Bồi thường thiệt hại về môi trường: Cần quy định rõ

07/09/2016 00:00

(TN&MT) - Việc hướng dẫn cụ thể các trình tự thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường được xem là cần thiết để phục hồi môi trường, những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm không có cơ hội “lọt lưới” pháp luật.

Chưa có quy định, khó đòi bồi hoàn

Trong thời gian qua, số lượng người, tài sản thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường đã lên tới con số quá lớn. Ảnh hưởng do xả thải độc hại ra môi trường không chỉ là một phường, một xã mà còn lan rất nhiều tỉnh, thành và môi trường thiên nhiên rộng lớn nơi chất thải tràn qua. Đơn cử như vụ việc Công ty TNHH Vedan xả thải gây ảnh hưởng tới hơn 5000 hộ thuộc ba tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu hay Công ty Sonadezi Long Thành bị hàng trăm hộ dân gửi đơn kiện đòi bồi thường vì xả thải gây ô nhiễm hoặc gần đây là vụ Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn hàng chục nghìn tấn thuốc trừ sâu khiến gần 900 Hội viên Hội Nông dân đệ đơn lên tòa. Đặc biệt, gần đây nhất là vụ Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra sự cố môi trường biển, làm cá chết tại 4 tỉnh miền Trung.

Trong khi đó, đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, việc xử lý các hành vi vi phạm và giải quyết bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường mới chỉ dừng ở việc xử phạt vi phạm hành chính. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gây ra trên cơ sở các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về bảo vệ môi trường mà chưa có vụ việc nào yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường tự nhiên được giải quyết.

Chất lượng môi trường tự nhiên ngày càng suy giảm. Ảnh: Hoàng Minh
Chất lượng môi trường tự nhiên ngày càng suy giảm. Ảnh: Hoàng Minh

Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này là  do hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đối với môi trường tự nhiên rất đa dạng; việc xác định mức độ thiệt hại, thu thập xác định thiệt hại, thu thập dữ liệu, chứng cứ chứng minh cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, công nghệ, thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao… Điều này cũng cho thấy, nếu không có những quy định hướng dẫn cụ thể, các quy định pháp luật hiện hành chưa thực sự phát huy được trách nhiệm bảo vệ môi trường của cơ quan có thẩm quyền và cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc phát hiện, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện và phục hồi môi trường.

Theo quy định pháp luật hiện hành, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường nói chung, bồi thường thiệt hại đối với môi trường tự nhiên nói riêng được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật như: Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 6/1/2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường.       

Luật hóa nhiều vấn đề

Trước những “lỗ hổng” về mặt pháp lý quy định về bồi thường thiệt hại môi trường tự nhiên, hiện Tổng cục Môi trường đang xây dựng Thông tư quy định thủ tục để bồi thường thiệt hại về môi trường. Dự thảo Thông tư  gồm 3 Chương, 25 Điều, quy định thủ tục để thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường và hướng dẫn mẫu hồ sơ quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 3 và Khoản 2 Điều 7  Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 6/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường. Thông tư áp dụng đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; UBND các cấp và tổ chức, cá nhân phát hiện môi trường có dấu hiệu ô nhiễm, suy thoái; Cơ quan có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường như UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, UBND huyện, thị xã, TP trực thuộc tỉnh…

Góp ý cho dự thảo Thông tư, các chuyên gia cho rằng, trong Thông tư cần làm rõ về các vấn đề như: nguồn lực tài chính để thực hiện bồi thường thiệt hại; số lượng thành viên trong Hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ; chức năng, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của Hội đồng thẩm định; quy trình và tiêu chí lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ quan trắc, đánh giá đo đạc để thu thập dữ liệu, chứng cứ, tính toán thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thông tư cũng cần phải quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại, thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ; khả năng áp dụng vào các vụ việc ô nhiễm môi trường cụ thể của địa phương. Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể thời gian tiến hành các trình tự, thủ tục… Đối với vấn đề này, các ý kiến cho rằng, hồ sơ thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường cần dễ hiểu; cần bổ sung thêm tiêu chí đơn vị cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu; thời gian nên để mở vì có những trường hợp thiệt hại lớn và phức tạp, cần nhiều thời gian để thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Mai Thanh Dung, việc xây dựng Thông tư quy định thủ tục để thực hiện bồi thường thiệt hại đối với môi trường là rất cần thiết nhằm đảm bảo thực thi có hiệu quả các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 03/2015/NĐ-CP.

Thụy Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi thường thiệt hại về môi trường: Cần quy định rõ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO