Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ngành Thanh tra phải giữ vai trò là “Bao Công” để tạo niềm tin cho nhân dân

27/02/2019 14:15

(TN&MT) – “Ngành thanh tra phải giữ vai trò là Bao Công để tạo niềm tin cho nhân dân” - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ngành TN&MT năm 2019 được tổ chức vào sáng ngày 27/2 tại Quảng Ninh.

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ TN&MT có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía tỉnh Quảng Ninh, có ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.

Hội nghị có sự tham gia của 62/63 tỉnh thành, 16 giám đốc Sở TN&MT trên cả nước với hơn 400 các đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương như Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân Trung ương... Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 27-28/2/ - 1/3/2019).

BT Ha
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo trong Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ngành TN&MT năm 2019

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra năm 2018 theo Kế hoạch của Bộ TN&MT và của các Sở TN&MT đã cơ bản được hoàn thành. Toàn ngành đã triển khai trên 2.700 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với gần 7.500 tổ chức, cá nhân trong đó có trên 2.400 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, 530 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 1.500 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 116 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước trên 15 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 700 ha đất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra rằng: hệ thống Thanh tra Tài nguyên và Môi trường từ Trung ương đến địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó một số hạn chế đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được quan tâm khắc phục, công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường chưa tạo được bước đột phá. Nhiều vụ việc chỉ được triển khai khi các vi phạm đã được các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện và đăng tin hoặc do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Do đó, kết quả công tác thanh tra chưa góp phần hiệu quả vào việc giải quyết các bức xúc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí để đảm bảo pháp luật được thượng tôn, phát hiện những kẽ hở, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện, chưa tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của các tầng lớp nhân dân.

Tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ngành TN&MT năm 2019, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị thanh tra tài nguyên và môi trường bám sát và quán triệt phương châm năm 2019 của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá hiệu quả” để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường tạo bước đột phá, trở thành công cụ sắc bén, hữu hiệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Trong đó, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đội ngũ những cán bộ thanh tra ngành tài nguyên và môi trường cần phải thể hiện được trình độ chuyên môn, liêm khiết, công minh khi thực hiện nhiệm vụ được giao để tạo được niềm tin cho nhân dân. “Các đồng chí phải tinh thông chuyên môn; công minh trong các nhiệm vụ được Nhà nước, Chính phủ giao phó; phải đóng vai trò là “Bao Công” của Chính phủ, của ngành, của địa phương thì mới xây dựng được hình ảnh đẹp và sự tin tưởng của nhân dân. Khi đó mới có thể đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bên cạnh đó, đối với công tác chuyên môn ngành thanh tra tài nguyên môi trường, Bộ trưởng đề nghị thường xuyên tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm về đất đai, những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị cần có sự phối hợp tốt trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra hàng năm, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa Bộ ngành và địa phương trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Đa dạng hóa các kênh thông tin để tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của người dân đối với công tác thanh tra, khiếu nại, tố cáo.

Bộ trưởng cũng đề nghị cần gắn trách nhiệm và nâng cao hơn nữa công tác chỉ đạo, quản lý của người đứng đầu các đơn vị thanh tra từ đó đưa ra những ý kiến tham mưu tới các cấp kịp thời, khách quan để trong năm 2019 sẽ đưa công tác thanh tra đi vào chiều sâu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đất nước.

Bộ trưởng cũng đề cập đến công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách và pháp luật về công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trao đổi và chia sẻ thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn ở địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luật và giải quyết, tháo gỡ khó khăn và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ở địa phương.

“Tôi đề nghị Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc các Sở tài nguyên và Môi trường cần coi công tác thanh tra, kiểm tra là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Các cán bộ, công chức làm công tác thanh tra cần hiểu biết pháp luật, có bản lĩnh, liêm chính, khách quan và công tâm. Tôi mong rằng tinh thần liêm chính, hành động, gần dân của Chính phủ sẽ được toàn ngành thực thi một cách nghiêm túc từ trong công tác thanh tra, kiểm tra.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo.

BT2
Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ngành TN&MT năm 2019

Đồng quan điểm với các ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, lãnh đạo địa phương luôn quan tâm tới ngành tài nguyên và môi trường và đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường thực hiện  thanh kiểm tra về đất đai, khoáng sản và môi trường; đặc biệt tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng; đến nay đã giảm nhiều những trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người, phát sinh điểm nóng, hạn chế thấp nhất khiếu nại vượt cấp đến Trung ương.

Ông Đặng Huy Hậu cho biết, tỉnh ủng hộ quan điểm tăng cường thanh tra, đặc biệt là thanh tra đột xuất những nơi có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Khi phát hiện có sai phạm cần phải xử lý dứt điểm, khách quan để các bên đều tâm phục khẩu phục. Ngoài ra, ông Hậu cũng đề nghị Bộ hỗ trợ địa phương trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu ngành để phục vụ tốt hơn công tác phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tại Hội nghị, ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh tra Bộ TN&MT đã trình bày Báo cáo đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2018 của ngành. Theo đó, năm 2018, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ và báo cáo của 53/63 Sở Tài nguyên và Môi trường, Công tác thanh tra, kiểm tra năm 2018 theo Kế hoạch của Bộ và của các Sở đã cơ bản được hoàn thành. Công tác thanh tra, kiểm tra đã có sự kết hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương; nội dung thanh tra gắn với những vấn đề bức xúc từ thực tiễn như vấn đề vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư. Năm 2018, toàn ngành đã triển khai trên 2.700 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với gần 7.500 tổ chức, cá nhân trong đó có trên 2.400 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 1.500 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 116 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước trên 15 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 700 ha đất.

BT4
Ông Lê Quốc Trung - Chánh Thanh tra Bộ TN&MT báo cáo tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ngành TN&MT năm 2019

Trong năm 2018, số cuộc thanh tra kết hợp nhiều lĩnh vực đã tăng 28% so với năm 2017; trong đó, nổi bật là việc triển khai hiệu quả các cuộc thanh tra kết hợp nhiều lĩnh vực của một số địa phương như: Bình Dương, Nghệ An, Quảng Bình…

Năm 2018, toàn Ngành đã thực hiện 530 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất; trong đó, Bộ đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất với tỷ lệ 38% so với tổng số các cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện. Trong đó, một số cuộc thanh tra đã kịp thời xử lý các sai phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường mà xã hội quan tâm và tạo được sự đánh giá cao của xã hội, như: Kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất thực hiện chậm tiến độ; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất và các dự án đang hoạt động tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu tại các cảng biển; kiểm tra, xử lý các vụ việc về ô nhiễm, sự cố môi trường và đa dạng sinh học trên địa bàn cả nước; kiểm tra hoạt động khai thác Titan; kiểm tra các dự án san lấp biển, ảnh hưởng đến cảnh quan Vịnh Nha Trang...

Tất cả các cuộc thanh tra do Bộ chủ trì, trước khi triển khai Bộ đều phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát để kịp thời điều chỉnh, bổ sung về nội dung và đối tượng thanh tra, xử lý triệt để tình trạng chồng chéo với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2019, theo ông Lê Quốc Trung, toàn ngành tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kết hợp nhiều lĩnh vực; trong đó, Bộ sẽ tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường và tài nguyên nước đối với các dự án có quy mô sử dụng đất lớn, các tổ chức sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường.

Đối với lĩnh vực đất đai, tiếp tục triển khai Đề án "Tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến năm 2020" với nội dung cụ thể là thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Triển khai thanh tra về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; việc giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện các dự án.

Đối với lĩnh vực môi trường, tập trung thực hiện thanh tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao của một số ngành nghề như: khu công nghiệp, hóa chất, phân bón, y tế, luyện kim, dệt nhuộm, xử lý chất thải nguy hại.

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, thực hiện thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nước ngầm và nước mặt….

BT3
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ngành TN&MT năm 2019

Để thực hiện tốt công tác thanh tra năm 2019, ông Lê Quốc Trung nhấn mạnh cần có sự phối hợp tốt trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra hàng năm, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa Bộ ngành và địa phương trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Đa dạng hoá các kênh thông tin để tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của người dân đối với công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tổ chức mô hình lực lượng thanh tra theo vùng để nắm bắt và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường trong đó xác định các đối tượng thường xuyên vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm cao để giám sát chặt chẽ.

Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho các tổ chức và nhân dân. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về tài nguyên và môi trường đáp ứng với yêu cầu của công tác quản lý.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình công tác thanh tra, kiểm tra của đơn vị mình, Thanh tra Bộ đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện để báo cáo kịp thời đến Lãnh đạo Bộ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ngành Thanh tra phải giữ vai trò là “Bao Công” để tạo niềm tin cho nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO