Bồi thường, giải phóng mặt bằng: Còn nhiều "nút thắt"

10/01/2017 00:00

(TN&MT) - Luật Đất đai 2013 đã có nhiều đổi mới trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tuy vậy, hiện, còn nhiều dự án chậm tiến độ và vướng trong công tác này.

Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, thời gian qua, Tổng cục đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; và thường xuyên trao đổi trực tiếp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc các địa phương ban hành các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai và các Nghị định của Chính phủ. Tính đến cuối năm 2016, còn 2 tỉnh chưa ban hành là Ninh Thuận và Đà Nẵng.

Hiện vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hoàng Minh
Hiện vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hoàng Minh

Tổng cục đã phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) kiểm tra, rà soát các quy định của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành để sửa đổi, bổ sung cho đúng quy định pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thẩm tra khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và các dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại các địa phương cơ bản được thực hiện công khai, dân chủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi được đảm bảo, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

 Tuy vậy, qua theo dõi công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Tổng cục nhận thấy, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số địa phương vẫn còn chậm. Lý giải về vấn đề nay, Tổng cục cho rằng, nguyên nhân là do đất đai có nguồn gốc phức tạp nên khó khăn trong việc xác định điều kiện được bồi thường về đất; một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện; năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn hạn chế và thiếu chuyên nghiệp.

Thực tế, việc chậm giải phóng mặt bằng không chỉ tại các dự án phát triển đô thị, phát triển kinh tế mà cả ở những dự án công trình công cộng. Đơn cử, tại Dự án phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng được triển khai từ khá lâu nhưng vẫn chậm do công tác giải phóng mặt bằng tại các quận đều chưa hoàn thành vào cuối năm 2016. Cụ thể, tại quận Lê Chân còn 5 hộ có đất nông nghiệp trong chỉ giới thu hồi chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng; 33 hộ có đất ở chưa được phê duyệt phương án bồi thường; 71 ngôi mộ tại nghĩa trang Gốc Găng chưa di chuyển… Tại quận Hải An, còn 235 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng; 73 hộ chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng; phương án bồi thường, hỗ trợ 182 hộ thuộc phường Đằng Hải và Nam Hải chưa phê duyệt… Còn tại Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Lê Mao, TP. Vinh kéo dài có quy mô toàn tuyến (từ giao lộ đường Trần Phú đến QL1A tránh Vinh) hơn 2,27 km được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư từ năm 2005 qua 3 giai đoạn. Đến nay, giai đoạn 1 của Dự án (từ Km 0 - đến Km0+183) gồm mở rộng, cải tạo mặt đường và vỉa hè do thành phố thực hiện đã cơ bản xong. Còn lại giai đoạn 2 và 3 của Dự án chưa được triển khai. Nguyên nhân là do tuyến này chưa thống nhất trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư cho 28 hộ dân bị ảnh hưởng. Sau một thời gian dài, 330 m vẫn chưa được thi công.

Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, để tiếp tục thực hiện tốt công tác về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong thời gian tới, cần tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của các địa phương.

Bên cạnh đó, trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại các địa phương để bảo đảm việc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Tuyết Nhi

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi thường, giải phóng mặt bằng: Còn nhiều "nút thắt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO