Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đổi mới, tạo đột phá về thể chế trong quản lý tài nguyên và môi trường

12/02/2018 20:11

(TN&MT) - Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, Tiến sỹ Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Ban Cán sự Đảng - Bộ trưởng Bộ TN&MT đã dành cho Báo Tài nguyên và Môi trường cuộc trả lời phỏng vấn.  

hiep 3
Tiến sỹ Trần Hồng Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Năm 2018, tiếp tục là năm ngành TN&MT đặt trọng tâm vào đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật; cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh để kiến tạo, tạo động lực cho phát triển trước mắt và lâu dài; đồng thời, toàn ngành sẽ quán triệt thực hiện phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật để tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn.

1202 BT 2
Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quốc Khánh 


PV: Kính thưa Bộ trưởng, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 của ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT trong việc đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Xin Bộ trưởng khái quát về những thành tựu mà ngành TN&MT đã đạt được trong năm 2017?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nếu như năm 2016 là năm toàn ngành TN&MT đã vượt qua khó khăn thì năm 2017 chính là năm tạo nền tảng. Toàn ngành tập trung vào 4 mục tiêu lớn là giải quyết tồn tại của quá trình phát triển nóng để lại; tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách đưa nguồn lực TN&MT vào sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC); tổng kết đánh giá một số chính sách, chiến lược quan trong như: Đất đai, môi trường, khoáng sản, biển đảo để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nhằm tạo ra động lực mới cho phát triển của giai đoạn mới. Kết thúc năm 2017, chúng ta đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ đặt ra, thể hiện ở các kết quả chủ yếu sau:

Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế. Trong năm 2017, nhiều chính sách mới đã được ban hành, theo sát yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ được nhiều khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ví dụ như Nghị định số 01/2017/NĐ-CP đã cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc trong công tác quản lý, xóa bỏ nhiều điểm nghẽn, đơn giản hóa thủ tục về đất đai để thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển thị trường bất động sản. Đặc biệt, đã bổ sung quy định được đánh giá là “cởi trói” cho nông nghiệp khi cho phép tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất không thu tiền để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp được tiếp tục sử dụng đất mà không phải chuyển sang thuê đất để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp; cho phép nông dân được linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nếu việc chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại.

1202 BT và Đại sứ Mỹ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giới thiệu cây Quất trưng Tết theo phong tục Việt Nam với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - ngài Daniel J. Kritenbrink. Ảnh: Hoàng Minh


Thứ hai, có thể nói đây là năm vấn đề cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp được Bộ hết sức chú trọng và đạt được những kết quả quan trọng. Chúng ta đã thực hiện việc tiếp nhận giải quyết theo hình thức trực tuyến đối với 71 TTHC; thực hiện liên thông 11 TTHC trong 3 lĩnh vực: Môi trường, nước và biển, đảo; đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3 - 1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp Giấy chứng nhận.

Thứ ba, trước nguy cơ lớn do biến đổi khí hậu (BĐKH), xung đột trong phát triển nội tại cũng như các tác động từ thượng nguồn đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức rất thành công Hội nghị huy động sáng kiến, qua đó đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Đây là mô hình điểm để nhân rộng ra các vùng khác trên cả nước trong thời gian tới.

Thứ tư, kết quả, công tác quản lý, sử dụng đất đai có sự chuyển biến rất rõ nét, vừa đóng góp được nguồn lực tài chính cho ngân sách Nhà nước với khoảng 12% tổng thu ngân sách nội địa; vừa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Nhiều địa phương đã triển khai các mô hình tích tụ, tập trung đất đai, đẩy nhanh tiến trình dồn điền đổi thửa để cơ giới hóa đồng ruộng, sản xuất quy mô lớn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nguồn lực tài chính từ đất đai đóng góp khoảng 12% thu ngân sách nội địa.

Một vấn đề gây bức xúc trong dư luận thời gian trước đây là tình trạng lãng phí đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng, năm nay, đã được giải quyết tốt với việc giảm gần 78.000 ha. Một vấn đề khác đang thu hút sự quan tâm nhất của người dân và tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh là thủ tục cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, năm nay, đã có sự chuyển biến tích cực từ quy định đến thực thi. Cả nước đã thực hiện cấp GCN lần đầu đối với 96,6% diện tích cần cấp, tăng 1,8 triệu giấy so với năm 2016. Đặc biệt, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.

1202 BT 3
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát công tác khắc phục hậu quả lũ quét tại Mù Cang Chải (Yên Bái) đầu tháng 8/2017. Ảnh:Việt Hùng


Thứ năm, đã tạo ra những chuyển biến lớn, chuyển dần từ thế bị động sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa, không để phát sinh các sự cố, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc giám sát chặt chẽ hoạt động khắc phục các tồn tại, vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) để doanh nghiệp này đi vào vận hành, sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn thép, đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của năm 2017. Qua đây cũng cho thấy, một mô hình, cơ chế mới về kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đang được hình thành và triển khai nhân rộng. Chúng tôi cũng đang khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát đặc biệt các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhằm chủ động kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa, không để xảy ra các sự cố môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ sáu, năm 2017, được biết đến là một năm kỷ lục về các hiện tượng thiên tai khốc liệt, cực đoan và dị thường tại nhiều nơi trên cả nước, với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 15 đợt nắng nóng diện rộng với những trị số nắng nóng lịch sử 42oC ở miền Bắc và miền Trung; nhiều trận mưa lớn diện rộng, lũ lớn đạt mức lịch sử. Ngành TN&MT đã dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan trên diện rộng, chính thức đưa thông tin về trượt lở đất, lũ ống, lũ quét trong bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn. Cũng trong năm 2017, nhiều hệ thống cảnh báo thiên tai với công nghệ hiện đại được ngành TN&MT đưa vào sử dụng, vận hành góp phần nâng cao chất lượng và tính chính xác của các bản tin dự báo.

Thứ bảy, triển khai kinh tế hóa trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, trong đó, đưa ra phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất. Đây là bước đi nhằm cụ thể hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản của Nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đặc biệt trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang là thách thức lớn đối với phát triển của Việt Nam.

Vấn đề cuối cùng, tôi cho rằng hết sức quan trọng đó là, chúng ta đã hoàn thành việc sơ kết đánh giá một cách toàn diện các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với 2 lĩnh vực quan trọng cho phát triển bền vững là đất đai và môi trường; tổng kết đánh giá 2 chiến lược lớn là khoáng sản và biển đảo, qua đó xác định những bất cập, rào cản, những vấn đề cần tiếp tục đổi mới để sửa đổi 2 đạo luật quan trọng là Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và ban hành chiến lược mới về khoáng sản và biển đảo. Đây là bước chuẩn bị nhằm tạo ra nền tảng và động lực mới cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

1202 BT 4
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát nhà máy Lee & Man Hậu Giang. Ảnh:Việt Hùng


PV:Bên cạnh những thành tựu to lớn đã được Chính phủ và nhân dân ghi nhận, vẫn còn đó những thách thức, xin Bộ trưởng cho biết những thách thức mà ngành TN&MT đã, đang và sẽ phải sẵn sàng đối mặt, vượt qua, để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện vẫn còn khá nhiều thách thức đặt ra cho ngành, nhưng 5 thách thức lớn được nhận diện cũng là những đòi hỏi, mong muốn, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đặt ra với ngành trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Trước hết, đó là những thách thức từ tình trạng sử dụng các nguồn tài nguyên chưa hợp lý, kém hiệu quả. Nguồn lực tài nguyên chưa trở thành nguồn lực, động lực thúc đẩy giải phóng sức sản xuất cho phát triển kinh tế - xã hội; suy thoái, suy giảm các nguồn tài nguyên đang diễn ra ở một số nơi do tác động của biến đổi khí hậu, của hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước.

Vấn đề thứ hai, mặc dù, chúng ta đã có những chuyển biến tích cực nhưng công tác quản lý đất đai còn những hạn chế, hiệu quả sử dụng đất còn thấp so với các nước trong khu vực. Việc giải quyết các vấn đề tồn tại trong quản lý đất công, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, đất của các doanh nghiệp Nhà nước, giải quyết vấn đề tranh chấp, lấn chiếm đất đai còn gặp khó khăn do nhiều yếu tố có tính lịch sử, nguồn gốc đất đai phức tạp, chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ, hồ sơ pháp lý không đầy đủ. Chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn, một số quy định còn chưa phù hợp, tạo ra rào cản, chưa giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư dẫn đến chưa giải quyết đứt điểm khiếu kiện phức tạp trong lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài, trong khi công tác huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường chưa được triển khai thực hiện hiệu quả; năng lực, công nghệ xử lý rác thải còn hạn chế; ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí diễn ra ở nhiều nơi; đa dạng sinh học có chiều hướng bị suy giảm.

Bên cạnh đó, dưới tác động của BĐKH, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, nghiêm trọng, diễn biến khó lường; trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ quan trắc, dự báo còn hạn chế. Nguồn lực cho ứng phó với BĐKH còn khó khăn.

Một thách thức khác đó là vấn đề lực lượng cán bộ, năng lực quản lý, cách thức quản lý của ngành còn hạn chế, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phải tinh giản. Qua kiểm tra thực tế ở nhiều địa phương, ví dụ như ở Tây Nguyên, chỉ 1 - 2 cán bộ địa chính phải quản lý quỹ đất lớn hơn cả một huyện; hay ở nhiều địa bàn, lực lượng làm cán bộ môi trường rất mỏng; một số địa phương cán bộ làm công tác quản lý về biển và hải đảo chưa được đào tạo theo đúng chuyên ngành... Đây là áp lực lớn, đòi hỏi phải triển khai thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại; đồng thời, cần đổi mới phương thức quản lý, hiện đại hóa ngành.

bo truong kiem tra cong tac du bao tai trung tam kttv quoc gia
Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác ứng trực dự báo về cơn bão số 16 của năm 2017 tại Trung tâm KTTV Quốc gia. Ảnh:Việt Hùng


PV:Từ những khó khăn, thách thức được nhận diện, cũng như yêu cầu đặt ra đối với phát triển trong gian đoạn mới, xin Bộ trưởng cho biết, ngành TN&MT sẽ phải tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào để có thể hoàn thành nhiệm vụ năm 2018 - năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2016 -2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cùng với vị trí, vai trò của ngành TN&MT ngày càng được nâng cao thì yêu cầu đổi mới, hiệu quả trong công tác quản lý TN&MT cũng được đặt ra ở các Nghị quyết của BCH Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong chuyển đổi mô hình kinh tế, trong điều kiện hiện nay của đất nước; cũng chính là đòi hỏi, mong chờ của nhân dân và doanh nghiệp đối với ngành. Đây chính là mệnh lệnh để toàn ngành phải thay đổi, đột phá trong xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật để kiến tạo, tạo động lực cho phát triển trước mắt và lâu dài; kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật để tạo ra được chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn.

Trước hết, năm 2018, tiếp tục là năm Bộ đặt trọng tâm vào đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật; cắt giảm TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh bởi đây chính một trong những then chốt để giải quyết các thách thức nêu trên, cũng như tạo động lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Hai là, quyết liệt trong triển khai để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc đang đặt ra như lãng phí đất đai, đất của các nông, lâm trường. Sử dụng đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; vận hành điều tiết của các hồ chứa, khai thác… Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở từng cấp.

Ba là, trong lĩnh vực đất đai, sẽ tập trung sửa đổi Luật Đất đai một cách căn cơ nhằm xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nguồn lực khác cho phát triển; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư để giảm bớt khiếu kiện; đồng thời, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững trong tầm nhìn dài hạn, đảm bảo yêu cầu sinh tồn (quỹ đất cho đảm bảo an ninh lương thực, nhà ở, an ninh nguồn nước), yêu cầu về sinh thái (diện tích đất rừng, cây xanh, nguồn sinh thủy…); yêu cầu cho phát triển (quỹ đất cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở sản xuất kinh doanh…).

Giải quyết tình trạng lãng phí tài nguyên đất; xử lý công bố công khai các dự án chậm đưa đất vào sử dụng; đẩy nhanh tiến độ rà soát, giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, thực hiện đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính, cho thuê đất, cấp GCN đối đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; lập phê duyệt phương án sử dụng đối với quỹ đất bàn giao cho địa phương gắn với giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, dân di cư tự do. Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là các dự án trọng điểm quốc gia, bảo đảm an sinh cho người có đất bị thu hồi, giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.

1202 BT 5
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các bạn đoàn viên thanh niên tỉnh Cà Mau sau khi trồng một cây xanh. Ảnh:Việt Hùng


Bốn là, trong lĩnh vực môi trường, cần có những thay đổi có tính cách mạng để thực hiện quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Trước hết, từ việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) để tạo ra những cơ chế đột phá để quản lý, huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường; hoàn thiện các công cụ kinh tế để chuyển dần trọng tâm từ các biện pháp hành chính sang cơ chế thị trường trong quản lý, bảo vệ môi trường theo nguyên tắc người gây ô nhiễm, người được hưởng lợi từ môi trường phải trả tiền; chủ động trong phòng ngừa, chuyển quản lý, BVMT cuối đường ống sang BVMT ở đầu đường ống và trong suốt quá trình, kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước làm sạch sau; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp môi trường, công nghệ xử lý và các ngành công nghiệp môi trường để chuyển hóa rác thải thành tài nguyên, rác thải được tái chế, tái sử dụng một cách hợp lý; chuyển từ khai thác, thâm dụng vào vốn tự nhiên trong phát triển kinh tế sang bảo vệ phục hồi, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.

Hoàn thiện các hàng rào kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường làm công cụ để sàng lọc các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao ngay trong quá trình thu hút đầu tư, chuẩn bị đầu tư.

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Tập trung xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường ở khu vực đô thị, nông thôn, làng nghề, khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, hồ, ven biển… Phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường, thông qua việc nâng cao chất lượng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đánh giá môi trường chiến lược, kiên quyết không cấp phép các dự án không đảm bảo yêu cầu về BVMT.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mỗi người hiểu BVMT là bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của chính mình và các thế hệ con cháu mai sau, qua đó, nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi để mỗi người bằng hành động “nhỏ” sẽ tạo ra chuyển biến “lớn” trong BVMT.

0902 bt tham bdbp 1
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Thanh Lòa (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) ngay trước thềm Xuân Mậu Tuất 2018. Ảnh:Việt Hùng


Năm là, hiện đại hóa mạng lưới trạm khí tượng thủy văn bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa; triển khai phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai. Phấn đấu mục tiêu tăng thời hạn dự báo bão, áp thấp nhiệt đới lên 72 giờ, thời hạn cảnh báo bão đến trước 3 - 5 ngày, cảnh báo sớm chi tiết đối các đợt mưa lũ lớn diện rộng, lũ vừa và lớn trên các hệ thống sông chính trước từ 1 - 3 ngày. Thay đổi tư duy phát triển; tôn trọng các quy luật tự nhiên, lựa chọn các mô hình thích hợp gắn với liên kết vùng để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, chặn đà suy giảm tài nguyên. Triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH; nghiên cứu các giải pháp nhằm ứng phó với BĐKH các vùng chịu nhiều tác động như Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc.

Sáu là, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện công tác điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển gắn với quy hoạch sử dụng hợp lý. Điều phối, giám sát, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành, liên địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực; hợp tác chặt chẽ với các nước trong chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới, trong quản lý tài nguyên môi trường biển. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác khoáng sản, đá, cát sỏi trái phép; xử lý nghiêm các vi phạm.

Bảy là, tiếp tục coi trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về chất lượng dịch vụ công nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Tám là, đổi mới phương thức quản lý, cách thức điều hành; từng bước hiện đại hóa ngành; trước mắt cần tập trung xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về TN&MT, cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành. Tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh; thiết lập hệ thống kết nối, chia sẻ, phản hồi thông tin giữa Bộ và các Sở TN&MT.

0902 bt va doan cong tac tai cot moc 1165
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đoàn công tác Bộ TN&MT chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng Lạng Sơn bên cột mốc 1165. Ảnh:Việt Hùng


PV: Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng có gửi gắm gì tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thông qua ấn phẩm báo Xuân Mậu Tuất 2018 của Báo Tài nguyên và Môi trường, tôi biểu dương và trân trọng những nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của toàn ngành trong năm 2017.

Tôi mong rằng, trong năm 2018, toàn ngành sẽ tiếp tục gắng sức, đồng lòng, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, cụ thể hóa phương châm 10 chữ vàng “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ vào mỗi lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ được giao để năm 2018 chúng ta quyết tâm tạo được bước chuyển lớn, đánh dấu sự nghiệp đổi mới, hiệu quả của ngành. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức của ngành hãy là những tấm gương sáng trong thực thi nhiệm vụ để tạo ra được sức lan tỏa trong toàn xã hội về hiệu quả công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH...

Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sắp đến, thông qua Báo Tài nguyên và Môi trường, tôi gửi lời chúc mừng tới các đồng chí lãnh đạo Bộ, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành qua các thời kỳ cùng toàn thể quý độc giả của Báo một năm mới Sức khỏe - Hạnh phúc - Thành công.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đổi mới, tạo đột phá về thể chế trong quản lý tài nguyên và môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO