Bồi thường dừng cảng Kê Gà: Cò kè "bớt một, thêm hai"

15/02/2017 00:00

(TN&MT) - Việc "cò kè bớt một, thêm hai" của TKV  đã khiến các doanh nghiệp du lịch tỉnh Bình Thuận bất an như "ngồi trên đống lửa".

 

(TN&MT) - UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) chấp thuận tổng mức bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại vì dừng dự án cảng Kê Gà là hơn 85,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, TKV chỉ đồng ý chi hơn 37,4 tỉ và đề xuất ngược lại tỉnh Bình Thuận cùng “chung tay” bồi thường.

Khu du lịch Đồi Phong Lan bỏ hoang suốt 10 năm đã được tỉnh Bình Thuận và TKV thống nhất bồi thường hơn 36 tỷ nhưng đến nay vẫn chưa trả tiền
Khu du lịch Đồi Phong Lan bỏ hoang suốt 10 năm đã được tỉnh Bình Thuận và TKV thống nhất bồi thường hơn 36 tỷ nhưng đến nay vẫn chưa trả tiền

Có 9 dự án được UBND tỉnh Bình Thuận đưa vào danh sách đủ điều kiện bồi thường thiệt hại sau khi TKV dừng dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà với tổng số tiền hơn 85,7 tỉ đồng, gồm: Thế Giới Xanh, Đồi Phong Lan, Thạnh Đạt, Tân Thành Minh, Hương Bắc, Phương Bắc, Thảo My, Thạnh Lợi và Minh Ngọc.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng lập bảng kê chi tiết số tiền trên được chi trả cho 11 khoản bồi thường đã được hội đồng giám định thiệt hại xác minh trong một thời gian dài. Đó là các khoản thiệt hại về tài sản, cây trồng, nội thất, tiền lương, điện nước, quảng cáo tiếp thị, cải tạo mặt bằng, ngừng sản xuất, quản lý dự án, cơ hội đầu tư, lãi suất tiết kiệm…

Cảnh điêu tàn của khu du lịch Thế Giới Xanh
Cảnh điêu tàn của khu du lịch Thế Giới Xanh

Tuy nhiên, TKV đã không đồng ý mới mức bồi thường, hỗ trợ hơn 85,7 tỷ đồng như đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận và đòi hạ xuống còn 37,4 tỉ đồng. Một ví dụ như khoản hỗ trợ lãi suất tiết kiệm mà tỉnh Bình Thuận xác định trên 39,2 tỉ đồng thì TKV chỉ muốn chấp nhận con số trên 12,6 tỉ đồng.

Ở mỗi khoản bồi thường, hỗ trợ hạ xuống như vậy, TKV lấy lý do cần phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Công Thương, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp du lịch phải cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ hợp pháp để chứng minh hoặc bác bỏ luôn khoản bồi thường.

Còn khoảng chênh lệch hơn 48 tỉ đã  bị TKV “chuyền bóng" về cho tỉnh Bình Thuận với đề xuất ngược lại là tỉnh Bình Thuận hỗ trợ về cơ chế, chính sách ưu đãi trong đầu tư cho chủ các dự án du lịch, chia sẻ chi phí hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cũng như rủi ro của TKV trong đầu tư.

Khu du lịch Thế Giới Xanh hoạt động từ năm 2004 đến năm 2007 thì dừng vì cảng Kê Gà
Khu du lịch Thế Giới Xanh hoạt động từ năm 2004 đến năm 2007 thì dừng vì cảng Kê Gà

Việc “cò kè bớt một, thêm hai” này của TKV  đã khiến các doanh nghiệp du lịch tỉnh Bình Thuận bất an như “ngồi trên đống lửa”.

Trao đổi với PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường, chủ một doanh nghiệp du lịch đau xót cho biết: “Nhiều gia đình trong số nhà đầu tư du lịch chúng tôi đã dốc hết tài sản của đại gia đình mình vào các dự án. Nay gần như tay trắng. Có người đã mất đi trong nỗi tuyệt vọng. Là nhà đầu tư du lịch với mong muốn, tâm huyết biến vùng biển Kê Gà thành “thiên đường nghỉ dưỡng”, khi bỏ ra hàng ngàn lượng vàng và hàng trăm tỷ đồng (thời điểm những năm 2000-2001) để đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng hiện đại tiêu chuẩn quốc tế, có ai trong số chúng tôi muốn chờ một cái kết là ngày hôm nay để đi mặc cả từng đồng tiền bồi thường?”.

Vị này cho biết thêm: “Thiệt hại, mất mát cả về vật chất và tinh thần trong suốt 10 năm qua là quá lớn, không có gì bù đắp nổi. Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng bồi thường với các cơ quan chức năng, các nhà đầu tư du lịch chúng tôi luôn giữ thái độ ôn hoà, bình tĩnh và rất dễ chịu, với mong muốn được tiếp tục đầu tư các khu du lịch dang dở sớm hoàn thiện đi vào hoạt động. Số tiền bồi thường được hội đồng giám định thiệt hại thống nhất, có cả đại diện TKV tham gia và ký vào biên bản, nay TKV lại đòi giảm hơn một nửa là không thể chấp nhận. TKV không có lý do gì để tìm cách trì hoãn việc bồi thường, hỗ trợ nữa”.

Khu du lịch Thế Giới Xanh đã được Hội đồng thống nhất bồi thường hơn 36 tỷ nhưng đến nay vẫn chưa được nhận tiền đền bù
Khu du lịch Thế Giới Xanh đã được Hội đồng thống nhất bồi thường hơn 36 tỷ nhưng đến nay vẫn chưa được nhận tiền đền bù

Trong một văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây nhất (tháng 1/2017), UBND tỉnh Bình Thuận đã khẳng định số tiền bồi thường (85,7 tỉ đồng) được tính theo giá bồi thường vào năm 2015. Do đó, nếu chậm bồi thường, TKV phải chi trả thêm khoản tiền chênh lệch về giá do chậm thanh toán cho các chủ dự án du lịch.

Về nguồn tiền bồi thường, Bộ Công Thương đã có ý kiến chỉ đạo tại công văn số 12483 ngày 7/12/2015 về nguồn kinh phí chi trả cho các dự án du lịch là do TKV thu xếp và hạch toán vào chi phí sản xuất chung của Tập đoàn. Tuy nhiên về khoản giảm đi 48 tỉ bồi thường, TKV đề nghị ngược lại tỉnh Bình Thuận hỗ trợ về cơ chế, chính sách ưu đãi cho chủ các dự án du lịch tiếp nhận lại dự án để chia sẻ chi phí hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cũng như rủi ro của TKV.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc. 

Bài & ảnh: Việt Đức – Hoàng Hưng 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi thường dừng cảng Kê Gà: Cò kè "bớt một, thêm hai"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO