Mịt mù bụi gỗ
Theo thống kê của UBND xã Sơn Đồng, hiện nay toàn xã có hơn 70% lao động làm nghề điêu khắc, mỹ nghệ truyền thống. Nhờ có làng nghề phát triển nên những năm gần đây, kinh tế người dân ngày càng được cải thiện. Được biết, làng nghề Sơn Đồng có truyền thống điêu khắc hoành phi, câu đối, tạc tượng từ gỗ và làm đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc. Tuy nhiên, đa phần các hộ sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, phân tán khắp làng đã tạo ra các nguồn thải khó tập trung và gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí.
Ghi nhận của PV báo TN&MT tại làng nghề này thấy rằng, khắp các nơi đâu đâu cũng là xưởng chế tác gỗ. Quy mô sản xuất ở đây chủ yếu là vừa và nhỏ. Mỗi cơ sở sản xuất chủ yếu là một hộ gia đình và thuê thêm một số công nhân ở các địa phương lân cận. Đa số các xưởng tại đây có diện tích nhỏ, nằm xen kẽ với các khu nhà dân. Nhiều nhà xưởng còn tận dụng mặt bằng hay mái hiên của nhà ở để làm nơi sản xuất.
Do đặc thù làng nghề là sản xuất đồ gỗ nên đâu đâu cũng thấy tiếng cưa, đục, bào, mài … cùng bụi gỗ, mùi sơn. Tại những xưởng sản xuất, hình ảnh quen thuộc là bụi gỗ bám trắng các cánh cửa, lối ra vào cùng các vật dụng để gần đó. Những lúc người thợ làm việc, bụi gỗ bay tứ tung, phả ra môi trường xung quanh. Cùng với đó là mùi dung môi pha sơn nồng nặc khiến ai ngửi phải cũng thấy nôn nao. Chính vì những lý do nêu trên, cả làng nghề Sơn Đồng lúc nào cũng bị bao trùm bởi bụi gỗ, hơi dung môi pha sơn và tiếng ồn.
Bác Trần Thị Tính, một người dân sống tại đây chia sẻ: “Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường tăng cao nên số lượng các hộ và các lao động tham gia làm nghề tăng lên. Đây cũng là nghề truyền thống của cha ông chúng tôi nên dù biết là ô nhiễm nhưng cả làng cùng làm nên tất cả cùng chịu đựng”.
Bên cạnh môi trường không khí bị ô nhiễm, người dân nơi đây còn phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc từ con kênh T2 chảy qua địa bàn xã. Do đặc thù vị trí địa lý, nguồn nước thải từ quá trình sản xuất miến dong từ các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế … đều chảy qua đây gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Hình ảnh rác thải, chai lọ mắc kẹt thành từng lớp trôi nổi trên mặt kênh không chỉ làm mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân sống quanh khu vực.
Liệu có quy hoạch được làng nghề?
Nhằm thông tin đa chiều tới bạn đọc, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng. Lý giải nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường lại làng nghề Sơn Đồng, ông Hùng cho biết: “Do đặc thù là làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nên nguồn thải chủ yếu là bụi gỗ, tiếng ồn và mùi dung môi pha sơn trong quá trình sản xuất. Hiện làng nghề chúng tôi chưa quy hoạch tập trung được nên hoạt động sản xuất chủ yếu vẫn là hộ gia đình, nhỏ lẻ gây nên ô nhiễm không khí”.
Theo thông tin ông Hùng cung cấp, trước đây tỉnh Hà Tây đã có quy hoạch làng nghề tập trung với diện tích 45 ha (trong đó có 6 ha dùng để bảo tồn). Dự kiến các hộ sản xuất sẽ được chuyển về khu vực riêng, có hệ thống xử lý chất thải tập trung để giảm thiểu tác động xấu tới môi trường. Tuy nhiên từ khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội thì các dự án này đang bị dừng lại. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan cấp trên nhằm tìm giải pháp tháo gỡ cho thực trạng ô nhiễm không khí ở làng nghề Sơn Đồng nhưng đến nay vẫn chưa thấy các cấp có chỉ đạo cụ thể. Thực sự là quá trình chế tác gỗ tạo ra nhiều bụi bặm, tiếng ồn, làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đặc biệt là công nhân sản xuất trực tiếp và những hộ lân cận. Đây là thực trạng chung của làng nghề chúng tôi” – ông Hùng chia sẻ.
Bên cạnh bụi gỗ, bụi sơn và hơi dung môi (phát sinh trong quá trình phun sơn hoàn thiện các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ - PV) cũng là một nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Do khả năng phát tán rộng của bụi sơn và hơi dung môi (chứa nhiều chất độc hại như: benzene, chì …) nên những ai ngửi phải đều thấy nôn nao, đau đầu. “Hiện nay, một số hộ gia đình đã sử dụng phương pháp hầm hút mùi. Người ta dùng máy, hút mùi sơn rồi dẫn qua một bể nước để giảm thiểu tác động trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên tôi cho rằng hiệu quả không cao và công nhân sản xuất cũng như các hộ lân cận vẫn chịu tác động trực tiếp từ mùi sơn khó chịu đó” – ông Nguyễn Viết Hùng cho biết thêm.
Như vậy, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề Sơn Đồng không chỉ là thách thức của riêng một cấp, ngành nào mà cần sự chung tay của cả người dân và các cơ quan chuyên môn. Từ việc cần có một quy hoạch cụ thể cho đến nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, tất cả cần có sự phối hợp chặt chẽ và rốt ráo.
Kỳ sau: Làng nghề xã Cát Quế: Trăm dâu đổ đầu … kênh chết