Thời gian gần đây tình trạng phế liệu nhập khẩu đã khiến nước ta có nguy cơ trở thành bãi thải phế liệu của Thế giới. Nguyên nhân tình trạng này do đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Chính phủ có biện pháp nào ngăn chặn tình trạng này tái diễn trong thời gian tới?... là những câu hỏi mà đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đặt ra với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Trả lời các câu hỏi của đại biểu Hà Thị Lan, báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Đây là vấn đề không phải chúng ta không biết. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, chúng ta đã có đầy đủ thông tin về việc hiện nay nhiều nước láng giềng với nước ta đã cấm nhập khẩu phế liệu.
Trong thực tế, Thủ tướng đã chỉ đạo trong vòng gần 6 tháng qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành, đã tham mưu các cơ chế chính sách để làm sao chúng ta phòng ngừa từ xa, bảo vệ từ xa trước tình trạng này. “Tôi tin tưởng rằng trong thời gian họp Quốc hội thì Thủ tướng sẽ phê duyệt Nghị định về vấn đề này” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Về các vấn đề quản lý nhập khẩu phế liệu, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chúng ta đã có Luật quy định là, đối với các phế liệu mà nước ta hạn hẹp tài nguyên, chỉ có một số loại chúng ta cần phục vụ sản xuất thì mới nhập. Ngoài ra, chúng ta đã có Nghị định, có Quyết định về nhập khẩu phế liệu, chúng ta có Quy định, Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các doanh nghiệp đủ năng lực nhập khẩu. Và như vậy, nếu nói về các hành lang pháp lý thì có thể nói chúng ta có đầy đủ.
Ở đây nếu có một lỗ hổng thì đó là chúng ta chưa kiểm soát được trước khi hàng hóa vào lãnh thổ nước ta và chúng ta chưa có cơ chế để các cơ quan gác cổng phối hợp với các cơ quan quản lý để kiểm soát hàng hóa trước khi vào nước ta.
Nhưng ngay cả khi chúng ta đã có Chỉ thị của Thủ tướng là không cho nhập thì số container phế liệu vào nước ta vẫn tăng lên. Theo Bộ trưởng, trên thực tế việc quản lý vấn đề này không khó. Hiện nay, trong số các container lưu ở các cảng thì có đến 58% số container đang lưu giữ ở các cảng là không có giấy tờ hợp pháp, không đủ điều kiện nhập khẩu. Theo tôi đó là những container nhập lậu mà chúng ta nói là chưa có chủ, nhưng chắc chắn là có chủ. Và thực tế vừa rồi Bộ Công an đã tìm ra một số đối tượng để xử lý. Theo Bộ trưởng, với tinh thần này thì việc chúng ta kiểm soát không cho vào là trong tầm tay.
Đối với việc xử lý tồn đọng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Thứ nhất, đối với những người, những doanh nghiệp có giấy tờ đầy đủ thì chúng ta yêu cầu họ bỏ tiền ra để xuất, đây là quy định của pháp luật. Thứ hai, đối với 58% nhập lậu chúng ta yêu cầu một cơ quan điều tra. Và đã nhập lậu không có giấy tờ chúng ta hoàn toàn có thể có biện pháp để xử lý.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng trong đó không chỉ là phế liệu mà còn có thể là rác, như vậy theo quy định, đây không phải hàng hóa nữa mà là chất thải. Và khi đó chúng ta tổ chức lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực để xử lý. Và việc xử lý này tôi cho rằng Nhà nước không phải bỏ ra đồng nào, bởi vì trong đó vẫn có hàng hóa, có phế liệu. Và các doanh nghiệp doanh nghiệp có quyền phân loại xử lý chất thải theo đúng quy định và được sử dụng hàng hóa đó để bán đấu giá để một phần nộp cho Nhà nước, một phần để xử lý chất thải.
“Tôi nghĩ nếu chúng ta làm đúng như vậy thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Chính phủ xem xét để xử lý theo hướng này. Tất nhiên, hiện nay, phương án này chưa nhận được sự đồng thuận. Nhưng tôi nghĩ, nếu làm theo cách đó thì trong vòng 2 tháng chúng ta sẽ giải phóng được cảng rác, phế liệu nhập lậu” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Còn vấn đề lâu dài, hiện nay, Bộ trưởng cho biết chúng ta đã tính toán đến việc các lô hàng trước khi vào nước ta phải yêu cầu độc lập kiểm tra. Hiện nay vấn đề này rất cần đồng thuận từ nhiều bên và về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhất trí, ban hành đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật để hoàn toàn có thể áp dụng được.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng chúng ta sẽ không dùng các văn bản hành chính để thay thế các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay có hiện tượng trong khi các lô hàng đang chất lên rất nhiều nhưng chúng ta đang có một số biện pháp hành chính nên hiện nay có tình trạng chồng chéo trong vấn đề giám định.
Nếu ai giám định không đúng theo quy định thì chúng ta phải xử lý. Nhưng không thể có chuyện một doanh nghiệp, cùng 1 lúc có 2 cơ quan giám định, điều này tăng thêm việc chậm chạp trong quá trình xử lý tồn đọng này.
Còn về biện pháp, giải pháp xử lý, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và chỉ đạo các vấn đề sắp tới có nhập vào không, hoặc sắp tới có cho nhập vào hay không hoặc sắp tới trách nhiệm đến đâu… thì Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra xem trách nhiệm đối với các cơ sở xử lý này như thế nào, phải có chứng nhận đảm bảo môi trường ra sao…
“Xin báo cáo với Quốc hội, hiện nay trong văn bản mới, chúng tôi đã tính đến giảm các danh mục phế liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tính đến việc không cho các doanh nghiệp nhập về mà chỉ nhập khẩu sản phẩm mà sau đó gọi là sơ chế, xử lý môi trường. Mà đã nhập về thì phải sản xuất các sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế cao thì mới được nhập về…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.