Hàng chục đô thị lớn của Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ đang đứng trong danh sách các thành phố ô nhiễm khói bụi nhất thế giới… Tất cả điều đó là hệ quả của một quá trình dài phát triển công nghiệp cùng phá rừng quá mức.
Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến nảy sinh hàng loạt những vấn đề kinh tế - xã hội bất ổn. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), thiệt hại kinh tế toàn cầu do ô nhiễm không khí là khoảng 225 tỷ USD. Đối với Việt Nam, ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ đô la mỗi năm (chiếm từ 5 - 7% GDP).
Tại Việt Nam, chất lượng không khí ở các đô thị lớn cũng đang bước vào ngưỡng cảnh báo vượt quá mức cho phép. Chỉ tính riêng Hà Nội, với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
Thực tế cho thấy, sự phát triển quá nhanh của các đô thị đang khiến nhiều vùng đất trở nên sầm uất hơn. Nhưng theo đó, những khoảng không gian cần thiết cho cư dân cũng đang dần biến mất. Tại các vùng đất này, người dân phải đối mặt với tình trạng chật chội, nóng bức và bụi bặm…
Trong các báo cáo của các tổ chức bảo vệ môi trường thế giới cũng chỉ ra rằng, các thành phố phải chịu trách nhiệm về việc tạo ra phần lớn tỷ trọng phát thải khí nhà kính độc hại. Các phương tiện giao thông “đóng góp” vào 13% lượng khí phát thải toàn cầu.
Ở Hà Nội, những kết quả quan trắc cho thấy, nồng độ bụi khí những năm gần đây cao bất thường. Thời gian nắng nóng dài hơn hẳn, kéo theo là những ngày ô nhiễm nặng nề nhất về mùa khô.
Tại TP.HCM, các quan trắc cho thấy, mức độ ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm NO2, tại các trục giao thông còn cao hơn so với Hà Nội, có nơi gấp 2 - 3 lần.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, không khí tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM bị ô nhiễm nặng nề sau nhiều năm phát triển kinh tế và đô thị hóa với tốc độ cao, nhiều khu vực vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Hệ quả của tình trạng ô nhiễm để lại là hàng loạt các bệnh về đường hô hấp gia tăng đối với người dân.
Trước thực trạng đó, Kế hoạch Quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020 cũng chỉ rõ mục tiêu kiểm soát các nguồn phát sinh khí thải, cải thiện chất lượng môi trường không khí, đảm bảo cho mọi người dân được sống và làm việc trong môi trường trong lành. Đến năm 2020, sẽ giảm 20% lượng bụi, SO2, NOx... phát sinh từ các cơ sở sản xuất xi măng, điện, hóa chất, phân bón và sản xuất dầu mỏ so với năm 2015. Đồng thời, hướng tới giảm 10% lượng bụi, SO2, NOx... phát sinh từ các cơ sở sản xuất khác và các phương tiện giao thông vận tải. Nội dung của kế hoạch sẽ tập trung ưu tiên hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí với các mục tiêu cụ thể là kiểm soát các nguồn khí thải công nghiệp, hoạt động giao thông vận tải, hoạt động thi công xây dựng…
Bây giờ, một trong những phương pháp vẫn được người dân lựa chọn để tự vệ trước vấn nạn khói bụi nặng nề tại các đô thị là sử dụng các loại khẩu trang khi ra đường. Nhưng tất cả vẫn chỉ là những giải pháp tạm thời. Và trong khi chờ đợi những giải pháp công nghệ, những luật lệ môi trường phát huy hiệu năng thì hình ảnh bịt đầu, trùm mặt đậm chất “Nin-ja” vẫn xuất hiện như một thứ “thời trang” bất đắc dĩ của người dân.