Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn: “Nóng” vấn đề công nghiệp hỗ trợ và hàng lậu

17/11/2014 00:00

(TN&MT) - Chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn.

   
(TN&MT) - Chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn. Nhiều nội dung liên quan đến biện pháp chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, tổ chức sản xuất công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, chương trình sản xuất áp dụng nhiên liệu sinh học, vấn đề liên quan thị trường, giải quyết hàng giả hàng lậu, hàng kém chất lượng đã được các đại biểu đặt câu hỏi. 
   
Phát triển công nghiệp hỗ trợ hạn chế từ chính sách và nhà đầu tư
   
Trả lời câu hỏi đại biểu Quốc hội về vấn đề năm 2007, Bộ Công nghiệp có quyết định phê duyệt quy hoạch công nghiệp hỗ trợ (2010 tầm nhìn đến 2020) nhưng đến nay công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa có gì đáng kể. Có phải Việt Nam thiếu chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ?
   
   
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn
   
  Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, đúng là công nghiệp hỗ trợ thời gian qua có nhiều vấn đề, đây là vấn đề được nhiều đại biểu qua tâm, mong có chính sách phù hợp. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, chúng ta hiện đã quan tâm và có nhiều văn bản pháp lý về vấn đề này nhưng do cấp pháp lý còn thấp, hiện chưa có Nghị định, có luật về công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy chưa tạo thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ phát triển.
   
  Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Nói tới công nghệ hỗ trợ thì nói tới phụ tùng, nguyên phụ liệu, tuy nhiên, để phát triển loại hình công nghệ này thì quy mô phải lớn mới sản xuất được và giá thành có thể cạnh tranh được. Ví dụ, sản lượng sản xuất ô tô phải trên 100.000 xe mới thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, quy mô nhỏ ít quá sẽ rất khó.
   
  “Nhìn tổng thể ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế nhưng không phải lĩnh vực nào cũng yếu, có những lĩnh vực có bước phát triển” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
   
  Bộ trưởng nêu ví dụ, lĩnh vực ô tô chở khách mới nội địa hóa được 40%, điển hình là Xí nghiệp ô tô Trường Hải. Với xe tải chuyên dùng, nội địa hóa 70%. Với ô tô con mới nội địa hóa 70%. Với xe máy, mỗi năm xuất khẩu trên 280 triệu USD không chỉ phục vụ nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Điện tử gia dụng mức độ nội hóa được 30%, điện tử tin học thì mức độ thấp mới được khoảng 15%, dệt may được 50%, da giày được 60%....
   
  Với câu hỏi đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng về việc đâu là nguyên nhân hạn của sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo Bộ trưởng, không phải tất cả các lĩnh vực Việt Nam đều yếu kém. “Chúng ta có thể sản xuất xi măng lò quay công suất lớn, trạm biến thế 500KV, chế tạo giàn khoan 90m nước trong đó nội địa hóa 30%…Ngành công nghiệp với sự hỗ trợ của nước ngoài có nhà máy lọc dầu Dung Quất có nhà máy Đạm Phú Mỹ, Ninh Bình… công nghệ tiên tiến. Như vậy, công nghiệp chế tạo mới phát triển ở một số lĩnh vực” – Bộ trưởng nói. 
   
  Ngoài nguyên nhân hạn chế do chính sách thì còn do cơ chế đầu tư. Trước kia, khi chưa đổi mới, các công trình cũ có vốn ngân sách Nhà nước. Khi đổi mới, theo Luật ngân sách, ngành công nghiệp cơ bản không được sử dụng vốn ngân sách, phải đi vay, tự trả. Trong khi đó các công trình chế tạo đòi hỏi vốn lớn, thu hồi vốn chậm, ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và thường chỉ có doanh nghiệp trong nước đứng ra làm.
   
  “Chúng tôi rất mừng là vừa qua, Hội nghị TƯ mới đây đã đưa ra quyết sách một số công trình quan trọng có sự hỗ trợ lãi suất của Nhà nước. Mong rằng đây là sự hỗ trợ ưu đãi để cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có động lực phát triển” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
   
  Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông tin thêm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ ngành xây dựng chính sách khuyến khích công nghiệp hỗ trợ theo hướng mới: Nhà nước phải tạo điều kiện nâng đỡ khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Khơi dậy sức sáng tạo của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ.
   
   
Hàng lậu vẫn diễn ra phức tạp
   
  Về câu hỏi liên quan đến giá và kiểm soát giá, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, hiện nay thanh tra tài chính kiểm tra cửa hàng các hộ kinh doanh có niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết không? Bộ trưởng cho biết, đã triển khai nhiều biện pháp. Cụ thể như đã đưa giá thuốc về đúng giá thật.
   
  Về xăng dầu, Chính phủ đã quyết liệt đưa về đúng giá thị trường. Có thể nói giá xăng dầu đã bám sát theo tín hiệu thị trường. Giá điện phấn đấu đến năm 2015 sẽ tiến gần với giá thị trường đảm bảo tinh thần phục vụ nhân dân trong đó có quan tâm đến các hộ nghèo như hỗ trợ 30 số đầu.
   
  Vấn đề hàng lậu, hàng nhái, hàng giả cũng được đông đảo các đại biểu đặt câu hỏi. Bộ trưởng cho biết,hàng giả, nhái, chống buôn lậu là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay. “Trong báo cáo kiểm điểm cá nhân phục vụ lấy phiếu tín nhiệm cá nhân tôi cũng trách nhiệm về vấn đề này” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
   
  Bộ trưởng thông tin, một số mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng hàng nhập lậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Tuy đã cố gắng nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Mặc dù số vụ xử lý vi phạm cũng cao hơn năm trước. 10 tháng đầu năm 2014 số vụ kiểm tra và xử phạt đều tăng so với 2013 từ 12-14% nhưng tình hình vẫn diễn biến phúc tạp.
   
  Bộ trường chỉ rõ nguyên nhân do dung lượng thị trường phát triển mạnh, độ mở của nền kinh tế phát triển rất lớn. Đi liền với xu thế phát triển cao hơn thì thành phần làm ăn không chính đáng cũng tăng lên, đưa những sản phẩm kém chất lượng vào tiêu thụ. Thứ hai, công tác đấu tranh của chúng ta dù có cố gắng nhưng về phương tiện, công cụ vừa yếu vừa thiếu nên việc đấu tranh cũng còn hạn chế. Thêm vào đó không hạn chế việc mối số cán bộ còn chưa làm tốt trách nhiệm, mặc dù đã được quán triệt nhiều lần. Về lực lượng quản lý thị trường sự vào cuộc của các vùng miền còn chưa đồng đều. Sự vào cuộc của các địa phương là rất quan trọng và cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa.
   
  “Với việc ra đời Ban 389 do Phó thủ tướng Nguyễn xuân Phúc đứng đầu, cùng với sự vào cuộc của các bộ ban ngành thì tình hình sẽ chuyển biến hơn. Không có lý do gì để không tin rằng hiệu quả việc chống hàng giả,hàng nhái, hàng lậu sẽ được cải thiện hơn trong những năm tiếp theo” – Bộ trưởng khẳng định.
   
  Về ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương phản ánh, doanh nghiệp thủy điện Nhà nước như Hòa Bình công suất lớn nhưng mấy năm gần đây hoạt động cầm chừng, trong khi chúng ta lại phải mua điện của tư nhân, nhập điện từ Trung Quốc thì đây có phải lãng phí hay không? Nếu đúng thì vì sao có hiện tượng đó, nếu sai Bộ trưởng có thể giải thích cụ thể?
   
  Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, không có cơ sở nói rằng chúng ta phát điện cầm chừng. Chúng ta đã và đang xây nhiều công trình điện lớn: Hòa Bình, Tuyên Quang, Yaly, Sơn La… với mục tiêu vừa tận dụng lợi thế phát điện, cắt lũ mùa mưa, đảm bảo nước cho hạ du trong mùa cạn. Vì thế, không có lý do gì không khai thác tối đa công suất của các nhà máy thủy điện lớn. Thời gian qua, nhà máy thủy điện Hòa Bình với sản lượng 9-10 tỷ KW/giờ; Thủy điện Sơn La 3 năm qua phát vượt công suất thiết kế. Chúng ta vẫn quan tâm tới thủy điện nhỏ, chỉ đạo mua điện thủy điện nhỏ để tạo điều kiện cho các dự án này tham gia vào hoạt động thủy điện.
   
  Trả lời ý kiến đại biểu về xăng sinh học E5, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, về chất lượng Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Tập đoàn dầu khí Việt nam triển khai tại các hãng taxi hiện không thấy khuyết tật gì. Tới đây, Chính phủ cho áp dụng thí điểm tại một số địa phương sau đó sẽ  triển khai đại trà trên phạm vi cả nước. “Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên sử dụng xăng E5 nhưng chưa có vấn đề gì về chất lượng. Tuy nhiên, cũng cần phải tiếp tục kiểm định chất lượng để đảm bảo chất lượng an toàn xăng E5. Sau này xảy ra sự cố cơ quan liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm” – Bộ trưởng nói.
   
Minh Trang
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn: “Nóng” vấn đề công nghiệp hỗ trợ và hàng lậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO