Buôn bán ĐVHD dưới góc độ an ninh môi trường: Không để nhờn Luật!

01/04/2014 00:00

(TN&MT) - Khó có thể thống kê hết được số loài hoang dã nguy cấp đang dần bị khai thác cạn kiệt để phục vụ cho buôn bán trái phép qua biên giới tại các châu...

(TN&MT) - Khó có thể thống kê hết được số loài hoang dã nguy cấp đang dần bị khai thác cạn kiệt để phục vụ cho buôn bán trái phép qua biên giới tại các châu lục, điều này không những ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn tài nguyên thiên nhiên, đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng mà còn trở thành vấn đề tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, có các mối liên hệ với tội phạm buôn bán ma tuý, buôn người, rửa tiền....
   
Khung hình phạt còn quá nhẹ
   
  Việt Nam được xem là thị trường “nóng” về tiêu thụ ĐVHD trong khu vực. Theo thống kê, trong vòng hơn 10 năm qua, gần 20.000 vụ vi phạm về buôn bán động thực vật hoang dã bị phát hiện với gần 200.000 cá thể bị tịch thu. Số liệu của Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cũng đưa ra những con số xót xa, khi hàng năm, có khoảng 4.000 đến 4.500 tấn động vật hoang dã buôn bán vận chuyển bất hợp pháp từ Việt Nam sang Trung Quốc.
   
Các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ các cá thể tê tê xuất lậu
    
   
  Nhiều người trở nên giàu có từ việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp qua cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Pờ I (Kon Tum), Lộc Ninh (từ Campuchia sang)...  Chỉ cần làm phép tính đơn giản, với mỗi kg ngà voi ở Việt Nam có giá 5.000 - 7.000 USD, còn ở một số nước khác mỗi đôi ngà voi có giá 40.000 - 50.000 USD. Vì thế mà việc buôn bán ngà voi, tê tê… chỉ cần trót lọt vài vụ, mức thu lời sẽ là "siêu lợi nhuận". Với mức lợi nhuận "khủng" từ buôn bán ĐVHD, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý như tội buôn ma tuý.  Nếu coi sản phẩm ĐVHD có tính chất ảnh hưởng nguy hiểm như ma túy, thì bất kể hành động nào liên quan đến ĐVHD như mua, bán, sử dụng đều coi là vi phạm thì sẽ cải thiện rất nhiều trong việc xử lý vấn nạn buôn bán ĐVHD hiện nay.
   
  Tuy nhiên, xét trên góc độ luật pháp hiện nay đối với tội buôn bán ĐVHD, mức xử phạt cao nhất là 7 năm tù và 500 triệu đồng. Quy định là thế nhưng từ trước đến nay, vẫn chưa có đối tượng nào bị phạt ở khung hình phạt cao nhất. Phần lớn chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính đối với những lô hàng có khối lượng, giá trị lớn có nguồn gốc từ nước ngoài. Mức xử phạt này không thấm gì so với lợi nhuận của buôn bán ĐVHD mang lại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chống các hành vi buôn bán ĐVHD hiện nay.
   
Tăng cường kiểm soát
   
  Những hành vi sát hại các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm bao gồm cả những mẫu vật của loài có nguồn gốc nước ngoài như sừng tê giác, ngà voi châu Phi, tê tê, hổ cũng đã tác động xấu tới hình ảnh của Việt Nam trong việc thực thi các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác với một số nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế.
   
  Trước tình trạng này đang diễn biến phức tạp, vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra Chỉ thị số 03/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
   
  Việc ban hành Chỉ thị số 03 là minh chứng cụ thể cho những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc đấu tranh với tình trạng buôn bán trái phép loài hoang dã đang diễn ra hiện nay và đây cũng là hành động thiết thực để hưởng ứng Ngày Loài Hoang dã Thế giới lần đầu tiên (3/3).
   
  Thủ tướng yêu cầu các các Bộ Công an, Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, NN&PTNT chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác ngăn ngừa, đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quảng cáo, tiêu dùng trái phép mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đặc biệt là mẫu vật tê giác và voi từ các nước châu Phi.
   
  Đồng thời phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu hàng không, cảng biển, đường bộ quốc tế, đường mòn lối mở qua biên giới; tập trung phát hiện, xử lý dứt điểm các tụ điểm buôn bán trái phép mẫu vật loài hoang dã bao gồm cả mẫu vật giả ở khu vực biên giới và trong thị trường nội địa; kiên quyết thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ công chức trong lĩnh vực này.
   
Phương Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buôn bán ĐVHD dưới góc độ an ninh môi trường: Không để nhờn Luật!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO