Siết chặt quản lý khoáng sản
Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010 quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn về những quy định về giấy phép hoạt động khoáng sản. Trong đó, việc phân cấp giấy phép hoạt động khoáng sản là một quy định tiến bộ mang tính đột phá. Tuy vậy, do bệnh thành tích,… của UBND cấp tỉnh đã dẫn đến tình hình cấp phép và quản lý hoạt động khoáng sản trong thời gian qua ở các địa phương bộc lộ nhiều bất cập như: Cấp phép tràn lan gây lãng phí, thất thoát tài nguyên môi trường, cấp phép không theo quy hoạch, vượt quy hoạch, cấp phép mà không có thẩm định thiết kế cơ sở... Thậm chí, không ít địa phương cố tình lách luật bằng cách chẻ những mỏ lớn ra thành những mỏ nhỏ để khỏi phải xin phép Trung ương...
Do đó, Luật Khoáng sản 2010 đã có nhiều các quy định đổi mới, việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản sẽ theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, tăng cường sự quản lý của Trung ương trong việc cấp phép.
Nhằm phát huy vai trò quản lý của UBND tỉnh, thành phố, đồng thời, tận dụng và khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản ở các địa phương, Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010 quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và khoáng sản tại khu vực có tài nguyên khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ… nhưng không phải trên tất cả các khu vực của địa phương mà chỉ được cấp phép dựa trên những khoanh định và công bố của Bộ TN&MT. Các khu vực còn lại do Bộ TN&MT cấp phép, quy định này được cụ thể hóa trong Điều 82, Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010.
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là quy định mới của Luật Khoáng sản năm 2010, giảm thiểu tối đa cơ chế “ xin - cho”, đem lại “sân chơi” có sự canh tranh công bằng trong hoạt động khai khoáng. Từ đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực thực sự tham gia giúp hoạt động khai thác tài nguyên hiệu quả và tiết kiệm hơn. Việc đấu giá, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản; góp phần nâng cao năng lực của các chủ thể trong lĩnh vực khoáng sản do tính cạnh tranh cao trong quan hệ đấu giá; góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản…
Vẫn cần sửa đổi
Mặc dù, đã đạt được những thành tựu bước đầu nhưng trong quá trình thực thi Luật Khoáng sản năm 2010 đã bộc lộ một số điểm bất cập cần hoàn thiện như: Luật chưa quy định cụ thể việc liên doanh, liên kết trong hoạt động khai thác khoáng sản; chưa có quy định đồng bộ với pháp luật về đầu tư để kiểm soát khi có sự thay đổi về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép khai thác trong việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế… Đặc biệt, trách nhiệm phối hợp quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố nhất là đối với hoạt động khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa có quy định cụ thể.
Hiện nay, Luật Khoáng sản 2010 và Luật Bảo vệ môi trường 2014 đều quy định về việc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm phục hồi môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhưng chưa làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác và trách nhiệm cụ thể khi thực hiện đề án đóng cửa mỏ.
Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, một số nội dung có quy định trong Luật Khoáng sản nhưng rất khó triển khai như thủ tục thẩm định, phê duyệt đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; đăng ký hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; phê duyệt thiết kế mỏ, thay đổi thiết kế mỏ trong quá trình hoạt động…
Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản chưa quy định phương thức xác định thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm chủ trì việc đền bù thiệt hại khi khu vực khoáng sản được công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản; chưa quy định cụ thể về trách nhiệm xác định tổn thất khoáng sản; khai thác tối đa đối với khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; quy định việc thu hồi tài sản khi giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi, chấm dứt hiệu lực.