nhiều nhà ở kiên cố.
   
Rất nhiều diện tích rừng do Công ty Trường Xuân quản lý, bảo vệ đã biến thành đất nông nghiệp
   
  Kết quả thanh tra toàn diện Công ty Trường Xuân của UBND tỉnh Đắk Nông mới đây cho thấy, từ năm 2008 đến cuối năm 2013, diện tích rừng do công ty quản lý bị người dân lấn chiếm và sử dụng là 4.519,7ha, trong đó có 3.510,51ha rừng tự nhiên. Hầu hết các diện tích này, công ty vẫn chưa có biện pháp thu hồi các diện tích bị lấn chiếm để trồng rừng mà để mặc nhiên cho người dân sử dụng.
   
  Theo thống kê, diện tích rừng tự nhiên bị mất trong các biên bản do Công ty Trường Xuân lập, Hạt Kiểm lâm Đắk Song theo dõi và cơ quan điều tra khởi tố là 672,1807ha, trong đó có 524,91ha bị mất trong giai đoạn 2008-2013 nhưng công ty chỉ báo cáo 181,768ha. Đối chiếu với tổng diện tích rừng tự nhiên đã bị mất, số liệu báo cáo của công ty chỉ chiếm 5,1%. Chính vì vậy, UBND tỉnh Đắk Nông đã kết luận: “Từ năm 2008-2013, Công ty Trường Xuân, đứng đầu là Giám đốc công ty (ông Trần Quyết Tâm) có những sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích bị mất, lấn chiếm hàng ngàn ha”.
   
   
Chỉ bị xử lý hành chính…
   
  Trước đây, cũng như các công ty lâm nghiệp khác trên địa bàn, nguồn thu chủ yếu của Công ty Trường Xuân là tiền bán gỗ khai thác rừng theo kế hoạch hàng năm thì hiện tại, công ty không còn chỉ tiêu khai nữa. Bị cắt đứt nguồn thu, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty rơi bế tắc. Để có tiền trả lương cho người lao động, công ty đã liên tục cắt giảm quân số (từ 40 người vào tháng 7/2010 xuống còn 20 người vào cuối năm 2013). Ông Nguyễn Hữu Khánh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết: “Trước những lợi ích quá lớn, người dân đã phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất. Trong khi đó, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty Trường Xuân quá mỏng, chế độ lương bổng chưa tương xứng khiến họ ít mặn mà với công tác bảo vệ rừng”.
   
  Ông Vũ Minh Khôi – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Chính sách quản lý đất đai của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, chính quyền địa phương không quản lý dân cư một cách chặt chẽ khiến rừng ngày càng bị lấn chiếm nhiều hơn. Tuy nhiên, việc Công ty Trường Xuân không cập nhật, báo cáo diện tích rừng bị mất lên các ban ngành liên quan, đến khi có hậu quả nghiêm trọng mới biết thì Giám đốc công ty phải là người chịu trách nhiệm”.
   
  Sai phạm nghiêm trọng của ông Trần Quyết Tâm (Giám đốc Công ty Trường Xuân) đáng lẽ cần phải chuyển hồ sơ để điều tra, xử lý về mặt hình sự. Tuy nhiên, UBND tỉnh Đắk Nông lại cho rằng: “Xét về mặt khách quan, sai phạm với thời gian dài, có liên quan đến tập thể lãnh đạo công ty, liên quan đến cơ chế, chính sách… khi cả hệ thống chính trị phối hợp chưa đồng bộ, giải pháp chưa toàn diện nên cần được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải được xử lý hành chính ở mức nghiêm khắc”.
   
   
  Theo kết luận thanh tra, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở Công ty Trường Xuân có liên quan đến trách nhiệm của Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Đắk Song, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, Công an huyện Đắk Song và UBND xã Trường Xuân. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu các đơn vị này phải nghiêm túc thực hiện kiểm điểm theo Kết luận thanh tra số 2267/KL-TTCP ngày 11/12/2013 của Thanh tra Chính phủ.
   
  Hiện tại, Công ty Trường Xuân chỉ còn 1.728ha diện tích rừng nằm trên lưu vực của 4 suối lớn là: Đắk Nông, Đắk Rung, Đắk Rtih và Đắk Bukso. Nếu diện tích này tiếp tục bị mất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, nguồn nước phía Tây Nam của tỉnh Đắk Nông và nguồn nước phục vụ các nhà máy thủy điện. Chính vì vậy, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với UBND huyện Đắk Song, Hạt Kiểm lâm Đắk Song và UBND xã Trường Xuân phối hợp với Công ty Trường Xuân lập một số điểm chốt chặn tại những khu vực sung yếu để ngăn chặn phá rừng.
   
   
     
Cần sớm đổi mới mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp
Ông Vũ Minh Khôi – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Những năm gần đây, ngành lâm nghiệp trên địa bàn đang chịu áp lực rất lớn từ nạn di cư tự do. Trong khi đó, mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp hiện không phát huy được hiệu quả, gần như phá sản. Chính vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị lên Chính phủ đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp. Để giữ được diện tích rừng còn lại, các công ty này cần hoạt động theo kiểu bao cấp hoàn toàn chứ không nên hoạt động theo Luật Doanh nghiệp như hiện tại”.
    
   
Lê Phước
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buông lỏng quản lý, công ty lâm nghiệp làm mất hơn 4.500ha rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO