Tham dự hội thảo có Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên, Ủy viên HĐQT BSR Nguyễn Quang Hòa, Phó Tổng giám đốc BSR Khương Lê Thành cùng trưởng, phó các ban chức năng; Ban quản lý dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất…
Phát biểu tại hội thảo, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên tóm tắt quá trình phát triển của NMLD Dung Quất. Hiện nay, Nhà máy đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước. NMLD Nghi Sơn chính thức cho ra sản phẩm vào tháng 5/2018, cả hai nhà máy đáp ứng khoảng 90% nhu cầu xăng dầu cả nước. PGS.TS Vũ Minh Khương là thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy, nhân dịp này BSR nhận thấy một số chính sách dầu thô đầu vào, thương mại sản phẩm đang có vướng mắc nên đã có kiến nghị rà soát lại và có những chính sách phù hợp theo xu thế của thị trường.
Dự án NCMR NMLD Dung Quất thời gian qua BSR cũng tích cực tìm kiếm nhà đầu tư để cùng triển khai dự án. Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên mong rằng: “Bằng các mối quan hệ quốc tế, PGS.TS Vũ Minh Khương mang tiếng nói tới các nhà đầu tư, hợp tác cùng BSR trong phát triển hóa dầu”.
Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên mong muốn BSR liên kết toàn cầu, liên kết NMLD Dung Quất với hàng loạt các nhà máy lọc dầu ở các nước như Nghi Sơn (Việt Nam), Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc,… để cùng hỗ trợ nhau trong vận hành, bảo dưỡng, kỹ thuật, thương mại, cung ứng nguồn dầu thô…
Theo nhận định của PGS.TS Vũ Minh Khương, hiện nay doanh nghiệp nói riêng hay đất nước nói chung vẫn thiếu “Thực lực chiến lược”. Thực lực chiến lược là đích, là động lực thôi thúc, là mong muốn tầm cao; trong đó cụ thể bước đi là phải mạnh mẽ, tiến nhanh, tiến xa so với thời đại và sự đồng thuận lòng người.
Vậy thực hiện “Thực lực chiến lược”, chúng ta phải làm gì? Theo PGS.TS Vũ Minh Khương: Thứ nhất, lời giải mang tính chất thể chế chứ không phải là giải quyết sự vụ. Ví dụ, cần có hội đồng cấp cao tách biệt với bộ ngành để tư vấn, đưa ra chính sách phù hợp với quy luật phát triển, xu thế thời đại. Thứ hai là phải có những giải pháp. Ví dụ cần có Hội đồng cạnh tranh quốc gia để trợ giúp cho những doanh nghiệp hàng đầu, như BSR. Thứ ba, áp dụng công nghệ 4.0 như thế nào? Công nghệ ở Việt Nam hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức… dùng; còn khai thác là một điều kiện cao hơn.
PGS.TS Vũ Minh Khương tư vấn thêm: BSR cần thành lập đội ngũ kỹ sư vận hành, bảo dưỡng, kỹ thuật tay nghề cao có thể cung cấp nhân lực cho tất cả các nhà máy cùng ngành nghề cả ở trong nước và châu Á.
Sự phát triển mang tính bước ngoặt thì con đường đi là quan trọng. Theo PGS.TS, BSR nên tập trung vào phát triển hóa dầu. Bài toán đầu tiên không phải là kêu gọi nguồn lực mà nó là thiết kế ra một con đường phát triển bền vững, con đường đó phục vụ mục tiêu rõ ràng, minh bạch, có tương lai, đó là hóa dầu.
Ông cũng cho biết, thời gian tới, sự phát triển của Lọc hóa dầu Bình Sơn cần phải trải qua 3 nấc: thể chế, cơ chế; tổ chức nội sinh; nguồn lực con người. Từ đây, PGS.TS Vũ Minh Khương tư vấn BSR cần: Thiết kế một dải kiến nghị cách đi của BSR trong thời gian tới mà không đòi hỏi Chính phủ phải hỗ trợ gì thêm; BSR cần tập trung vào công tác phân phối; có cổ phần ở các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối xăng dầu. BSR cần phất lên ngọn cờ đầu không chỉ trong sản xuất – kinh doanh mà còn tiên phong trong việc thiết lập một Khu Kinh tế Dung Quất đáng đến, đáng ở và không bao giờ muốn đi. BSR cần hóa mình thành công ty lọc hóa dầu toàn cầu.
Tại buổi hội thảo, lãnh đạo và các ban chuyên môn BSR cũng nêu một số khó khăn, thách thức trong công tác quản trị nguồn nhân lực, pháp chế, kênh phân phối, chính sách tiền lương, chính sách mới cho dự án NCMR NMLD Dung Quất… để PGS.TS Vũ Minh Khương nắm bắt thêm thông tin và sẽ có những kiến nghị lên cấp trên.
PGS.TS Vũ Minh Khương tiếp thu các ý kiến từ BSR. Cuối cùng, PGS.TS Vũ Minh Khương tư vấn: “BSR hãy liên kết với Hòa Phát Dung Quất, Thaco Quảng Nam và các đơn vị mạnh tại miền Trung để thành lập chuỗi giá trị gia tăng. Lúc đó sức mạnh sẽ tăng gấp bội”.