Dự Hội nghị về phía Bộ TN&MT còn có Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía tỉnh Vĩnh Long, có ông Trần Văn Rón, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; ông Trương Văn Sáu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh.
Hội nghị thu hút trên 500 đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương như Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân Trung ương, Sở TN&MT, Phòng TN&MT của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc... Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 15-17/3/2018)
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết Vĩnh Long rất vinh dự là địa phương được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị. Như các tỉnh, thành khác trong vùng ĐBSCL và cả nước, Vĩnh Long đã và đang nỗ lực phấn đấu để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước và khoáng sản, bởi đây là đầu vào của mọi hoạt động. Với ý nghĩa đó, công tác quản lý về TN&MT ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là công tác kiểm tra, thanh tra.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, trong những năm qua, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường thực hiện thanh kiểm tra về đất đai, khoáng sản và môi trường; đặc biệt tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng; đến nay đã giảm nhiều những trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người, phát sinh điểm nóng, hạn chế thấp nhất khiếu nại vượt cấp đến Trung ương. Hiện toàn tỉnh Vĩnh Long không có điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang cho biết Hội nghị này đã được Bộ TN&MT tổ chức thường niên và đã duy trì từ nhiều năm qua. Hội nghị lần này được chuẩn bị công phu, thiết thực, hữu ích và cần thiết cho các địa phương. Ông Nguyễn Văn Quang cho rằng Hội nghị còn dành thời gian để giới thiệu, thảo luận những vấn đề trọng tâm dự kiến đưa vào sửa đổi 2 bộ luật quan trọng là Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường và là cơ hội để Bộ cùng với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trao đổi kinh nghiệm về xử lý những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, quy định pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương.
Phát biểu chỉ đạo khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết Hội nghị lần này nhằm mục đích giao lưu, giao ban công tác các vấn đề quản lý tài nguyên và môi trường; là diễn đàn để bàn bạc một cách tổng thể, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý; đồng thời khắc phục hiện tượng trùng lắp, chồng chéo trong công tác thanh tra, tránh tình trạng một đối tượng phải chịu nhiều cơ quan thanh tra. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thông qua Hội nghị này, vấn đề tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong xã hội sẽ được chú trọng hơn, nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi của hệ thống chính sách pháp luật.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng hệ thống thanh tra trong toàn ngành phải có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ, từ Trung ương xuống đến các địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành phải được triển khai theo hướng giảm bớt gánh nặng về thanh tra, theo tinh thần “xây và chống” là chính, để góp phần giúp các địa phương hoàn thiện được cơ chế chính sách pháp luật, nhất là lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản…từ đó góp phần giúp các địa phương quản lý tài nguyên và môi trường tốt hơn, hiệu quả hơn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
“Bộ có quản lý tốt hay không phụ thuộc vào sự đánh giá của người dân, doanh nghiệp. Bộ có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp của các địa phương. Mỗi địa phương phải là một cơ sở dữ liệu ở cơ sở để thường xuyên kết nối, tương tác với Bộ. Vì thế, Bộ và các Sở Tài nguyên và Môi trường phải là một tổ chức thống nhất. Tôi cho rằng tinh thần trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường là hứa ít nhưng phải làm được!” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận, tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở, địa phương của mình để từ đó tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, đổi mới công tác thanh tra tài nguyên và môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành vừa phải lựa chọn nhưng vấn đề dài hạn theo kế hoạch thanh tra thường xuyên, vừa phải tổ chức, bố trí lực lượng để sẵn sàng phục vụ công tác thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Trung ương và địa phương. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, những kinh nghiệm thực tiễn, những ý kiến từ thực tế của cơ sở rất quan trọng; bởi từ đó sẽ tìm ra được những nguyên nhân, giải pháp để giải quyết được những vấn đề tồn tại, vướng mắc ở địa phương; đồng thời sẽ bảo đảm được sự tương thích với pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh thêm yêu cầu, nhiệm vụ của công tác thanh tra, kiểm tra của ngành làm sao để dồn sức, phối hợp, tập trung xử lý khiếu nại, tố cáo tập trung đồng người, đặc biệt là những vụ việc có liên quan đến đất đai, để vừa bảo đảm công tác quản lý nhà nước của ngành, vừa phải ổn định tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sau phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh tra Bộ TN&MT đã trình bày Báo cáo đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2017 của ngành. Theo đó, năm 2017, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ và báo cáo của 61 Sở Tài nguyên và Môi trường (tính đến ngày 31/01/2018), toàn ngành đã triển khai được 2.475 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 7.735 tổ chức, cá nhân trong đó có 68 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và 2.407 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.813 tổ chức, cá nhân với số tiền 134 tỷ 979 triệu đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 14 tỷ 060 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 3.509 ha đất, 50 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Bên cạnh đó, toàn ngành cũng đã triển khai hiệu quả công tác tiếp công dân; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu tố theo quy định…
Tiếp đến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến và Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đã có những tham luận tại hội nghị. Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị quan trọng này.
1. Lĩnh vực đất đai Đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với một số nội dung cụ thể sau: - Bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng để xây dựng nhà ở, ốt quán và các công trình khác (trong đó có công trình tôn giáo). - Sửa đổi quy định tại Điều 19 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định, xử phạt đối với trường hợp tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập có hành vi tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm; lý do: cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 01/2007/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ (đã bổ sung việc thuê tài sản gắn với đất do đó nên có quy định phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành). - Tăng mức phạt bằng tiền quy định tại Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; lý do: mức phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. - Có hướng dẫn cách tính số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm khi chuyển mục đích sử dụng đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. - Bổ sung quy định xử phạt hành vi cho thuê lại đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm. - Bổ sung quy định hành vi vi phạm đối với trường hợp “tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đẩt trồng lúa sang đất trồng cây hàng năm” vào Điều 6, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP. - Bổ sung quy định về xử phạt vi phạm đổi với hành vi tự ý lấn, chiếm đất bãi bồi, lòng sông, suối tại Điều 10, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP; lý do: Trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các nhánh sông, suối nhỏ không có hệ thống đê điều và nhiều đoạn có các khu dân cư sinh sống ở ven sông, suối nhưng đến nay chưa lập hành lang bảo vệ nguồn nước cho toàn bộ hệ thống sông, suối trên địa bàn tỉnh (Do khó khăn về kinh phí, địa bàn rộng, vùng sâu, xa) nên thường xảy ra tình trạng người dân tự ý xây dựng công trình, nhà qua trên sông, lấn, chiếm đất sông suối. Khi phát hiện, xử lý các trường hợp như vậy gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do không đủ chế tài để xử lý, yêu cầu đối tượng vi phạm khắc phục hậu quả. 2. Lĩnh vực môi trường - Định nghĩa cụ thể về quy hoạch bảo vệ môi trường tại Khoản 21, Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. - Chỉnh sửa Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 theo hướng: việc thực hiện ĐTM đối với các dự án này sẽ được tiến hành qua hai bước: ĐTM sơ bộ và ĐTM; lý do: việc thực hiện ĐTM sơ bộ thực chất là bước “sàng lọc” giúp cho cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định có nên cho dự án tiếp tục hay dừng lại. Trên cơ sở đó, sẽ loại bỏ ngay từ ban đâu nhũng dự án có tác động nghiêm trọng tới môi trường vừa tránh thiệt hại cho xã hội vừa giúp cơ quan phê duyệt và chủ dự án không lãng phí thời gian, sức lực vào việc lập ĐTM chi tiết. - Sửa đổi quy định“Bùn thải cỏ các thành phần nguy hại từ quá trình xử lý nước thải khác của hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp có các ngành nghề: sản xuất, điều chế hóa chất vô cơ, hữu cơ; xử lý, che phủ bề mặt, gia công kim loại và các vật khác’' tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP và Thông tư 36/2015/TT-BTNMT theo hướng: Các loại chất thải này luôn là chất thải nguy hại mặc dù phân định không vượt ngưỡng nguy hại; lý do: tạo sự bình đẳng trong công tác bảo vệ môi trường giữa các doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất khác nhau và tăng chi phí xử lý bùn thải của các khu công nghiệp. Bổ sung vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong giai đọan từ khi xây dựng dự án cho đến khi hết 06 tháng vận hành thử nghiệm; lý do, xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các cấp khi xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm. 3. Lĩnh vực khoáng sản - Sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt bổ sung “tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính” đối với quy định tại Điểm a, b, c, d, đ, Khoản 1, Điều 44 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP; lý do: Qua phát hiện, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản (chủ yếu là cát, sỏi lòng sông) không có Giấy phép cho thấy, trong quá trình thực hiện khai thác khoáng sản trái phép các đối tượng đã tiến hành vận chuyển số lượng khoáng sản trái phép đi ra khỏi khu vực, đưa đi tiêu thụ, số khoáng sản còn lại tại vị trí phát hiện vi phạm rất ít (dưới 50 m3) và rất khó khăn trong việc xác định toàn bộ khối lượng khoáng sản đã khai thác nên khi xử lý vi phạm chỉ áp dụng mức xử phạt bằng tiền, không thể áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm đối với các khung hình phạt này, do đó không đảm bảo tính răn đe dẫn đến các đối tượng tiếp tục cố tình tái phạm. - Bổ sung đối với trường hợp khai thác cát sỏi lòng sông thì việc áp dụng sử phạt phải căn cứ vào khối lượng cát, sỏi đã khai thác tại Khoản 3, Điều 36 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP; lý do: để xác định được diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác cát, sỏi lòng sông để tiến hành xử phạt là rất khó khăn do đối tượng vi phạm sử dụng vòi hút hoặc tàu cuốc để khai thác. - Tăng mức phạt tiền Khoản 1, 2 Điều 8 và Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; lý do: Mức phạt thấp, chưa đủ sức răn đe hành vi vi phạm... |