(TN&MT) - Chiều 6/10, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp tổ chức họp báo thông tin kết quả Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Đồng chủ trì họp báo là ông Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Cùng tham dự buổi họp báo về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà; ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; ông Vũ Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền; ông Nguyễn Vĩnh Khang, Phó Chánh Văn phòng Bộ…
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời câu hỏi của báo chí về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Hội nghị Trung ương 8 (khoá XII) xem xét, nhất trí để ban hành.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao với những nhận định, đánh giá về kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 09, đồng thời nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để từng bước đưa nước ta thực sự trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước…
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc xem xét, nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã được Trung ương xem xét, thảo luận rất kỹ trên một tinh thần đổi mới từ tư duy, nhận thức, quan điểm cho đến hành động. Đó là phát triển bền vững kinh tế biển phải bảo đảm hài hoà gắn kết với môi trường tự nhiên, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển. Cần phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương, bởi hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường biển, rác thải đại dương nguyên nhân 80% là từ nguồn phát thải trên đất liền gây ra. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt cần phải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển có hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường và được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Bên cạnh việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển, Trung ương cũng đã xác định kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế.
Một điểm mới cũng đã được xem xét đến trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là mối liên kết và hỗ trợ giữa các vùng nội địa đất liền, vùng ven biển với hải đảo, đại dương. Sự kết nối giữa đất liền với đại dương cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong phát triển kinh tế biển bền vững. Bên cạnh đó là những yếu tố văn hoá – xã hội vốn có mối liên quan mật thiết đến sự gắn kết hài hoà giữa mỗi người dân, cộng đồng cư dân vùng ven biển với biển. Từ đó chú trọng tới việc tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo các tầng lớp Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nắm bắt được đầy đủ thông tin liên quan đến Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược biển, để người dân hiểu và ủng hộ, góp phần tích cực triển khai thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm: Trong bối cảnh cả thế giới đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Trung ương đã yêu cầu cần quan tâm chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam. Cơ cấu lại, phát triển đồng bộ và bền vững các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, các vùng biển, ven biển và hải đảo theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ mong muốn: Phấn đấu đến năm 2045 – là năm chúng ta kỷ niệm tròn 100 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2045), đồng thời cũng là năm tổng kết Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nước Việt Nam ta thời điểm đó sẽ thực sự trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển./.